Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Yếu tố liên hiệp của Chính phủ và Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam
Kỳ 1: Sôi nổi các phong trào yêu nước
Chủ nhật: 14:28 ngày 02/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTDTGPMNVN cũng ra tuyên bố ủng hộ các liên minh, nhất là các liên minh có chương trình hành động về thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc đòi quân Mỹ và đồng minh Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam.

Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam họp từ ngày 6 đến ngày 8.6.1969 tại vùng Căn cứ Bắc Tây Ninh (nay thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), căn cứ của Trung ương Cục miền Nam đã quyết định thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) và Hội đồng Cố vấn CPCMLTCHMNVN.

Trong thành phần của các cơ quan quy tụ những người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, dân tộc thể hiện yếu tố liên hiệp rộng rãi nhằm đoàn kết toàn dân tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chính yếu tố liên hiệp rộng rãi này đã góp phần quan trọng trong việc khơi dậy và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đến ngày toàn thắng.

Các đại biểu biểu quyết bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ, tháng 6.1969

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam trước khi CPCMLTCHMNVN và Hội đồng Cố vấn Chính phủ ra đời đã diễn ra đầy sôi động với nhiều phong trào yêu nước theo các xu hướng khác nhau. Tất cả các phong trào yêu nước ấy dù theo xu hướng nào cũng đều có mục đích bảo vệ dân tộc, bảo vệ nền văn hoá dân tộc, chống văn hoá ngoại lai, chống lại sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam; đấu tranh cho hoà bình, tự do và thống nhất nước nhà.

Các phong trào yêu nước ấy có thể kể tới như: Uỷ ban Cứu tế và Bảo vệ tính mạng, tài sản dân chúng; Lực lượng Bảo vệ văn hoá dân tộc; phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”; “Ngày ký giả đi ăn mày”; “Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam”; “Uỷ ban Phụ nữ đòi quyền sống”; “Phong trào dân tộc tự quyết”; phong trào người Hoa ở đô thị Sài Gòn; các phong trào đấu tranh của giới Công giáo, Phật giáo… Đặc biệt là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (LMCLLDTDC&HBVN). Các phong trào, các tổ chức này đã quy tụ các giới đồng bào, các đảng phái, tôn giáo, tổ chức xã hội; các nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà giáo tiêu biểu vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các tổ chức, các phong trào này đã quy tụ hàng luật những gương mặt tiêu biểu: Đốc phủ sứ Phan Văn Chương, Phạm Huy Thông, Lưu Văn Lang, Lâm Văn Tết, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Hữu Thọ, Dương Minh Thới, Trần Tuấn Khải, Dương Quỳnh Hoa, Bùi Thị Mè, Nguyễn Thái Bình, nghệ sĩ Kim Cương, các linh mục: Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Chân Tín, Hoà thượng Thích Minh Nguyệt, Ni trưởng Huỳnh Liên… Có những người như cụ Lưu Văn Lang khi ấy đã quá già không thể tham gia trực tiếp nhưng cũng thể hiện lòng yêu nước bằng cách này hay cách khác. Cụ Lưu Văn Lang là một trí thức người Việt nổi tiếng, người đã cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giáo sư Đặng Minh Trứ vận động gần 700 trí thức ký tên vào bản kiến nghị đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà để chấm dứt chiến tranh từ năm 1947, là người đầu tiên ký tên trong bản “Tuyên ngôn Hoà bình của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn” yêu cầu quân đội Pháp ngưng chiến ở Việt Nam. Đến khi MTDTGPMNVN ra đời cụ đã rất già (cụ sinh năm 1880), tuy nhiên, cụ “hoàn toàn ủng hộ, tự xem như thành viên và giữ liên lạc với Uỷ ban Trung ương Mặt trận, công khai phổ biến các văn kiện của Mặt trận giữa Sài Gòn (1)”. Tất cả họ, dù chỗ đứng trong xã hội của mỗi người khác nhau, nhưng đều có điểm chung là dấn thân vì đại nghĩa, “là tấm lòng xả thân, không phải cho một vương triều, mà cho dân, cho nước (2)”.

Từ cuối năm 1967, đến đầu năm 1968, cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam có bước phát triển mới làm xuất hiện phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Những phong trào ủng hộ này không chỉ trong giới nhân sĩ, trí thức mà còn lan rộng ra các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hoà bình trong và ngoài nước. Trước tình hình ấy, tháng 8.1967, MTDTGPMNVN họp hội nghị bất thường đã đưa ra “Cương lĩnh chính trị” với 4 nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới gồm: (i) Đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước; (ii) Xây dựng Miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập và phồn vinh; (iii) Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Nam Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc; (iii) Thi hành chính sách ngoại giao hoà bình và trung lập.

Như vậy, so với Chương trình 10 điểm công bố khi MTDTGPMNVN ra đời năm 1960, Cương lĩnh chính trị lần này gồm 14 điểm chính sách cụ thể hơn, thiết thực hơn cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá xã hội, dân tộc, tôn giáo, quyền lợi của dân quân, kiều dân, trong đó có cả chính sách đối với quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Cương lĩnh kêu gọi: “Vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, toàn thể nhân dân miền Nam ta hãy tăng cường đoàn kết triệu, kề vai sát cánh, thừa thắng xông lên đánh bại bọn xâm lược Mỹ và nguỵ quyền tay sai, cùng đồng bào miền Bắc hoàn thành vẻ vang sự nghiệp vĩ đại: Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc (3)”. Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTDTGPMNVN cũng ra tuyên bố ủng hộ các liên minh, nhất là các liên minh có chương trình hành động về thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc đòi quân Mỹ và đồng minh Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam; hiệp thương với Mặt trận giải phóng.

Ngày 8.6.1969, thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra mắt Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam tại Vùng căn cứ Bắc Tây Ninh.

Ngày 20 và 21.4.1968, tại một địa điểm gần Sài Gòn - Chợ Lớn, đại biểu các nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà tu hành, sinh viên, tư sản dân tộc, sĩ quan và công chức tiến bộ trong chính quyền Sài Gòn đã họp hội nghị thành lập LMCLLDTDC&HBVN do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch và các uỷ viên. Ngay lập tức, Uỷ ban Trung ương MTDTGPMNVN đã gửi điện chúc mừng sự ra đời và khẳng định: “Mặt trận dân tộc giải phóng trung thành với chính sách đại đoàn kết dân tộc để chống kẻ thù chung trước sau như một của mình, để tăng cường đoàn kết, sát cánh với LMCLLDTDC&HBVN, để cùng phấn đấu giành lại các quyền dân tộc thiêng liêng trong giai đoạn hiện nay, cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước sau này (4)”.

Tại hội nghị đại biểu lần thứ 2, Liên minh đã thông qua Cương lĩnh chính trị và nêu rõ: “Cứu nước là sự nghiệp của toàn dân và sức mạnh bảo đảm thắng lợi, là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. LMCLLDTDC&HBVN chủ trương đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, không phân biệt xu hướng, chính kiến, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, đoàn kết trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập và chủ quyền dân tộc hiện nay cũng như trong giai đoạn kiến thiết đất nước sau này (5)”. Liên minh LMCLLDTDC&HBVN cũng xác định chính trị phải “Đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước kiên quyết chống chiến tranh xâm lược, đánh đổ chế độ bù nhìn tay sai, thành phần lập chính phủ liên hiệp dân tộc, dân chủ và hoà bình (6)”.

Năm 1960, MTDTGPMNVN đã ra đời quy tụ rất nhiều các tổ chức, đảng phái, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia. Các tổ chức là thành viên chính thức của Mặt trận bao gồm: Thông tấn xã Giải phóng; Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội Những người Công giáo kính Chúa yêu nước miền Nam Việt Nam; Hội Lục hoà Phật tử miền Nam Việt Nam; Hội Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam; Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam; Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam; Hội Liên hiệp Sinh viên học sinh giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội đồng Thập tự giải phóng miền Nam Việt Nam. Về sau, nhiều tổ chức chính trị quần chúng tiếp tục bổ sung và tham gia Mặt trận: Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng miền Nam; Hội các nhà báo yêu nước miền Nam Việt nam; Hội Những người kháng chiến cũ; Hội đồng Thương binh liệt sĩ trung ương; Hội Đoàn kết nhân dân Á - Phi; Hội Lao động giải phóng; Hội Công nhân giải phóng; Hội Nông dân giải phóng; Uỷ ban Tự trị dân tộc Tây Nguyên; Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của miền Nam Việt Nam; Kỳ uỷ Đảng Dân chủ Việt Nam; Hội đồng Quân dân y miền Nam; Ban vận động nhà giáo yêu nước ở miền Nam; Uỷ ban Nhân dân miền Nam Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ. Như vậy có thể thấy các tổ chức thành viên của Mặt trận rất phong phú, bao gồm các giới, các ngành, các tôn giáo, dân tộc, đảng phái khác nhau. Cho đến năm 1968, chính quyền Sài Gòn đã phải thừa nhận trong thực tế “MTDTGPMN là tổ chức lãnh đạo cao cấp nhất tại miền Nam Việt Nam tương đương với một chính phủ (7)”.

Vũ Trung Kiên

(còn tiếp)

(1) Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 57

(2) Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 9

(3) Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tập 1, tr. 216

(4) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hoà; phiếu trình Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hoà số 4748/VP/CCUV ngày 30.5.1968 về trích bản tin Việt Nam Thông tấn xã Hà Nội, Mặt trận Giải phóng ngày 30.5.1968, hồ sơ 4770. Dẫn lại theo Hà Minh Hồng (Chủ biên), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 70

(5) Trịnh Nhu (Chủ biên), Lịch sử biên niên Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 650

(6) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hoà, Bản tin Giải phóng xã ngày 16.8.1968. Dẫn lại theo Hà Minh Hồng (Chủ biên), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 71

(7) Dẫn theo Hà Minh Hồng (Chủ biên), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 72

Tin cùng chuyên mục