Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những bước chân thầm lặng
Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy
Thứ sáu: 07:30 ngày 11/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngâm mình dưới đáy sông sâu bất kể ngày đêm, lặn lội từng kênh rạch để tìm tung tích, thi thể nạn nhân… là công việc thường ngày của những người lính cứu nạn cứu hộ. Trên mặt trận không tiếng súng, họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thậm chí đánh đổi cả mạng sống vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

“Tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ co cứng người, da tím tái, có rất nhiều ốc bu xung quanh tay, chân, cổ của nạn nhân. Hình ảnh đó và mùi thi thể làm tôi nhớ mãi đến bây giờ”- Đó là những cảm xúc đầu tiên khi tận mắt chứng kiến và thực hiện nhiệm vụ vớt xác, đưa thi thể nạn nhân lên bờ của Thượng uý Trương Tấn Phát - cán bộ Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh.

Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Tây Ninh dùng cáng cứu thương chuyển nạn nhân bị thương xuống chân núi.

Ám ảnh không tên

Hơn 10 năm gắn bó với công việc cứu nạn cứu hộ, Thượng uý Trương Tấn Phát không thể nhớ mình và đồng đội đã cứu được bao nhiêu người gặp nạn trên sông, vớt được bao nhiêu thi thể nạn nhân. Mỗi vụ việc đều để lại cho anh nhiều cung bậc cảm xúc; đồng thời giúp anh tích luỹ thêm kinh nghiệm, bởi giữa lý thuyết, môi trường rèn luyện đến xử lý tình huống khi có vụ việc xảy ra sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách.

Thượng uý Trương Tấn Phát bồi hồi kể: “Lúc thực hiện nhiệm vụ lặn, tìm kiếm thi thể nạn nhân ở sông Vàm Cỏ Đông, đoạn khu vực chân cầu Gò Chai, thuộc xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tôi cảm thấy khá căng thẳng, có chút áp lực bởi đây là lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ lặn ở địa hình lòng sông. Dòng chảy rất phức tạp, nguy hiểm và có nhiều lòng xoáy. 

Trong quá trình lặn, do thay đổi chiến thuật, nhận lệnh chỉ huy để trồi lên mặt nước, bất ngờ dây tín hiệu đội hình lặn bị kẹt dưới đáy khiến tôi lơ lửng giữa dòng nước không trồi lên mặt nước được. Yếu tố sống còn trong môi trường nước là phải thật bình tĩnh để giải quyết tình huống. 

Thời điểm đó, tôi ráng bình tĩnh, vận dụng những chiến thuật được đào tạo, sử dụng sợi dây để báo tình hình cho đồng đội và chỉ huy nắm, đồng thời kiểm tra nguyên nhân sự cố do lực đẩy của nước làm dây siết chặt với áo phao để tìm cách khắc phục, cùng với sự ứng cứu của đồng đội, tôi may mắn trồi lên mặt nước an toàn”.

Sau sự cố trên, bản thân Thượng uý Trương Tấn Phát cùng đồng đội đã rút ra bài học kinh nghiệm để vận dụng hiệu quả trong những lần cứu nạn cứu hộ tiếp theo. Cụ thể như việc kết nối dây tín hiệu lặn trực tiếp vào áo phao cũng có mặt hạn chế, khi dây tín hiệu vướng, mắc kẹt thì bản thân người trực tiếp lặn sẽ gặp nguy hiểm, nếu tâm lý không vững, không giữ được bình tĩnh, bắt đầu hoảng loạn thì hậu quả rất khó lường.

Ngâm mình dưới đáy sông sâu bất kể ngày đêm.

Mỗi vụ việc là một “cuộc chiến”

Mỗi vụ cứu nạn cứu hộ là một “cuộc chiến” với những diễn biến hoàn toàn khác nhau; thách thức sự mưu trí, sáng tạo của người chỉ huy và các chiến sĩ, hơn hết là tinh thần đoàn kết và lòng dũng cảm.

Theo những người lính cứu nạn cứu hộ, làm việc trên sông, hồ vất vả hơn nhiều so với trên cạn, môi trường sông nước rất nguy hiểm, khi lặn đến đáy sông tất cả đều tối tăm, thiếu sáng, thiếu khí, áp suất dưới đáy sông lớn. Có nhiều đoạn nước sông chảy xiết, hồ sâu, lòng xoáy thay đổi luồng nước đột ngột. Mệnh lệnh thực hiện phụ thuộc vào một sợi dây do chỉ huy điều khiển, mọi thao tác và hành động đều phải tuân thủ tuyệt đối. 

Sợi dây tín hiệu này vừa là điểm định hướng để người lính xuất phát rồi quay trở lại, giúp chỉ huy ở phía trên xác định được đường đi bên dưới của người lính, sẵn sàng công tác ứng cứu nếu có sự cố xảy ra. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần hiểm nguy, chỉ cần một chút sơ suất, cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn cứu hộ có thể là nạn nhân trong chính tình huống mà bản thân đối mặt.

Thiếu tá Nguyễn Văn Nhẹ- Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ chia sẻ, trên địa bàn tỉnh có nhiều sông, đặc biệt sông Vàm Cỏ có nhiều kênh rạch, nhánh sông. Thời gian qua, lực lượng cứu nạn cứu hộ thực hiện nhiều nhiệm vụ tìm kiếm người đuối nước, đa số trường hợp diễn biến vào ban đêm, thời gian nhận tin chậm. Địa hình địa vật không đồng đều, tốc độ dòng chảy thay đổi liên tục nên việc xác định vị trí nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Có những vụ việc, hoạt động tìm kiếm thi thể nạn nhân cách hiện trường tới 2km.

Xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim, bằng cả tình người, những người lính làm công tác cứu nạn cứu hộ luôn lao vào nơi nguy hiểm, nỗ lực hết mình chạy đua với thời gian, tìm kiếm người dưới những dòng nước lạnh giá, dù biết đã quá trễ để cứu nạn nhân. Mỗi lần lên bờ nhìn người thân các nạn nhân đau đớn, chờ đợi, dù mệt nhoài, áp lực, những người lính ấy lại tiếp tục xuống nước, chỉ hy vọng tìm thấy thi thể nạn nhân sớm nhất có thể, giúp gia đình vơi bớt đau thương.

Chia sẻ về ước mong sau những giây phút cứu nạn cứu hộ đầy áp lực và căng thẳng, Thượng uý Trương Tấn Phát nói: “Hạnh phúc đơn giản là được sum vầy bên gia đình, ngồi bên mâm cơm, có cha mẹ, có vợ là vui rồi”.

Lặn lội từng kênh rạch để tìm thi thể nạn nhân.

Tăng cường huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ

Gắn bó với công việc tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là dưới môi trường nước, người cán bộ, chiến sĩ phải có nền tảng thể lực, kỹ năng tốt để có thể ứng phó khi gặp sự cố, tình huống xấu, từ đó bảo đảm an toàn cho bản thân và cứu nạn nhân. Ví dụ như trường hợp lặn dưới lòng sông bị mắc kẹt hoặc vướng dây trong điều kiện dòng nước chảy xiết, người chiến sĩ phải kịp thời cách ly bộ áo lặn hoặc khi lặn bị rò rỉ khí, ống dẫn khí ra nhiều phải biết cách trồi lên mặt nước.

Thời gian qua, Công an tỉnh thường xuyên nâng cao công tác huấn luyện bơi, lặn, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, chiến sĩ với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Hằng năm, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ xây dựng nhiều nội dung huấn luyện sát với tình hình thực tế nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tình hình cơ sở vật chất thực tế của địa phương. 

Cán bộ, chiến sĩ được tập huấn những kiến thức xoay quanh nhận thức chung về công tác cứu nạn cứu hộ dưới nước, chiến thuật cứu nạn cứu hộ tai nạn, người bị đuối nước ở sông suối, ao hồ, hồ bơi, khu du lịch hay cứu nạn cứu hộ sự cố tai nạn giao thông đường thuỷ cũng như các kỹ thuật bơi, lặn…

Để công tác cứu nạn cứu hộ hiệu quả, tránh rủi ro, tai nạn, đòi hòi người lính không chỉ nắm vững nội dung về lý thuyết mà còn vững về tâm lý, giỏi nghiệp vụ, sử dụng trang thiết bị, phương tiện cứu nạn cứu hộ nhuần nhuyễn. Quá trình tập luyện, cán bộ, chiến sĩ được thực hành bơi lặn không chỉ trong các hồ bơi, còn được ra thực địa tại sông, kênh, rạch. Bất kể trời nắng hay mưa, lực lượng vẫn miệt mài tập luyện với cường độ cao, chương trình tập luyện ngày càng khó dần, những bài tập đòi hỏi sự khéo léo, tính cẩn thận và tỉ mỉ.

Mới đây, cán bộ, chiến sĩ cứu nạn cứu hộ đã có cơ hội tham gia thực hành lặn mang bình dưỡng khí tại lòng hồ Dầu Tiếng. Chiến sĩ Đỗ Tấn Phát nói: “Trong hồ bơi hay kênh nhỏ, dưới nước vẫn có độ sáng, dễ nhìn, bản thân còn làm chủ được khi ở dưới nước nên không thấy sợ hãi. Còn khu vực bờ hồ rất rộng, khi ở dưới đáy nước, tôi cảm thấy hơi lo lắng, vì sâu và tối, không thấy rõ đường, tuy nhiên nhờ những kỹ thuật mà chỉ huy hướng dẫn nên bản thân mạnh dạn hơn”.

Thượng tá Lê Thanh Gươm - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết, tập luyện thể lực, nâng cao sức khoẻ, sức bền là nội dung quan trọng, nhất là trong môi trường chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nguy hiểm, khắc nghiệt như: cứu nạn cứu hộ trên cao, dưới giếng sâu, dòng sông. Đơn vị tập trung huấn luyện triển khai các đội hình chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi đến hiện trường theo mệnh lệnh của người chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ phải biết để triển khai ngay đội hình chiến đấu, nắm vững kỹ thuật, chiến thuật và kỹ năng thao tác phù hợp với địa hình, mang lại hiệu quả cao nhất; huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ biết cách sử dụng thành thạo phương tiện, kỹ thuật đã được trang bị, kể cả những thiết bị hiện đại, phải thật sự thành thạo thì mới sử dụng hiệu quả.

Với phương châm “tìm cái còn trong cái mất”, cứu sống được người hay sớm tìm được thi thể nạn nhân trong các vụ tai nạn đuối nước, khi tiếp nhận vụ việc, những người lính cứu nạn cứu hộ không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ đã và đang ra sức học tập, rèn luyện, sẵn sàng đối mặt với thử thách, góp phần viết nên những câu chuyện đậm tính nhân văn, để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.

Phương Thảo - Hà Thuỷ (Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục