Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em:
Kỳ 2: Xây dựng môi trường sống an toàn
Chủ nhật: 23:16 ngày 11/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh đã trở thành hồi chuông cảnh báo, cần có những giải pháp quyết liệt từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội để hạn chế tình trạng này. Mọi người hãy cùng nhau nỗ lực, chung tay xây dựng môi trường phát triển toàn diện và an toàn cho trẻ.

Trang bị kỹ năng bơi lội và kiến thức bảo đảm an toàn trong môi trường nước giúp phòng chống tai nạn do đuối nước cho trẻ.

Xây dựng ngôi nhà an toàn

Theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6.5.2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về ban hành tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, hướng dẫn các hộ gia đình có trẻ thực hiện 33 tiêu chí theo quy định. Để được công nhận ngôi nhà an toàn phải bảo đảm trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại nhà.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp sở, ban, ngành có liên quan, các địa phương triển khai, hướng dẫn việc thực hiện tiêu chí "Ngôi nhà an toàn", làm điểm tại 254 ấp, khu phố. Cộng tác viên trẻ em tuyên truyền công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ và tiêu chuẩn xây dựng ngôi nhà an toàn đến từng hộ dân trên địa bàn được phân công quản lý để loại bỏ những mối hiểm hoạ xung quanh, trong nhà.

Tại các đơn vị triển khai thí điểm mô hình, cộng tác viên trẻ em sẽ phát phiếu kiểm định ngôi nhà an toàn cho hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi tự đánh giá. Sau đó, cộng tác viên nhận phiếu lại và thẩm định theo tiêu chuẩn có đạt hay không. Qua thời gian thực hiện thí điểm mô hình đã giúp các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ nhận biết các mối nguy hiểm xung quanh nhà, hạn chế thấp nhất tai nạn thương tích có thể xảy ra.

Chị Ngọc Nhung (ngụ huyện Châu Thành) bày tỏ: “Tôi đọc báo thấy có nhiều vụ tai nạn xảy ra tại chính ngôi nhà của trẻ. Tôi chú trọng xây dựng ngôi nhà an toàn để bảo vệ, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ ngay từ phía gia đình”.

Theo chị Nhung, ngôi nhà an toàn cho trẻ không có nghĩa là phải đầy đủ tiện nghi, an toàn ở đây là loại bỏ những nguy cơ có thể gây tai nạn, sử dụng đồ đạc trong nhà ít gây tổn thương đến trẻ như dùng ổ điện có gạt chắn lỗ cắm, sắp xếp đồ đạc khoa học, bảo đảm các em không lấy được các dụng cụ có thể gây nguy hiểm...

Là một người mẹ có con nhỏ, chị Lê Thị Yến Nhi (ngụ thị xã Hòa Thành) cho biết, ngoài giờ học ở trường, chị luôn đặt con trong tầm quan sát, nhất là khi bé dưới 5 tuổi, vì độ tuổi thường hiếu động, chưa nhận thức đầy đủ nguy hiểm xung quanh.

Chị Nhi sắp xếp tất cả đồ vật có thể gây sát thương như bình thủy, ổ điện, dao kéo, hóa chất ngoài tầm với của con, thường xuyên theo dõi phản xạ và nét mặt trẻ. Có lần chị phát hiện con gái nhét hạt bi vào mũi, đã xử lý kịp thời, nên không gây hậu quả.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

UBND tỉnh ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho trẻ em, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc thiểu số; thường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ, trong đó có phòng chống tai nạn thương tích.

Để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và xã hội, Tỉnh đoàn chỉ đạo tất cả liên đội đổi mới các phương thức hoạt động như giáo dục kỹ năng sống, diễn đàn, tuyên truyền trong giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt đầu tuần và phát huy đội hình chuyên: tuyên truyền măng non, phát thanh măng non...

Tại mỗi liên đội, Tỉnh đoàn trang bị một biển báo Cổng trường an toàn giao thông. Tỉnh đoàn cũng đề ra giải pháp trang bị các cụm trò chơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn dân cư. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 48 cụm trò chơi (trong đó 34 cụm từ các thiết bị kiên cố; 14 cụm được làm từ vật dụng tái chế, lốp xe cũ…), tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, tạo sân chơi lành mạnh thu hút trẻ tham gia.

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều đưa nội dung chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục. Các trường THCS, tiểu học tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt kỹ năng sống cho học sinh, kỹ năng ứng xử trong sinh hoạt giúp các em biết tự bảo vệ bản thân, phòng tránh những tai nạn có thể xảy ra.

Các em thích thú tham gia các trò chơi dân gian.

Các trường mầm non với phương châm “An toàn cho trẻ” đã có nhiều hoạt động tích cực thiết thực để bảo đảm trường học an toàn, niêm yết thông tin cần thiết cho các bậc cha mẹ học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Du – Hiệu trưởng trường TH Biên Giới, huyện Châu Thành cho biết, nhà trường tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên; hướng dẫn kỹ năng, phương pháp phòng, chống tai nạn thường tích trong các tiết sinh hoạt, hoạt động giáo dục và vui chơi cho học sinh. 

Nhà trường phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích học sinh, rà soát cơ sở vật chất trong trường học, loại bỏ các công trình không bảo đảm chất lượng, không an toàn đối với học sinh và giáo viên.

Cô Võ Hồng Phượng –Tổng phụ trách Đội trường TH Biên Giới cho biết, để tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em thiếu nhi ngoài giờ học, Ban Giám hiệu phối hợp với Hội đồng Đội huyện tạo sân chơi thiếu nhi với có chủ đề “Hành trình thứ 2 của lốp xe”.

Sân chơi gồm các trò như đu quay, cầu trượt, bồn hoa, hệ thống bồn rửa tay... được chế tạo từ những chiếc lốp xe cũ đầy sáng tạo và đẹp mắt. Bên cạnh đó, Liên Đội tổ chức mô hình Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo thực hiện vào giờ ra chơi thứ 4 hàng tuần. Các em sẽ được chơi các trò chơi dân gian như cờ gánh, ô ăn quan, nhảy ô, thu hút đông đảo học sinh tham gia, góp phần tích cực trong việc triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”...

Hằng năm, Trung tâm học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn đuối nước, bơi lội cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh; giáo dục kĩ năng sống cho thiếu nhi với nhiều chủ đề đa dạng, thiết thực.

Thầy L.H.N, giáo viên dạy bơi cho biết, trang bị kỹ năng bơi lội và kiến thức bảo đảm an toàn trong môi trường nước là hoạt động cần thiết nhằm tăng cường thể lực, phòng chống tai nạn do đuối nước cho trẻ em. Điều quan trọng là phải để các em biết kỹ năng bơi cơ bản và cách xử lý tình huống, sơ cấp cứu khi gặp tình trạng đuối nước.

Để kéo giảm tai nạn thương tích ở trẻ, biện pháp quyết liệt nhất chính là sự vào cuộc của toàn xã hội, các bậc cha mẹ là nhân tố quyết định. Mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ, tạo môi trường an toàn và lành mạnh để các phát triển toàn diện.

Thiên Di - Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục