Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường
Kỳ 2: Cần sự chung tay từ nhiều phía
Thứ ba: 23:14 ngày 22/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc học sinh chạy xe 100 phân khối đến trường còn tồn tại không chỉ là trách nhiệm trong quản lý của nhà trường, mà còn là trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục của phụ huynh đối với con em mình.

Học sinh chạy xe dưới 50 phân khối sẽ dễ xử lý tình huống phát sinh, bảo đảm an toàn khi đến trường.

Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn là vấn đề không phải mới. Để chấn chỉnh tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cả địa phương. Việc học sinh chạy xe 100 phân khối đến trường còn tồn tại không chỉ là trách nhiệm trong quản lý của nhà trường, mà còn là trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục của phụ huynh đối với con em mình.

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đầu tuần, hoạt động trải nghiệm; phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó, tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn có giảm.

Việc xây dựng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả học sinh và phụ huynh. Trường THPT Tây Ninh (thành phố Tây Ninh) có 1.552 học sinh với 38 lớp.

Công tác tuyên truyền trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của đơn vị. Ông Huỳnh Hoàng Minh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh cho biết, hằng tuần, trong buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường có tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.

Các em chạy xe phân khối lớn sẽ bị nhà trường mời lên làm việc, nhắc nhở lần thứ nhất, tái phạm lần hai sẽ báo với phụ huynh và vi phạm lần thứ 3 sẽ xử lý theo đúng quy định.

Trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với các phụ huynh có con chạy xe phân khối lớn đến trường, mọi người hứa sẽ rút kinh nghiệm, cố gắng sắp xếp để đưa đón con, không cho chạy xe phân khối lớn nữa. Qua đó, số lượng học sinh chạy xe trên 50 phân khối trong trường kéo giảm đáng kể.

Em Nguyễn Thành Phát, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Tây Ninh nói: “Thông thường em chạy xe dưới 50 phân khối đến trường, bởi em còn nhỏ tuổi, chưa thành thạo trong việc xử lý các tình huống.

Có một lần do xe hư, em đành phải sử dụng xe của cha mẹ để đi học. Em lái xe trong tình trạng vô cùng lo lắng, chạy chậm, sát vào lề đường để giữ an toàn. Sau lần đó, em không dám sử dụng xe 100 phân khối nữa, chỉ chạy xe dưới 50 phân khối hoặc nhờ cha mẹ chở đi học”.

Để 100% học sinh chưa đủ tuổi không đi xe phân khối lớn, Trường THPT Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh chấp hành nghiêm quy định này. Vào đầu học kỳ 2, khi tổ chức đại hội cha mẹ học sinh, nhà trường tiếp tục phổ biến cho phụ huynh nhận thức rõ việc đi xe phân khối lớn là vi phạm pháp luật, dễ xảy ra tai nạn.

Bà Lê Thị Ánh Minh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (thành phố Tây Ninh) cho biết: “Từ đầu năm học, đơn vị tổ chức kiểm tra học sinh đi xe phân khối lớn đến trường. Đối với các em vi phạm, trường sẽ mời cha mẹ đến làm việc.

Đội Thanh niên xung kích của trường cũng thường xuyên kiểm tra các phương tiện tại nhà xe học sinh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm, đánh giá vào điểm hạnh kiểm của các em trong cuối học kỳ. Từ đầu năm học đến nay, trường không có học sinh gây tai nạn giao thông, chỉ xảy ra 5 vụ va chạm nhẹ, do lỗi của người tham gia giao thông khác, không phải lỗi của học sinh.

Đối với trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, không thể mua xe đúng quy định cho học sinh chạy, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Đại Nghĩa tổ chức gặp gỡ phụ huynh để vận động. Trường hợp nhà xa, gia đình có thể cho các em ở trọ hoặc liên hệ với học sinh ở gần nhà để đi chung.

Em Võ Minh Hoàng, học sinh lớp 11A10, Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: “Việc sử dụng xe Cub đến trường giúp em cảm thấy an toàn, không vi phạm pháp luật, tránh xảy ra tai nạn. Hơn 80% học sinh lớp em đều đi xe dưới 50 phân khối, bởi mọi người đều ý thức được việc điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi có nhiều nguy hiểm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến công tác chấn chỉnh tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường chưa đạt hiệu quả cao là do ý thức chấp hành pháp luật của học sinh và trách nhiệm của phụ huynh trong quản lý, giáo dục con em mình.

Nhiều phụ huynh nêu lý do như: “con đòi tự chạy xe đi học”, “không có thời gian đưa rước”, “cho con tự lập”, “nhà xa”, “hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua xe mới”…

Việc giao xe phân khối lớn cho con khi chưa đủ tuổi thể hiện sự chủ quan của phụ huynh. Bởi trong độ tuổi này, các em thường thích thể hiện bản thân, dễ dẫn đến hành vi vi phạm, thậm chí là gây tai nạn.

Ông Trầm Quốc Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Hoà Thành) cho biết, ngay từ đầu năm, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kiểm tra. Đơn vị thực hiện khảo sát, điều tra sơ bộ nắm tình hình học sinh sử dụng phương tiện đến trường, sau đó tổ chức kiểm tra, nhắc nhở.

Trước đây, trường cũng phối hợp với Công an Thị xã, UBND phường Long Hoa đến các điểm giữ xe tự phát (chủ yếu là nhà dân, quán nước, quán ăn nhỏ) xung quanh trường để tuyên truyền, vận động không giữ xe phân khối lớn của học sinh. Sắp tới, trường tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở, động viên các em; phối hợp chặt chẽ với lực lượng trong và ngoài trường, nhất là cha mẹ học sinh, Công an và chính quyền địa phương.

“Từ đầu năm đến nay, đơn vị chưa xảy ra trường hợp sử dụng xe phân khối lớn gây tai nạn hay bị lực lượng chức năng xử phạt, gửi giấy về trường. Để chấm dứt tình trạng này, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay vào công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, từng bước nâng cao ý thức cho mọi người, nhất là học sinh và phụ huynh”- ông Trần Quốc Dũng chi sẻ.

Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của các cơ sở giáo dục, một số học sinh đi xe phân khối lớn nay nhờ cha mẹ đưa rước hay đi xe đạp, xe gắn máy dưới 50 phân khối đến trường. Đây là bước chuyển biến đáng mừng. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, sự giáo dục của nhà trường, quan trọng hơn hết vẫn là ý thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, đừng vì nuông chiều con mà dẫn đến những hệ luỵ về sau.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, việc chấn chỉnh tình trạng học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường nếu chỉ có ngành giáo dục thôi vẫn chưa đủ. Lực lượng Công an cần xử lý nghiêm các lỗi tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ quy định…

Trường học cần tuyên truyền để học sinh biết hậu quả của việc vi phạm pháp luật giao thông (Thông tư 58, 26 về đánh giá xếp loại cho học sinh lớp 8, 9, 11, 12; Thông tư 22 cho học sinh lớp 6, 7, 10); cần xử lý học sinh vi phạm một cách nghiêm minh, có tính răn đe, bảo đảm thượng tôn pháp luật; nghiên cứu, sắp xếp phân luồng giao thông trong trường, vị trí các cửa ra vào phù hợp với giao thông của khu vực trường trú đóng; thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng khác để bảo đảm an toàn, an ninh trường học.

Đối với cơ quan tham gia điều tiết, bảo đảm an toàn giao thông cần ngăn chặn, xử phạt những hành vi vi phạm một cách quyết liệt, triệt để. Kết nối với các đơn vị trường học, người giám hộ của học sinh để phối hợp xử lý, theo dõi khả năng khắc phục sau hành vi vi phạm của các em.

Các cơ quan quản lý hạ tầng cơ sở giao thông cần thường xuyên rà soát, sửa chữa hạ tầng giao thông; nghiên cứu tâm lý tham gia giao thông để hình thành hạ tầng phù hợp, hạn chế vi phạm do sự bất cập của hạ tầng giao thông; nghiên cứu về thời điểm, vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn để khuyến cáo người tham gia giao thông, trong đó có học sinh. Các cơ quan truyền thông báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, trong đó phụ huynh giữ vai trò quan trọng, quyết định đối với học sinh.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục