Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần có giải pháp mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn
Kỳ 1: Nhiều trạm nước cấp nước vận hành gấp đôi công suất thiết kế
Thứ năm: 10:06 ngày 25/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong tỉnh ngày càng tăng cao, đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp để mở rộng hệ thống cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Vẫn thiếu nước sạch cung cấp cho người dân.

Xã Mỏ Công, huyện Tân Biên có 2 công trình cấp nước sạch nông thôn do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh quản lý, gồm Trạm cấp nước ấp Thanh Tân và Trạm cấp nước ấp Thanh Hòa. Hiện nay, trạm cấp nước ấp Thanh Tân hoạt động với công suất thực tế 427/100 m3/ngày.đêm (bằng 427%), cấp nước cho 695/200 hộ dân (bằng 348%); trạm cấp nước ấp Thanh Hòa hoạt động với công suất thực tế 188/100 m3/ngày.đêm (bằng 188%), cấp nước cho 277/200 hộ dân (bằng 139%).

Ông Trương Thái Hòa, nhân viên quản lý 2 trạm cấp nước trên cho biết, Trạm cấp nước ấp Thanh Tân cung cấp nước cho khoảng 200 hộ dân nhưng thiếu nước thường xuyên do mạch nước ngầm yếu, không đủ nước cung cấp cho người dân, nhất là vào mùa khô, tình trạng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn. Cả trạm Thanh Tân hoạt động ngày đêm chỉ đạt khoảng 62m3 nước, nhờ đấu nối nước từ Trạm Thanh Hòa mới tạm đủ nước cung cấp cho các hộ dân.

Hộ của bà Nguyễn Thị Duyên (ấp 1, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) chia sẻ: gia đình bà gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nước sạch để sử dụng, do nước giếng bị nhiễm phèn nặng; gia đình đã mua rất nhiều hệ thống lọc phèn nhưng kết quả không mấy khả quan. Việc dùng nguồn nước phèn dẫn đến quần áo, đồ đạc sinh hoạt bị hư hỏng, nên nhiều năm qua bà Yên có nguyện vọng được sử dụng nguồn nước do Trạm cấp nước cung cấp.

Theo ông Lê Văn Bài- Chủ tịch UBND xã Mỏ Công, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân xã Mỏ Công khá lớn. Trên địa bàn xã chỉ có 2 trạm cấp nước sạch nhưng hoạt động quá công suất thiết kế, do đó, hiện nay một số hộ dân chưa được cấp nước sạch, phải sử dụng nước giếng khoan. UBND xã Mỏ Công kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm cải tạo, nâng cấp 2 trạm cấp nước sạch hiện có trên địa bàn, cũng như xem xét đầu tư thêm trạm cấp nước nông thôn.

Nguồn nước ngầm tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên nhiễm phèn nặng.

Nhiều trạm cấp nước có thiết kế cũ kỹ, quy mô nhỏ

Ngày nay, người dân khu vực nông thôn nhận thức và chú trọng vai trò của nước sạch đối với sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày nên nhu cầu sử dụng nước sạch ngày một tăng cao. Đặc biệt, ở những khu vực khó khăn về nguồn nước (mực nước ngầm hạ thấp, nhiễm phèn nặng; vào mùa khô, nước khan hiếm); nước từ các giếng khoan nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng để sử dụng trong sinh hoạt, nhu cầu tiếp cận với nguồn nước sạch của người dân là rất lớn.

Thời gian qua, Trung tâm NS&VSMTNT tiếp nhận các công trình cấp nước do UBND các xã quản lý, vận hành theo Quyết định số 2638/QĐ-UBND ngày 21.12.2011 của UBND tỉnh về việc điều chuyển nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (66 công trình) và Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 16.7.2013 của UBND tỉnh về việc điều chuyển 10 cơ sở nhà, đất và hệ thống cấp nước thuộc sở hữu nhà nước.

Hầu hết công trình cấp nước khi được Trung tâm tiếp nhận đều đã đầu tư lâu năm, một số hạng mục công trình (cụm xử lý, bể chứa, đài nước, tuyến ống cấp nước), thiết bị (máy bơm, hệ thống điện, đồng hồ đo nước) lạc hậu, quy mô công trình nhỏ, chỉ cung cấp đủ nước sạch cho một cụm dân cư trên địa bàn.

Kể từ khi tiếp nhận các công trình, Trung tâm NS&VSMTNT nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác cấp nước sạch nông thôn. Ngành Nông nghiệp đã đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa 44 công trình cấp nước tập trung với tổng kinh phí 146.900 triệu đồng. Hằng năm, Trung tâm NS&VSMTNT thực hiện sửa chữa nhỏ hạng mục tại các công trình cấp nước được cân đối từ nguồn thu của đơn vị.

Một trạm cấp nước sạch nông thôn được đầu tư đã lâu, hệ thống xử lý nước nhỏ, không đủ cung cấp nước trên diện rộng.

Để bảo đảm cấp nước ổn định, đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt của người dân và chất lượng nước theo quy chuẩn hiện hành, khi tiếp nhận các công trình cấp nước, Trung tâm NS&VSMTNT cần bố trí nguồn kinh phí để nâng công suất (từ 400-1.000 m3/ngày.đêm), cải tạo các hạng mục, đầu tư công nghệ xử lý hiện đại, mở rộng quy mô mạng lưới tuyến ống...

 Thế Nhân

 (còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục