Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Kỳ 2: Hàng giả, hàng nhái tràn lan
Thứ tư: 00:43 ngày 27/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp phòng, chống buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhưng “cuộc chiến” xem ra vẫn chưa có hồi kết và còn lắm gian nan.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện nhiều sản phẩm giả thương hiệu Adidas.

Hàng tiêu dùng giả, nhái nhãn hiệu tràn lan

Theo Cục Quản lý thị trường, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý 203 vụ vi phạm, xử phạt 135 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, sở hữu trí tuệ; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buôn bán hàng hoá hết hạn sử dụng; vi phạm về nhãn hàng hoá…

Quần áo nhập lậu hay các loại hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng xuất hiện khá nhiều trên thị trường với nhiều mẫu mã, chủng loại. Hầu hết các hãng có thương hiệu uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Thậm chí các sản phẩm nhái còn “hút khách” hơn cả sản phẩm chính hãng do giá bán khá rẻ. Các mặt hàng quần áo, giày dép giả, hàng lậu không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng nhưng lại làm giảm uy tín của các thương hiệu, tác động tiêu cực đến thị trường.

Ngày 31.3.2022, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hộ kinh doanh Vũ Thị Phượng- mắt kính Vip Optic, ngành nghề mua bán đồng hồ, mắt kính, địa chỉ 226 quốc lộ 22, khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Qua kiểm tra, bà Phượng thừa nhận hành vi vi phạm buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 9.5.2022, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Vũ Thị Phượng 62,5 triệu đồng. Tịch thu tang vật vi phạm là 226 cái mắt kính có trị giá 80,5 triệu đồng. Buộc tiêu huỷ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu gồm 87 cái mắt kính có trị giá gần 35 triệu đồng.

Chị Bùi Thị Lan Hương, thị xã Hoà Thành cho biết, tại một số cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn, không khó để tìm những sản phẩm được đóng mác thương hiệu cao cấp, nhưng giá lại rất bình dân, thậm chí còn rẻ hơn các sản phẩm cùng loại do Việt Nam sản xuất.

Đang chọn hàng tại một cửa hàng chuyên bán phụ kiện thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Tây Ninh), chị Hương cầm một chiếc ví hiệu Gucci trên tay cho biết, nhân viên bán hàng nói đây là hàng “super fake” (giống hàng thật đến 99%), giá chỉ 500.000 đồng. Ở đây phần lớn là hàng “super fake” đặt ở các xưởng sản xuất bên Trung Quốc làm nhái.

“Sang một cửa hàng giày dép bên cạnh, cầm đôi giày Adidas nữ kiểu mới, tôi chưa kịp hỏi giá, người bán hàng đã nhanh nhẹn chào giá 270.000 đồng. Tuy không phải hàng thật, nhưng kiểu dáng, mẫu mã giống hàng chính hãng, rất khó để phân biệt với hàng xịn, trong khi giá lại rẻ đến hơn 10 lần”- chị Hương chia sẻ.

Những cửa hàng bán hàng “super fake” hoặc hàng “fake” trên địa bàn tỉnh hiện không hiếm, thu hút lượng người quan tâm và mua hàng không nhỏ.

Gần đây nhất, ngày 2.6.2022, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3, Công an phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Đức Vui do ông Nguyễn Đức Vui làm đại diện, địa chỉ số 107, đường Lý Thường Kiệt, khu phố 4, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành. Ông Nguyễn Đức Vui đã thừa nhận hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas. Tang vật vi phạm là 53 cái áo thun nam, loại tay ngắn và 155 cái quần thể thao nam, loại ngắn; trị giá tang vật vi phạm gần 49 triệu đồng.

Ngày 15.6.2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hộ kinh doanh Nguyễn Đức Vui 45 triệu đồng. Buộc tiêu huỷ đối với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu gồm: 53 cái áo thun nam, loại tay ngắn và 155 cái quần thể thao nam, loại ngắn giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Ông Châu Thanh Long- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, các đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hoá, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn, cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật một cách tinh vi, nếu nhìn qua rất khó nhận biết; hoặc được đưa về vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ.

Mỹ phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hàng giả, hàng nhái rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái qua mạng xã hội không ít.

Hiện nay, những sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ không chỉ xuất hiện ngoài thị trường mà còn được bán tràn lan trên mạng xã hội. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, niềm tin và quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh những doanh nghiệp, người kinh doanh làm ăn uy tín, có không ít người lợi dụng việc mua bán online để tuồn ra thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng gây lo ngại cho người tiêu dùng.

Chị Trần Thị Ngọc, một nhân viên văn phòng, ngụ tại phường 3, TP. Tây Ninh cho biết: “Tôi truy cập mạng xã hội thấy thông tin rao bán hàng hoá dày đặc nên có cảm giác như “nhà nhà bán hàng, người người bán hàng”. Tôi từng mua hàng qua mạng xã hội và có lần mua phải hàng giả, hàng nhái”.

Hiện nay, người tiêu dùng chỉ cần lướt Facebook là có thể bắt gặp các livestream bán hàng của các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm… Để thu hút khách, các chủ cửa hàng online thường chào mời qua hình thức bán hàng giảm giá sâu. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn trên thế giới như: Dior, Gucci, LV... được người bán giới thiệu là hàng xách tay còn mác, nguyên hộp với giá niêm yết của hãng lên đến hàng trăm USD nhưng họ chỉ bán với giá vài trăm ngàn đồng, thậm chí vài chục ngàn đồng để “tri ân khách hàng” hoặc "tăng tương tác"…

Anh Trần Hoàng Tuấn, ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành cho biết, tin vào quảng cáo, nhiều người mua hàng bị mất tiền oan, vừa rồi, thấy một cửa hàng quảng cáo giảm giá sốc 50%, anh đặt mua online tặng vợ một túi xách hiệu Michael Kors với giá gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận quà, vợ anh phát hiện túi này chỉ là hàng nhái”.

Ông Châu Thanh Long- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho biết, TMĐT phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh phân phối hiện đại với nhiều tiện ích, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 thì TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thời gian qua, ngoài các mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok… thì nay có thêm hiện nhiều sàn thương mại điện tử thu hút lượng khách hàng lớn như: Sendo, Lazada, Tiki, Shopee… giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quảng bá hình ảnh, mua bán sản phẩm hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ.

Tuy nhiên, công chức chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực TMĐT, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về mua bán hàng online không dễ, vì khó tìm ra danh tính thật của chủ thể kinh doanh. Bởi hiện nay việc lập ra các trang mạng xã hội để bán hàng quá dễ dàng, ai cũng có thể làm được. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc rà soát, quản lý loại hình kinh doanh trên mạng, kiểm soát giá cả thị trường của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục