Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tinh thần quật cường của Nam bộ kháng chiến
Kỳ 2: Cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập Tổ quốc, vì danh dự của dân tộc
Thứ hai: 15:11 ngày 23/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Đó không chỉ là một mệnh lệnh, đó còn là quyết tâm của cả một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa.

Nhân dân Nam bộ ngăn sông đánh giặc.

Ngay sáng 23.9, tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), Xứ uỷ và Uỷ ban Hành chính Nam bộ (Uỷ ban Kháng chiến) triệu tập cuộc họp. Hội nghị nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được kháng chiến. Hội nghị cũng thành lập Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Cùng chiều hôm ấy, Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ ra tuyên cáo: “Sáng hôm 23 tháng 9, quân Pháp công nhiên chiếm trụ sở Uỷ ban Hành chính Nam bộ và quốc gia tự vệ cuộc. Chúng đã gây đổ máu ở đường phố Sài Gòn... Không lẽ chịu nhục hoài; vì danh dự của dân tộc, chúng ta coi trọng quyền lợi của quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Trung ương xin phép cho kháng chiến...” với tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ, chiều 23.9.1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi.

Nhà báo Nam Đình - nguyên Đổng lý Văn phòng Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim, người có mặt ở Sài Gòn trong giờ khắc đặc biệt ấy đã tường thuật lại không khí khẩn trương, quyết tâm của người dân thành phố Sài Gòn: “Sài Gòn không đèn, không nước, không chợ…

Người Việt đàn ông, đàn bà, già trẻ ra khỏi châu thành. Sài Gòn, thành phố chết! Hòn ngọc Viễn đông đã biến thành cảnh hoang vu, không một chút nào hoạt động; xe cộ đã ngừng hẳn, không một ai ra đường (….) Còn ban đêm:… Nhà nhà không ánh sáng. Ngoài đường tối đen như mực”. Cũng theo Nhà báo Nam Đình đã có rất nhiều truyền đơn được tung ra với quyết tâm: “Chừng nào Sài Gòn hoá ra tro tàn, Pháp mới chiếm được Sài Gòn”.

Báo Cứu Quốc (Hà Nội), số 50, ngày 25.9.1945 đã đăng Huấn lệnh gởi đồng bào Nam bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam... Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày độc lập”.

Tranh vẽ trận đánh tại cầu Thị Nghè ngày 27.9.1945 giữa lực lượng tự vệ và quân Pháp, Anh.

Ngày 26.9.1945, qua làn sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen đồng bào Nam bộ: “…Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ. Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Huấn lệnh của Chính phủ đã cổ vũ mạnh mẽ lớp lớp quân dân Nam bộ đứng lên kháng chiến giành độc lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã chi viện sức người, sức của cho Sài Gòn, cho Nam bộ.

Sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” cho biết, ngay từ ngày 24.9.1945, ở Mặt trận Sài Gòn đã có nhiều đội quân từ các tỉnh, thành chi viện cho thành phố kháng Pháp, đặc biệt có những đội quân của người Mạ, S’Tiêng từ Biên Hoà và Thủ Dầu Một, mặc trang phục dân tộc, sử dụng vũ khí truyền thống (cung, nỏ với tên tẩm thuốc độc) sát cánh cùng quân và dân Sài Gòn trên các mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông… Các tỉnh, thành ở Bắc và Trung bộ đã thành lập “Phòng Nam bộ” để tiếp nhận tiền bạc, thuốc men, lương thực… do nhân dân tự nguyện đóng góp ủng hộ quân dân Nam bộ.

Trong những ngày ấy, đâu đâu cũng vang lên hành khúc “Phất cờ Nam tiến”:

Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến

Trời phía Nam dân chúng đang chờ ta

Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến

Trời phía Nam dân chúng đang mong chờ.

Phong trào lên đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa

Mau bước đều lên, tiến tới cho kịp thời cơ

Phong trào lên đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa

Mau phất cờ lên tiến tới giành lấy chính quyền.

A! Quân dân ta reo hò

Cướp lấy chính quyền

Cứu lấy nước nhà

Tung cờ giải phóng, cờ giải phóng trên đất Thăng Long, trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau.

Tiến bước mau quân giải phóng

Tiến bước mau đập cho tan quân đế quốc Nhật-Pháp

Quyết đem máu hồng ta thề giành lấy non sông.

Ngày Nam bộ kháng chiến đã để lại cho nhiều thế hệ những giá trị và ý nghĩa to lớn.

Đó là tinh thần quật khởi ngay từ những giây phút đầu tiên bảo vệ độc lập dân tộc, không run sợ trước kẻ thù xâm lược, dù kẻ thù đó mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Đó là tinh thần đoàn kết “triệu người như một” mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, quét sạch kẻ thù xâm lược.

Đó là tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc tiến hành cuộc kháng chiến chống kẻ thù trong những ngày đầu gian khó sau Cách mạng tháng Tám 1945. Đó là kinh nghiệm về việc phát động và tổ chức một cuộc chiến tranh nhân dân ở một thành phố lớn trong điều kiện hạn chế về lực lượng và thông tin liên lạc...

Nam bộ kháng chiến để lại một bài học sâu sắc và đầy ý nghĩa là tinh thần sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của những nhà lãnh đạo tối cao ở miền Nam khi ấy. Thời gian đã lùi xa, song tinh thần quật khởi mà Nam bộ kháng chiến để lại vẫn còn giá trị với hôm nay.

Vũ Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục