PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xoá đói giảm nghèo từ sức mạnh đại đoàn kết
Kỳ 1: Sẻ chia giấc mơ an cư
Thứ tư: 13:59 ngày 30/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là một chủ trương đúng đắn đối với người nghèo. Có nhà, tạo điều kiện để các gia đình từng bước nâng cao mức sống, là tiền đề để họ thoát nghèo, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tây Ninh phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh về dưới 1%. Sau 4 năm triển khai Nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 là 0,65%. Tây Ninh là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước hiện nay. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là một chủ trương đúng đắn đối với người nghèo. Có nhà, tạo điều kiện để các gia đình từng bước nâng cao mức sống, là tiền đề để họ thoát nghèo, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Niềm vui có nhà

Chị Đặng Thị Hương (ấp Trâm Vàng 2, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) được địa phương xét tặng xây nhà đại đoàn kết cách đây 4 năm. Trước đây, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, nhà không có ruộng đất, vợ chồng chủ yếu làm mướn để mưu sinh. Tiền làm ra chỉ đủ gói ghém lo cho 3 đứa con. Căn nhà mái tôn sau hơn 15 năm đã xiêu vẹo nhưng anh chị chưa dám nghĩ tới việc cất lại nhà. Rồi chồng chị lâm bệnh nặng, qua đời. Một mình chị bươn chải, làm gấp đôi gấp ba mới đủ tiền trang trải. Cơ hội có nhà mới lại càng xa. Năm 2020, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã xét tặng cho chị một căn nhà đại đoàn kết.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao quyết định tặng nhà cho bà Hồ Thị Lầm ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước

“Niềm vui được tặng nhà vừa đến, cùng năm, phía xã còn hỗ trợ 1 con bò cái. Nuôi được một thời gian, bò mẹ đẻ con, tôi giao lại bò con để xã tặng hộ khác. Rồi sau đó xã tiếp tục xét cho tôi thêm 1 con bò. Cách đây mấy tháng, tôi bán một con bò con, bây giờ tôi còn hai con bò mẹ và 2 bò con. Có nhà, có bò coi như ổn lắm rồi, tôi thoát nghèo rồi, tôi rất biết ơn chính quyền địa phương”- chị Hương nói.  

Theo ông Nguyễn Văn Đậu- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gò Dầu, sau nhiều năm triển khai xây nhà cho các hộ khó khăn, về cơ bản, số hộ khó khăn có nhu cầu nhà ở không còn nhiều. Qua rà soát năm 2024, trên địa bàn huyện có 72 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được sửa chữa nhà. “Hưởng ứng tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024, Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Gò Dầu đã kêu gọi sự ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp giúp đỡ người nghèo”- ông Nguyễn Văn Đậu cho biết.

Bà Võ Thị Son- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã Hoà Thành đón nhận sự ủng hộ xây nhà đại đoàn kết từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (chi nhánh thị xã Hoà Thành)

Trên địa bàn thị xã Hoà Thành, trong 9 tháng năm 2024, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương đã xây tặng được 11 căn nhà đại đoàn kết. Bà Nguyễn Thị Nọt, 70 tuổi (ngụ ấp Trường Giang, xã Trường Tây) không kìm được xúc động khi được địa phương đến khởi công, xây tặng căn nhà mới vào ngày 18.10.2024. Bà Nọt là hộ nghèo chuẩn Trung ương. Những năm qua, bà và người con gái khuyết tật sống trong căn nhà xuống cấp. Hằng ngày, bà đi bán vé số để kiếm tiền lo cho cuộc sống của hai mẹ con. “Tôi cứ nghĩ cả đời mình không có được căn nhà đàng hoàng để ở. May có chính quyền cho tôi căn nhà. Thật sự không kể hết niềm vui này”- bà Nọt mừng vui nói.   

Theo bà Võ Thị Son- Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thị xã Hoà Thành, nhiệm kỳ qua, Thị xã đã xây tặng 112 căn, sửa chữa 16 căn nhà đại đoàn kết. Riêng trong 9 tháng năm nay, Thị xã đã xây tặng 11 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. “Hoà Thành đang rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn về nhà ở để triển khai xây nhà vào năm 2025 cho các hộ này. Chúng tôi nỗ lực cùng với tỉnh thực hiện chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - bà Son thông tin.

Hướng đến mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát

Theo ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 5 năm qua, từ các nguồn vận động, các cấp đã tập trung xây mới 1.616 căn nhà đại đoàn kết, sửa 284 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn về nhà ở. Có được những kết quả đó là sự chung sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm.

“Hiện nay, việc hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết là từ nguồn đóng góp của các tổ chức, đơn vị, công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân. Hằng năm, mạnh thường quân đóng góp cho Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh hàng chục tỷ đồng để chăm lo an sinh xã hội, nhất là xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương, hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh. Góp phần cùng hệ thống chính trị trong việc tạo ra những mái nhà ấm áp cho người nghèo, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo”- ông Nguyễn Văn Vy chia sẻ.

Những căn nhà đại đoàn kết được xây dựng xoá đi tình trạng nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh 

Đến nay, về cơ bản, tỉnh đã xoá xong nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều từ 1,69% (năm 2019) xuống còn 0,5% (năm 2021), trong đó, không còn hộ nghèo tiếp cận đa chiều và giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 từ 1,81% xuống còn 0,65% (năm 2023).

Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu nhưng vẫn còn một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương còn khó khăn về nhà ở (thiếu đất ở). Theo dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo tỉnh trên địa bàn tỉnh năm 2025 của UBND tỉnh, tổng số hộ cần sửa chữa và xây mới là 549 hộ.

Có tiền xây nhà, nhưng nếu hộ dân không có đất ở, việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cũng gặp khó khăn. Do đó, việc xây nhà ở tập trung cũng là giải pháp được huyện Châu Thành tính đến. Theo báo cáo rà soát nhu cầu sửa chữa, xây nhà tình nghĩa và nhà đại đoàn kết giai đoạn 2024-2025, toàn huyện có 61 căn nhà tình nghĩa và 238 căn nhà đại đoàn kết cần xây mới và sửa chữa. Trong đó, có 88 hộ chưa có đất ở. Bên cạnh những hộ được người thân hỗ trợ đất, địa phương có phương án bố trí đất công để xây nhà ở tập trung cho 41 hộ dân. “Huyện thống nhất đề xuất tỉnh bố trí quỹ đất công để xây dựng. Cụ thể là bố trí 5% đất công địa phương, 5% đất công xã quản lý và 5% đất Nhà nước để xây dựng nhà đại đoàn kết cho 41 hộ không có đất và 8 hộ gia đình chính sách không có đất, có nhu cầu ở tập trung”- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Ngọc Ẩn cho biết.

 Cùng với cả nước, toàn hệ thống chính trị và nhân dân Tây Ninh đang dồn mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong cả 3 chương trình: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Khải Tường

(Còn tiếp)

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục