Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chung sức, đồng lòng chống Covid-19
Kỳ 1: Ý thức của người dân - “lá chắn” chống dịch hiệu quả
Thứ sáu: 00:24 ngày 23/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mỗi người cần có trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch Covid-19; chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải tuân thủ khuyến cáo 5K của ngành Y tế: khẩu trang - khử khuẩn - giữ khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế.

Lực lượng thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Tỉnh đoàn Tây Ninh

Dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, huyện Dương Minh Châu đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn huyện nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ðã 5 ngày trôi qua kể từ khi huyện Dương Minh Châu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tạm ngưng hoạt động, hầu hết người dân trên địa bàn huyện nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, nên người dân không hoang mang, lo lắng mà chủ động thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày, chung tay với chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Ðường sá và các khu chợ đông đúc người qua lại trước đây, nay vắng vẻ. Ở các cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn huyện, rất ít người dân đến mua sắm, và chỉ mua thực phẩm với số lượng vừa đủ dùng, không có hiện tượng tích trữ.

Chị Nguyễn Lan Anh, ngụ ấp Ninh Hiệp, xã Bàu Năng cho hay, thực hiện Chỉ thị 16, cả gia đình rất hạn chế ra ngoài. "Do cần phải mua thực phẩm cho cả gia đình nên tôi mới phải ra ngoài, nhưng đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Khi về đến nhà, phải biết vệ sinh quần áo, khẩu trang kỹ lưỡng rồi mới vào. 15 ngày này là cơ hội để chính quyền dập dịch, còn người dân ở nhà là đã cùng chính quyền dập dịch rồi”- chị Lan Anh chia sẻ.

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, anh Vũ Ðình Thơm, ngụ ấp Phước Tân 1, xã Phan quyết định tạm dừng các công trình xây dựng (dù theo quy định, công trình xây dựng vẫn được thi công). Gia đình anh chị cũng thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Buổi sáng, thay vì tất bật đi làm thì nay cả nhà cùng nhau chuẩn bị nấu ăn, xem ti vi, hạn chế tối đa việc phải ra khỏi nhà.

Anh Thơm cho biết: “Chỉ thị đưa ra thì mình phải thực hiện theo, để chung tay với địa phương chống dịch. Công việc của tôi có đình trệ lại, nhưng sức khoẻ, tính mạng con người quan trọng, còn việc làm là lâu dài, khi nào tình hình ổn định chúng tôi sẽ làm lại. Thời gian này cũng là dịp mình ở nhà với con cái, nghỉ ngơi và chăm sóc cho gia đình nhiều hơn”.

Lực lượng y tế và tình nguyện viên xã Suối Ðá điều tra dịch tễ khu vực phong toả. Ảnh chụp ngày 17.7.2021

Từ ngày 15.7 đến nay, hầu hết các quán karaoke, cà phê, quán ăn… trên địa bàn huyện đều đóng cửa, chỉ còn vài nơi bán thức ăn, nước uống mang đi. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện và các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của tỉnh, huyện.

Tại các khu phong toả tạm thời, người dân yên tâm sinh hoạt, không có tình trạng phản ứng bất hợp tác hay trốn cách ly, hoặc nhờ người khác đi cách ly thay mình; không tụ tập đông người. Hầu hết mọi người thực hiện theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và khai báo y tế chi tiết, rõ ràng, giúp lực lượng chức năng dễ dàng hơn trong việc khoanh vùng, truy vết ca bệnh.

Ở xã Phan, khi chính quyền lập chốt làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên tuyến vào khu vực phong toả, nhiều người dân rất bất ngờ. Một xóm nhỏ vốn yên bình bỗng nhốn nháo, người người, nhà nhà lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra.

Tuy nhiên, sau khi được thông báo về ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng và ngành Y tế tuyên truyền những yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, người dân đã hợp tác, tuân thủ đúng các khuyến cáo của ngành chức năng.

Các đoàn thể xã Phan chuyển nhu yếu phẩm cho người dân khu vực phong toả. Ảnh chụp ngày 19.7.2021

Chị H, một người dân trong khu phong toả ở xã Phan cho biết: “Cuộc sống trong khu vực này vẫn bình thường mặc dù ban đầu có hơi xáo trộn, bất tiện vì không ra bên ngoài được. Dù vậy, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như trước, nhà nào ở tại nhà đó, người dân muốn mua gì thì liên hệ với lực lượng tại chốt chặn qua điện thoại hoặc viết giấy gửi ra.

Sau đó tổ phục vụ mua giùm rồi để tại chốt để người dân đến nhận. Mình bất tiện một nhưng lực lượng chức năng lại cực tới mười, nên tôi sẽ nghiêm túc chấp hành, như một cách đồng hành cùng địa phương chống dịch”.

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, ngoài sự nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng thì ý thức của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Mỗi người cần có trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch Covid-19; chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải tuân thủ khuyến cáo 5K của ngành Y tế: khẩu trang - khử khuẩn - giữ khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế.

Vũ Nguyệt

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh liên tục ghi nhận các ca dương tính với virus SARS-CoV-2, điều này khiến nhiều người dân cảm thấy lo ngại, nhất là trong tình huống “bỗng dưng” trở thành F1, thậm chí là F0. Vậy phải làm gì khi biết mình là “F”?. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với những F1, F0 đang cách ly tập trung và cách ly điều trị, thông qua mạng xã hội Zalo.

PV: Dạ xin chào anh N.T.P, anh có thể cho biết khi tiếp nhận thông tin có tiếp xúc ca bệnh (F0), tâm lý của anh như thế nào ?

N.T.P: Nhận thông báo mình là F1, việc đầu tiên là mình phải bình tĩnh, thứ hai là khai báo y tế với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn, sau đó thực hiện theo các hướng dẫn của ngành Y tế.

PV: Khi tới cơ sở cách ly tập trung, anh được chăm sóc y tế như thế nào?

N.T.P: Tôi cách ly tập trung ở Trường THCS Trần Bình Trọng, cơ sở vật chất tương đối tốt, sạch sẽ, phòng ốc thoáng mát. Về chăm sóc y tế thì tôi được kiểm tra nhiệt độ hằng ngày; được lấy mẫu xét nghiệm. Tới thời điểm này thì tôi được lấy mẫu 1 lần và cho kết quả âm tính.

PV: Chào anh T.H.P.D, anh có thể cho biết tâm lý của anh ra sao khi nhận tin báo mình là F0?

T.H.P.D: Tôi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 trưa ngày 14.7. Trước đó, vợ tôi là F0 nên tôi chuẩn bị sẵn tinh thần rồi. Tôi tự cách ly trước, tránh lây lan tới người khác cho tới khi có thông báo chính thức.

PV: Vậy quá trình điều trị bệnh của anh diễn ra như thế nào rồi?

T.H.P.D: Tôi điều trị khoảng 1 tuần lễ, đầu tiên là tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, sau đó được chuyển về khu điều trị tại Bệnh viện đa khoa tư nhân Cao Văn Chí (cũ) để nuôi đứa con gái lớn cũng dương tính.

PV: Anh có lời khuyên gì cho mọi người trong việc phòng, chống dịch hiện nay?

T.H.P.D: Hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ca chưa xác định được nguồn lây. Tôi mong mọi người hạn chế đi ra đường, cố gắng nghĩ tới những điều tốt đẹp nhất, đừng nghe những thông tin không chính thống khiến mình cảm thấy lo lắng. Tập thể dục, ăn uống điều độ để có sức khoẻ vượt qua dịch bệnh.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi, mong anh giữ gìn sức khoẻ, chiến thắng dịch bệnh.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục