Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo ông Bùi Ðức Xuân-Chánh án TAND tỉnh, đáng lo ngại là người dân thiếu chủ động tìm hiểu pháp luật, nên vô tình tự đặt mình vào thế bất lợi khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
Phiên toà xét xử 2 bị cáo phạm tội lừa đảo qua mạng xã hội (ảnh Phương Tân).
Theo ông Bùi Ðức Xuân, những năm gần đây, các vụ án liên quan đến hụi có chiều hướng gia tăng. Ðáng lo ngại là hầu hết hụi viên, vì cả tin vào chủ hụi nên không đòi hỏi giấy tờ giao kèo, cam kết, không ghi sổ hụi để theo dõi, thậm chí có không ít trường hợp các hụi viên chủ quan, chơi nhiều dây hụi nhưng không ai biết mặt ai, còn trong những lần khui hụi định kỳ, hụi viên cũng không có mặt.
HỤI- CHUYỆN DÀI CHƯA CÓ HỒI KẾT
Về phía các chủ hụi, có người dùng thủ đoạn ghi khống tên người chơi, hoặc bán hụi khống cho hụi viên… để chiếm đoạt tiền. Khi có tranh chấp, hụi viên khởi kiện số nợ bao nhiêu, lập tức chủ hụi thừa nhận bấy nhiêu để được hoà giải thành. Toà án lại gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, như không thể triệu tập hết các hụi viên hoặc xác định tài sản, xác định ý thức chủ quan của chủ hụi để chứng minh có dấu hiệu phạm tội hình sự hay không. Nhiều trường hợp, các hụi viên chỉ thắng kiện trên bản án, quyết định của Toà án, vì đến lúc thi hành án, chủ hụi không còn tài sản, hoặc tài sản có giá trị ít hơn so với số tiền phải trả cho các hụi viên.
Còn nhớ vụ bể hụi tiền tỷ xảy ra cách đây không lâu ở thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành, lúc tuyên bố bể hụi, chủ hụi có làm giấy nhận nợ với các hụi viên. Một số hụi viên “nhanh chân” khởi kiện ra toà, còn một số hụi viên cả tin nấn ná chờ chủ hụi trả nợ. Ðến khi những hụi viên khởi kiện trước thắng kiện, có được quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án và nộp đơn yêu cầu thi hành án, các hụi viên chưa khởi kiện mới cuống cuồng đi khiếu nại, vì nếu đem tài sản chủ hụi ra phát mãi thi hành án cho những hụi viên đã khởi kiện trước, tài sản của chủ hụi hết sạch, lấy gì thi hành án cho người khởi kiện sau?!
Nói về chuyện tranh chấp hụi, một cán bộ tư pháp xã cho biết, khi các vụ vỡ hụi xảy ra, các hụi viên khởi kiện ra toà đều… thắng kiện. Thế nhưng cho dù thắng kiện, các hụi viên vẫn không thể lấy lại được số tiền đã đóng hụi, bởi trước khi tuyên bố vỡ hụi, hầu hết các chủ hụi đều có sự “chuẩn bị” để… không còn tài sản thi hành án. Ðã có không ít những vụ bể hụi, về sau khi thấy chủ hụi lại có tài sản, hụi viên nháo nhào làm đơn yêu cầu thi hành án. Cơ quan Thi hành án nhanh chóng vào cuộc, nhưng tài sản đó lại không do chủ hụi đứng tên sở hữu.
Vị cán bộ tư pháp xã này cho rằng, người chơi cần phải trang bị cho mình kiến thức tối thiểu về mặt pháp lý để có thể tự bảo vệ. Trước khi quyết định chơi hụi, cần yêu cầu chủ hụi lập “giao kèo”, chí ít cũng phải có danh sách hụi viên, mức góp, thời gian chơi, có chữ ký chịu trách nhiệm của chủ hụi, các hụi viên phải biết mặt nhau và tham gia đầy đủ các buổi khui hụi...
TẨU TÁN TÀI SẢN BẰNG HỢP ÐỒNG GIẢ TẠO
Ðặc biệt, một vấn đề mới nổi lên gần đây mà Chánh án TAND tỉnh Bùi Ðức Xuân muốn người dân lưu ý, quan tâm hơn. Ðó là tình trạng một số người sau khi vỡ nợ đã cấu kết với người quen, người thân trong gia đình tạo dựng một vụ vay mượn nợ giả tạo với số tiền không nhỏ, hoặc làm hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ giả tạo, rồi “chủ nợ” khởi kiện ra Toà án, hai bên nhanh chóng thoả thuận với nhau để Toà án ban hành bản án, quyết định công nhận sự thoả thuận, chính “sự thoả thuận thật cho những khoản nợ giả” đã giúp cho “con nợ” tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án cho người khác.
Tình trạng giả tạo này rất tinh vi, nếu thẩm phán không có kinh nghiệm dễ bị đương sự “lách luật” qua mặt. Có những vụ việc, Toà án giải quyết tranh chấp một hợp đồng vay hoặc chuyển nhượng QSDÐ có thật, bị đơn luôn tìm cách né tránh, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Trong thời gian này lại xuất hiện một nguyên đơn khác khởi kiện bị đơn, sau đó mới phát hiện là vụ tranh chấp giả tạo được hai bên tạo dựng. Bị đơn “nhanh chóng” hợp tác với Toà án, thừa nhận có vay nợ hoặc có làm thủ tục chuyển nhượng QSDÐ để Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận. Khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, “bị đơn” nhanh chóng gửi đến cơ quan THADS yêu cầu thi hành.
Dẫn chứng một vụ tranh chấp “giả tạo” do TAND thị xã (nay là Thành phố) Tây Ninh trước đây xét xử. Sau khi Toà án đã ra quyết định hoà giải thành, lại xuất hiện những người khác làm đơn khiếu nại, Uỷ ban Thẩm phán TAND tỉnh đã ra quyết định giám đốc thẩm huỷ quyết định trên, yêu cầu TAND Thị xã xét xử lại vì có dấu hiệu gian dối. Thế nhưng, khi giải quyết sơ thẩm lần 2, các đương sự vẫn khăng khăng thừa nhận mình có vay mượn nợ với nhau, nên Toà án phải ra quyết định công nhận sự hoà giải thành của các đương sự. Bẵng đi một thời gian, bị đơn lại có đơn khiếu nại gửi TAND tỉnh yêu cầu xem xét giám đốc thẩm huỷ quyết định công nhận hoà giải thành vì đây là vụ vay mượn giả tạo, đồng thời cung cấp chứng cứ là băng ghi âm để chứng minh việc thoả thuận tạo chứng cứ vay mượn giả tạo... với mục đích tẩu tán tài sản phải thi hành án. Không ngờ, sau khi quyết định có hiệu lực pháp luật, người cho vay (giả tạo) cầm bản án yêu cầu người vay nợ (giả tạo) phải thi hành án cho mình. Lúc này, một trong hai “diễn viên” phải lộ mặt để khai nhận sự thật, yêu cầu pháp luật bảo vệ mình.
Có trường hợp người nhận nợ giả ly hôn, phải chia tài sản chung; hoặc chẳng may người đóng vai cho vay nợ giả qua đời, khi đó người thân của “chủ nợ” kế thừa quyền lợi thi hành án, yêu cầu tiếp tục thi hành án; hoặc dẫn tới vụ án tranh chấp di sản thừa kế đối với chủ nợ giả (hoặc con nợ giả) đã chết. Do đó, những người có ý định nhờ người quen, người thân tạo dựng một vụ vay mượn nợ, hay chuyển nhượng QSDÐ “giả tạo” với mục đích tẩu tán tài sản cần phải nghĩ đến những bất lợi mà mình sẽ phải gánh chịu sau này.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Ðiều tra, Viện Kiểm sát, Toà án). Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu, thẩm phán có thể tiến hành thu thập chứng cứ. Theo ông Xuân, đáng lo ngại là người dân thiếu chủ động tìm hiểu pháp luật, nên vô tình tự đặt mình vào thế bất lợi khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
Do đó, Chánh án TAND tỉnh Bùi Ðức Xuân mong muốn các ngành chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng và nhất là chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền những kiến thức cơ bản về pháp luật dân sự, để người dân nhận thức được trách nhiệm tự bảo vệ mình trước các giao dịch dân sự diễn ra trong cuộc sống.
Ông Bùi Ðức Xuân- Chánh án TAND tỉnh chia sẻ, thời gian qua, dù TAND hai cấp đã vận dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các cơ quan thông tin đại chúng không ít lần lên tiếng cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các chủ hụi, nhưng vẫn có nhiều người lợi dụng kẽ hở pháp luật, bằng cách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hụi viên rồi viết giấy nhận nợ biến vụ án hình sự thành vụ tranh chấp dân sự. Gần đây lại nổi lên nhiều trường hợp tạo dựng hợp đồng vay mượn giả tạo, hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDÐ) giả tạo nhằm tẩu tán tài sản…
THIÊN TÂM