Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đã nửa thế kỷ trôi qua từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng ký ức một thời hào hùng về kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn như sống động rong tâm trí của những người một thời cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc.

Họp mặt truyền thống Căn cứ Suối Môn hằng năm
Những chàng trai, cô gái của lứa tuổi mười tám đôi mươi một thời xông pha trận mạc ngày ấy, đến nay, đã trở thành những cụ ông, cụ bà mái tóc bạc phơ. Có người, thậm chí còn đi đứng, nói năng khó khăn.
Thế nhưng, chỉ cần nhắc đến những trận đánh lịch sử, ánh mắt của họ- những nhân chứng lịch sử lại sáng lên. Cứ thế, một cách chậm rãi, họ kể về ngày xưa...
Một thời đạn bom
Ông Lê Văn Hồng, sinh năm 1951, ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, nguyên Chủ tịch UBND huyện kể, năm 1969, ông tham gia lực lượng du kích xã.
Thời kỳ chiến tranh, ở khu ấp Bình Linh nổi tiếng với nhiều trận đánh. Trong giai đoạn từ năm 1966-1972, anh em du kích xã gài trái gây nổ, cháy, đứt bánh xích gần 60 chiếc xe tăng, xe thiết giáp chở quân. Trên mỗi xe thiết giáp M-113 đều có ít nhất 6 lính Mỹ. Vì vậy, đồng chí nào trong lực lượng du kích xã cũng đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe tăng”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Có đồng chí đạt cả hai danh hiệu này. Năm 1967, lực lượng du kích xã đánh diệt cả tiểu đoàn quân Mỹ tại kho vũ khí của địch ở xã Chà Là. Anh em chiến sĩ cũng hy sinh rất nhiều. Đến nay, nhiều đồng chí chưa tìm thấy hài cốt.
Trận đánh ác liệt nhất mà ông Hồng không thể nào quên là trận đánh giữ ngọn cờ giải phóng trên quê hương. Đêm 26.1.1973- một ngày trước khi ký Hiệp định Paris, anh em du kích tập trung tại Sân Cu (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành hiện nay) may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đơn vị của ông đem cờ Mặt trận treo trên 5 ngọn cây cao, mục đích là “để máy bay trực thăng quốc tế chụp hình cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng của mình tung bay, chứng minh cho quốc tế thấy đây là vùng giải phóng”. “Hồi đó, chúng tôi may cờ bằng tay, chảy cả máu tay. Ban đêm mình treo, được một buổi, chiều hôm đó, quân địch leo lên gỡ cờ xuống. Quân địch gỡ xuống, mình treo lên. Cứ nó gỡ, mình lại treo lên”- ông Hồng hồi tưởng.
Thời đó, ngày nào ở Bình Linh cũng xảy ra đánh nhau với địch. Ông Hồng kể tiếp: “Có lần, vừa treo cờ xong, lui vào nhà lầu ông Tây thì địch xuống gỡ cờ. Anh Tư Bốn mang theo cây súng M79, tôi mang cây AR15 để bắn giành cờ ở đây. Trong lúc tôi với anh Tư Bốn nổ súng, không ngờ bọn chúng đưa một tiểu đội lòn ra phía sau, bắn tụi tôi, đạn nổ cách không tới 5 mét. Hên chúng bắn không trúng”.
Theo lời cựu chiến binh này, chính vì địa bàn xã Chà Là quan trọng nên quân địch tập trung đánh phá rất ác liệt. Cứ 15 phút, địch bắn pháo vào địa bàn một trái. Đất ở đây ngập nước, chúng bắn phá liên tục như vậy khiến quần áo của anh em du kích không kịp khô. Thế nên, có lúc anh em phải đánh giặc trong tình trạng... không mặc quần. Điều khiến ông Hồng đau lòng nhất là khi đơn vị du kích vô ấp chiến lược đánh địch không ai bị hy sinh, nhưng khi người dân vô lấy gạo đem về thì lọt vào ổ phục kích hoặc trúng mìn của địch, nhiều người hy sinh.
Mặc dù tình hình chiến sự rất ác liệt, nhưng quân dân Chà Là vẫn kiên cường, quyết tâm bám trụ, góp phần giải phóng quê hương. Năm 1994, huyện Dương Minh Châu và xã Chà Là được tuyên dương anh hùng.
Ông Nguyễn Tân Hiệp diễn tả trận bom dữ dội xuống Căn cứ Suối Môn
Bom bầy, pháo dội ở khu căn cứ
Ông Nguyễn Tân Hiệp (bí danh Trung Kiên), 80 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, hiện ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành cũng không thể nào quên những trận đánh diễn ra hơn nửa thế kỷ trước.
Ông Hiệp từng tham gia hoạt động cách mạng ở Căn cứ Suối Môn (thuộc xã Phan, huyện Dương Minh Châu ngày nay). Nhiệm vụ của ông là bám dân làm công tác dân vận và đột nhập vô ấp chiến lược vận động quần chúng theo cách mạng. Ông Hiệp nhớ lại, đầu năm 1969, quân địch bao vây núi Bà Đen suốt một tháng hai mươi ngày. Xe tăng, pháo binh của địch dày đặc dưới chân núi, người dân không tiếp tế lương thực, thực phẩm được. Hết gạo, cán bộ, chiến sĩ trong căn cứ phải ăn bắp chuối luộc. Thời gian đó, ban ngày, mỗi người tìm một hốc đá, ngồi canh gác, ban đêm vô hang ngủ, có chia ca trực.
Trong năm 1969, nhiều trận chiến diễn ra trên núi Bà Đen, nhưng ác liệt nhất là trận bom và pháo dội xuống Căn cứ Suối Môn. Giữa năm 1969, Sư đoàn 9 của ta đem quân về đánh địch ở khu vực cầu Vườn Điều (phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh ngày nay). Trong quá trình giao chiến, có một tổ cơ yếu đến gần Căn cứ Suối Môn để truyền tín hiệu morse. Ngay sau khi tổ cơ yếu và quân bộ đội chủ lực rút đi nơi khác, ông liền cảnh báo với đồng đội: “Coi chừng vị trí truyền tín hiệu morse bị lộ, quân địch sẽ đến đánh bom”.
Đúng như ông dự đoán, khoảng 10 phút sau, bốn chiếc máy bay trực thăng từ bốn hướng bay đến và dừng lại tại vị trí vừa truyền tín hiệu để xác định toạ độ. Khoảng một giờ sau, pháo từ các hướng xã Suối Đá, Chà Là (huyện Dương Minh Châu) bắn vô, từ hướng Bàu Cỏ (huyện Tân Biên) bắn xuống, ở thị xã Tây Ninh bắn vào, từ xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) bắn lên, từ huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) bắn qua. “Pháo bắn khủng khiếp, suốt mấy giờ liền. Chúng tôi phải rút xuống hang động trong lòng núi để tránh pháo”- ông Hiệp kể lại.
Ông Lê Văn Hồng bên những loại vũ khí một thời cày xới quê hương
Ngày hôm sau, ông giục anh em trong đơn vị nấu cơm ăn sớm, vì khả năng địch sẽ đến ném bom. Quả nhiên, lúc 6 giờ, có chiếc máy bay trinh sát của địch bay vòng quanh núi và bắn một trái pháo chỉ điểm xuống vị trí phía trên Căn cứ Suối Môn khoảng 100 mét. Tất cả các đơn vị khác như Ban An ninh huyện, Ban Kinh tài, Ban Dân vận huyện, Giao liên huyện, Huyện uỷ Dương Minh Châu đều xuống hầm trú ẩn.
Tiếp sau, hai chiếc máy bay của địch đến đánh bom. Đầu tiên, chúng thả loại bom lớn, không ai bị thương. Khoảng 10 - 15 phút sau, chúng bắt đầu thả hàng trăm trái bom bi, mỗi trái to bằng trái ổi, lăn xuống hang động, phát nổ. Miểng bom khiến các ông Năm Lắc, Ba Trung, Năm Đang và Tám Mối bị thương. “Lúc đó, tôi không phải là y tá, nhưng biết chích thuốc. Tôi liền chích cho mỗi người một mũi thuốc cầm máu và một mũi thuốc khoẻ. Riêng ông Ba Trung và ông Năm Lắc bị thương quá nặng nên tôi chích thêm cho mỗi người một mũi thuốc nữa”- ông Hiệp bồi hồi kể.
“Sau đó, anh em cõng những người bị thương bò lên mặt đất. Lên tới trên, chúng tôi để ông Năm Đang nằm bên trong hốc đá, ông Năm Lắc nằm ngoài. Ông Ba Trung bị thương quá nặng, chưa kịp đem vô thì đã qua đời”- ông Hiệp đau buồn nhắc lại- “Ông Năm Đang bị gãy một chân trái, bị thương cánh tay trái và bị thủng bụng, ruột lòi ra ngoài. Ổng gọi tôi đến ngồi kế bên, nói: Cách mạng nhất định thắng lợi, nhất định thành công. Mỹ nhất định thua. Nhưng bây giờ còn khó khăn, ác liệt lắm, mày ráng động viên anh em đừng có vì hoàn cảnh, vì khó khăn, gian khổ, ác liệt mà đi chiêu hồi, mang tiếng cách mạng không tốt. Mày ráng động viên anh em như vậy. Mày có gặp vợ tao, nói vợ tao ráng nuôi con. Cuộc đời tao dốt, không được đi học. Vợ tao ráng nuôi con ăn học, đừng để nó dốt, tội nghiệp…”.
Ông Năm Đang còn dặn ông Hiệp đem trái bầu tặng Huyện uỷ, đi thăm anh em ở xã, động viên anh em ráng chiến đấu.
Sau đó, ông Năm Đang ngất hai lần rồi ra đi mãi mãi...
Đại Dương
(Còn tiếp)