Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kinh tế Tây Ninh - Bức tranh sinh động
Kỳ 2: Đẩy mạnh cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng toàn diện
Thứ bảy: 09:20 ngày 10/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và gắn với chuỗi giá trị; chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển cây trồng truyền thống hiệu quả thấp sang cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá vào sản xuất… là những mục tiêu hàng đầu mà ngành nông nghiệp cần phải thực hiện trong thời gian tới.

Bộ đội thu hoạch chanh dây. Ảnh: Đức Kiên

Ngành nông nghiệp tăng cường liên kết hợp tác

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu chủ yếu như: bình quân giá trị sản xuất (GTSX)/ha đất nông nghiệp 130 triệu đồng, trong đó GTSX/ha đất trồng trọt 115 triệu đồng/ha; phấn đấu 9/9 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,4%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt 72%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bằng 1,8 lần so với năm 2020...

Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu và giống cây trồng; phấn đấu hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng cơ giới hoá; đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến nông sản; tập trung chuyển đổi quỹ đất công ty nông nghiệp, đất lúa một vụ, đất ngập úng cục bộ, đang trồng cây hằng năm, đất cao su có hệ thống hạ tầng đồng bộ thành vùng chuyên canh nông sản hàng hoá có chất lượng cao, gắn với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp tập trung phát triển theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát bảo đảm đúng quy định của Luật Chăn nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất; gắn phát triển quy mô đàn với đầu tư, phát triển nhà máy chế biến tại địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng, từng bước nâng cao tỷ trọng GTSX của ngành chăn nuôi trong cơ cấu GTSX nông nghiệp.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phát triển đồng bộ nuôi trồng và khai thác thuỷ sản; đầu tư một số vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung dọc theo tuyến kênh Đông, kênh Tây, kênh Tân Hưng, kênh chính khu tưới phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, nâng tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1.000 ha.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung hoàn thành các đề án, dự án trọng điểm, dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung hoàn thành dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2; nâng cấp hạ tầng thuỷ lợi kết hợp giao thông nội đồng phục vụ chuyển đổi cây trồng...

Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp

Ngành công nghiệp cũng được cơ cấu lại, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Tỉnh tiếp tục đầu tư mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp có tiện ích đồng bộ, tạo lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có chất lượng và thị trường ổn định.

Ngành công nghiệp sẽ được đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng chuyển từ gia công sang chế tạo, chế tác nhằm gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Đa dạng hoá thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, các tập đoàn có thương hiệu quốc tế, có tiềm năng áp dụng khoa học công nghệ, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.

Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

  Ngành cũng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô; phát triển sản xuất các mặt hàng trong nước sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu. Từ đó, ngành từng bước hạn chế và kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, hàng trong nước sản xuất được và tiến tới giảm thâm hụt cán cân thương mại.

Đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá kết cấu hạ tầng thương mại; chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; tiếp tục đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh hiện đại khác như: sàn giao dịch, nhượng quyền kinh doanh, thương mại điện tử…


Thu hoạch bưởi da xanh trên địa bàn huyện Tân Biên. 

Khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch

Trong thời gian tới, Tây Ninh từng bước cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả thoả thuận hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh miền Đông Nam bộ; tăng cường xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư, kết nối các điểm, tuyến du lịch; gắn kết với các đơn vị lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành các tuyến, tour du lịch địa phương nằm trong chuỗi lữ hành trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về du lịch.

Đẩy mạnh phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen sớm trở thành khu du lịch đặc sắc của khu vực miền Đông Nam bộ và cả nước; gắn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thành tuyến du lịch hấp dẫn; thúc đẩy nhanh dự án du lịch sinh thái Đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng.

Tỉnh cũng sẽ từng bước hình thành du lịch về đêm như: chợ đêm, khu ẩm thực chay, tuyến phố đi bộ... tại thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng và một số địa phương có điều kiện. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn; phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh; khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di tích lịch sử - văn hoá, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm nét văn hoá địa phương.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục