Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương và có nhiều đóng góp cho đất nước không chỉ bằng các hoạt động đầu tư, thương mại, bằng kiều hối mà còn thông qua các hoạt động chuyển giao tri thức công nghệ, đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, có 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng gắn bó với quê hương và có nhiều đóng góp cho đất nước không chỉ bằng các hoạt động đầu tư, thương mại, bằng kiều hối mà còn thông qua các hoạt động chuyển giao tri thức công nghệ, đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.
Bài viết phân tích những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức NVNONN; phân tích tiềm năng và những đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài và đề xuất các giải pháp nhằm tập hợp đội ngũ trí thức NVNONN góp phần xây dựng đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trò chuyện cùng bà con kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình Xuân Quê hương 2025 ngày 19.1.2025, tại Trụ sở Quốc hội.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức NVNONN cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tuy nhiên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn.
Cộng đồng NVNONN rất đông đảo, trong đó có nhiều người có trình độ cao, nhiều người là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín của các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn. Tập hợp và phát huy được trí tuệ của đội ngũ trí thức NVNONN sẽ góp phần quan trọng cho thành công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tháng 2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng đã xác định tập hợp tầng lớp trí thức, xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước. Từ đó, trải qua những khúc quanh của lịch sử, đặc biệt là sau Hội nghị Trung ương 10.1930, có một số quan điểm về tập hợp trí thức - do tuân thủ các quy định của Quốc tế Cộng sản - nên đã có những nội dung tả khuynh, giáo điều.
Thế nhưng, sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng, những tư tưởng về tập hợp trí thức đã được nêu ra từ chính cương vắn tắt đã được tiếp nối. Mặt trận Việt Minh với chủ trương quy tụ tất cả các giới đồng bào, trong đó có đội ngũ trí thức. Năm 1943, Hội Văn hoá Cứu quốc được thành lập, tập hợp đông đảo trí thức văn nghệ sĩ. Ngày 30.6.1944, Đảng Dân chủ Việt Nam, tổ chức quy tụ những thành phần trí thức được thành lập.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thể hiện rõ nét nhất tư tưởng đại đoàn kết của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong cuộc cách mạng vĩ đại này đã có mặt tất cả mọi tầng lớp nhân dân, nhiều người trong số đó là các trí thức tiêu biểu.
Sau Cách mạng tháng Tám, trong các chính phủ của nền dân chủ cộng hoà có nhiều trí thức có uy tín tham gia. Ngày 22.7.1946, Đảng Xã hội Việt Nam ra đời và từ đây chính đảng này cùng với Đảng Dân chủ trở thành nơi thu hút đội ngũ trí thức. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, NVNONN, trong đó có đội ngũ trí thức đã có nhiều hoạt động ủng hộ đất nước, dân tộc.
Chỉ riêng cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã có hơn 6.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến trong lực lượng vũ trang tại mặt trận Lào. Tại Pháp, đồng bào đã tích cực tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau, vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.
Nhiều trí thức tên tuổi, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về giúp đất nước như: Võ Quý Huân, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo, v.v… Tháng 11.1959, Ban Việt kiều Trung ương đã được thành lập (tiền thân của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay) và ngày 10.1.1960, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tận cảng Hải Phòng để trực tiếp đón chuyến tàu đầu tiên đưa những NVNONN trở về nước.
Ngày 26.3.2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW “Về công tác đối với người việt nam ở nước ngoài”, trong đó khẳng định: “Có hình thức thích hợp tổ chức thu thập ý kiến của đồng bào ở nước ngoài trước khi ban hành các văn bản pháp quy, chính sách có liên quan nhiều tới người Việt Nam ở nước ngoài.
Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hoá, nghệ thuật của nước nhà.
Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hoá nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, và “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân (1)”.
Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19.5.2015 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” đã nhấn mạnh: “Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (2)”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016) của Đảng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.
Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội (3)”.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức (4)”. Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ “có chính sách thu hút nguồn lực của NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (5)”.
Có thể khẳng định rằng những chủ trương, quan điểm đối với NVNONN, trong đó có thu hút, tập hợp trí thức NVNONN của Đảng là khá toàn diện.
Nguyễn Quốc Dũng- Vũ Trung Kiên
(Học viện Chính trị khu vực II)
(còn tiếp)
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26 tháng 03 năm 2004 của Bộ Chính trị “Về công tác đối với người việt nam ở nước ngoài”
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19.5.2015 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.161-162.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, tr. 167
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, tr. 171 - 172