Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiến đất làm đường- nguồn lực lớn để đồng bộ hạ tầng giao thông
Kỳ 1: Nhà nước làm đường, người dân hiến đất
Thứ hai: 00:10 ngày 28/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc hiến đất làm đường đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân địa phương, bởi đó là nguồn lực lớn cho sự phát triển lâu dài của địa phương.

Ông Đỗ Văn Hạnh- Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp Suối Dộp trao đổi với phóng viên nghe về quá trình vận động người dân hiến đất làm đường.

Để thực hiện đạt tiêu chí giao thông, góp phần hoàn thành các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp tiền làm đường nông thôn. Phong trào hiến đất làm đường ngày càng lan toả, vùng nông thôn dần chuyển mình mạnh mẽ, kỳ vọng đây sẽ là bước đệm cho sự phát triển lâu dài.

Những con đường “ý Đảng, lòng Dân”

Với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay. Những con đường được mở mới, nối dài không chỉ giúp người dân thuận tiện hơn trong sản xuất, sinh hoạt, còn góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Tuyến đường nội đồng thuộc tổ 7, ấp Phước Thạnh, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành trước đây chỉ rộng khoảng 70cm. Người dân chỉ có thể đi bộ vào ruộng, việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Thấy vậy, ông Ngô Văn Quyền (sinh năm 1972)- Trưởng ấp Phước Thạnh bàn với gia đình, hiến 1.085m2 đất; đồng thời vận động bà con xung quanh cùng nhau hiến đất để làm đường nội đồng.

Đứng trên con đường nội đồng tổ 7 dài hơn 3km, rộng 5m, chạy dài đến các cánh đồng, Trưởng ấp Phước Thạnh nói: “Từ nay trở đi, người dân trong ấp sẽ không phải gánh lúa đi xa hàng trăm mét như trước nữa. Có đường rồi, máy gặt, máy nông nghiệp đến tận ruộng”.

Với ông Quyền, làm đường không đơn thuần chỉ là việc của Nhà nước mà cần có sự ủng hộ, chung sức và chia sẻ của người dân. Việc làm đường chủ yếu vì mục tiêu phát triển chung, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Bà con cần đồng thuận, chung sức cùng địa phương làm nên những con đường lớn và đẹp hơn.

Khi xây dựng nông thôn mới, đường liên tổ 5, 6, ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành nằm trong kế hoạch được nâng cấp, mở rộng. Trước đây, con đường này chỉ là lối đi nhỏ, hẹp, rộng khoảng 2 - 3m, mùa mưa thường bị lầy lội, người dân đi lại khó khăn. Thấu hiểu sự vất vả ấy, ông Nguyễn Văn Tánh (sinh năm 1962) hiến ngay 2.000m2 đất với khoảng 50 cây cao su đang thu hoạch để làm đường.

“Người nhà nông như chúng tôi quý nhất là đất đai, chưa kể phần đất trồng cao su này đang trong giai đoạn thu hoạch, mỗi năm đem lại lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc cùng gia đình, tôi quyết định hiến đất, chặt cây để mở rộng đường. Hơn nữa, làm đường là làm cho mình và con cháu mình đi thì mình phải đóng góp công sức nhỏ bé vào đó với Đảng, Nhà nước”- ông Tánh nói.

Giờ đây, đường liên tổ 5, 6, ấp Suối Dộp đã được trải sỏi đỏ, bằng phẳng với chiều rộng khoảng 6m, xe chạy băng băng, không còn cảnh ổ gà, ổ voi hay mặt đường chật hẹp như trước. Thành quả đó là sự chung sức, chung lòng của chính quyền và người dân ấp Suối Dộp trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn.

“Những con đường mới được mở ra, không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hoá dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Ông Trần Khắc Tùng-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Châu

Ông Đỗ Văn Hạnh- Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp Suối Dộp chia sẻ, trước đây, việc vận động gặp không ít khó khăn, người dân chưa đồng tình. Hành động tiên phong của ông Tánh được các hộ lân cận nhiệt tình ủng hộ và noi theo, nhiều người đã chung tay hiến đất làm đường.

Kỳ vọng “thay da đổi thịt”

Để hoàn thành tiêu chí giao thông, năm 2022, UBND thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu tập trung nâng cấp và mở rộng làm đường giao thông nội thị tại các tuyến D1, D2, N4, N11, đường Lê Trọng Tấn, đường Phan Đình Phùng, đường Phạm Ngọc Thạch với tổng chiều dài 2.492,47m.

Ông Trần Khắc Tùng- Phó Chủ tịch UBND Thị trấn cho biết, để các tuyến đường thi công đúng tiến độ, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và tầm quan trọng của việc phát triển giao thông nông thôn.

Cùng với công tác tuyên truyền, việc vận động nhân dân hiến đất được thực hiện dân chủ, rộng rãi, thực chất trong tất cả các khâu như thông báo chủ trương đầu tư, kế hoạch, dự án xây dựng; những vấn đề người dân được hưởng lợi sau khi công trình được hoàn thành; tổ chức cuộc họp để quán triệt nội dung dự án và triển khai kế hoạch vận động nhân dân…

Gia đình bà Hoàng Thị Diệu (sinh năm 1970, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Châu) là một điển hình trong công tác hiến đất làm đường. Bà Diệu có 3,6 công đất trồng mì, cuộc sống gia đình ổn định. Khi Đảng uỷ, chính quyền địa phương có chủ trương làm đường lô 17, bà Diệu đồng ý hiến đất.

“Nhà nước mở đường đến đâu, tôi sẽ hiến đất tới đó. Ở đâu có đường lớn và đẹp thì kinh tế ở đó phát triển; giá trị đất trên tuyến đường cũng tăng lên, người dân địa phương sẽ được hưởng lợi.

Khi nhà nước mở rộng tuyến đường lô 17 sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân tại các tổ dân phố nơi tuyến đường đi qua, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Vì vậy, khi chính quyền vận động, gia đình tôi lập tức đồng ý, sẵn sàng hiến đất. Mọi người đều kỳ vọng vào sự đổi thay trong tương lai”- bà Diệu nói.

Xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cũng là một trong các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để xây dựng các công trình giao thông nông thôn.

Ông Nguyễn Trọng Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền địa phương đã sâu sát, đồng hành cùng bà con trong việc duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài đội ngũ cán bộ, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của người có uy tín trong cộng đồng để cùng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa của những công trình để người dân hiểu và đồng thuận.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của mọi người, mạng lưới giao thông cũng như các công trình từng bước hoàn thiện, diện mạo vùng nông thôn dần thay đổi, phục vụ thiết thực cho nhu cầu, lợi ích của nhân dân.

Từ hoạt động hiến đất làm đường có thể thấy rằng, việc huy động sức mạnh của nhân dân sẽ tạo nguồn lực lớn để các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Ông Hồ Sỹ Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình chia sẻ, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về giao thông luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng.

Trên cơ sở quy hoạch về hạ tầng giao thông trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức để rút ngắn thời gian hoàn thành tiêu chí này.

Để có được sự đồng thuận cao từ người dân, địa phương thành lập ban vận động, trong đó các ban, ngành, đoàn thể là nhân tố chủ lực trong công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, ý nghĩa của chương trình nông thôn mới đến đông đảo người dân.

Nhận thức về xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên, chủ động hơn trong việc tham gia hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng các tuyến đường giao thông cũng như công trình phúc lợi khác triển khai trên địa bàn.

Những việc làm thiết thực đã góp phần đưa địa phương đạt mục tiêu đề ra, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Việc hiến đất làm đường đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân địa phương, bởi đó là nguồn lực lớn cho sự phát triển lâu dài của địa phương.

Thiên Di - Phương Thảo

(còn tiếp)

“… làm đường là làm cho mình và con cháu mình đi thì mình phải đóng góp công sức nhỏ bé vào đó với Đảng, Nhà nước”.Ông Nguyễn Văn Tánh- ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành

Tin cùng chuyên mục