Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ quyền Việt Nam trên vùng Nam bộ
Kỳ 3: Công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ
Thứ hai: 07:15 ngày 12/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để có vùng đất Nam bộ trù phú hôm nay, các thế hệ người Việt đã đổ biết bao công sức, mồ hôi và cả máu xương.

Vào thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân người Việt đặt chân lên vùng đất Nam bộ thì vùng đất này vẫn còn là một vùng thấp trũng, hoang vu: “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu phải sợ, cá vùng phải lo (1)”. Có lẽ vì vậy mà những lưu dân người Việt đầu tiên trên hành trình đi mở cõi đã nhận ra ngay cái hoang sơ, khốc liệt của vùng đất mới: “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội như bánh canh/ Cỏ mọc thành tinh/ Rắn đồng biết gáy”. Để có vùng đất Nam bộ trù phú hôm nay, các thế hệ người Việt đã đổ biết bao công sức, mồ hôi và cả máu xương.

Vùng đất hoang

Sau khi kiêm tính Phù Nam, đế quốc Angkor trở thành một đế chế hùng mạnh. Giai đoạn cực thịnh của Angkor là từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12. Đây cũng là thời kỳ mà đế chế này đã xây dựng nên rất nhiều các công trình kiến trúc kỳ vĩ như Angkor Wat, Angkor Thom. Tuy nhiên, các trung tâm chính trị và tôn giáo của thời kỳ này chủ yếu được phát triển ở phía Đông và Tây. Cho tới hiện nay, hầu như giới khảo cổ chưa tìm thấy dấu ấn cai trị của vương triều Khmer ở vùng phía Nam (đồng bằng châu thổ sông Cửu Long). Trong một bài phân tích của mình trên BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy- Cộng hoà Pháp cho biết: “Cách đây hơn 300 năm, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là một vùng sình lầy hoang dại, đầy muỗi mòng và rắn độc nên ít người dám đến sinh cư lập nghiệp, trừ khi bị bắt buộc như những người trốn chạy những cuộc ruồng bắt nô lệ thời đế quốc Angkor. Những người này sống tập trung trên những vùng đất cao để tránh lụt lội, gọi là giồng, và sinh sống bằng nghề làm rẫy. Không có tư liệu nào trong Văn khố hoàng gia Khmer (Chroniques royales khmères) nhắc đến sự triều cống của những nhóm dân cư sinh sống trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Mekong) (2)”. Còn tác giả Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền - Cộng hoà Pháp thì viết: “Sự thật vùng đất này thời đó chỉ là vùng hoang dại, gần như vô chủ… (3)”.

Có một thực tế lịch sử là trong suốt nhiều thế kỷ, vương triều Chân Lạp luôn luôn xảy ra tranh chấp nội bộ và vẫn thường bị Xiêm La chi phối. Cho đến thế kỷ XVII, những tranh chấp nội bộ khốc liệt trong triều đình Chân Lạp đã dẫn tới tình trạng các vương tôn của triều đình đi tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Vì vậy, năm 1620 đã diễn ra cuộc hôn nhân chính trị giữa vua Jayajettha II (1619-1627) với Công nữ Ngọc Vạn. Cuộc hôn nhân chính trị này để giúp triều đình Jayajettha II có chỗ dựa là các chúa Nguyễn nếu bị Xiêm La tấn công. Từ mối giao hảo này, chúa Nguyễn đã đề nghị Jayajettha II nhượng cho Sãi vương quyền khai thác lãnh thổ Prei Nokor (Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh) trong vòng 5 năm để làm nơi thu mua và vận chuyển thực phẩm ra miền Trung. Sau nhiều lần đánh bật quân Xiêm ra khỏi lãnh thổ Chân Lạp trong những năm 1622-1623, việc thu hồi hai nhượng địa Prei Nokor và Kompong Trabei không còn đặt ra nữa, vì vua Khmer rất cần sự hiện diện của quân Việt trên lãnh thổ của mình.

Năm 1679, nhóm phản Thanh phục Minh của các di thần nhà Minh là Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đã chạy tị nạn sang Việt Nam, vào vùng đất cai quản của các chúa Nguyễn. Khi ấy, vùng Nam bộ vẫn hoang vu nên chúa Nguyễn Phúc Tần đã thoả thuận với vua Chân Lạp cho những người Hoa này vào khai khẩn đất Đông Phố (Đồng Nai). Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên) chép: “Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Đích và phó tướng Hoàng Tiến; Cao Lôi Liêm, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ. Bấy giờ bàn bạc rằng phong tục, tiếng nói của họ đều khác nhau, khó bề sai đúng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông phố nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa (Nguyễn Phúc Tần) theo lời bàn, bèn sai đặt yến uỷ lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố (4)”. Những di thần nhà Minh khi sang khai khẩn đất Đồng Nai đã xây dựng nên một cù lao Phố sầm uất. Một nhóm người Hoa này sau đó đã đi về định cư tại Mỹ Tho và đã cùng người Việt và các sắc dân bản địa dựng nên Mỹ Tho Đại phố sầm uất: “Việc nhóm di thần phản Thanh phục Minh Trung Hoa do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch cầm đầu tới xin tị nạn chính trị ở Đàng Trong và được thu xếp cho vào cư trú ở Biên Hoà, Mỹ Tho năm 1679 cũng như việc nhóm di thần phản Thanh phục Minh tị nạn chính trị ở Chân Lạp do Mạc Cửu cầm đầu đem đất Hà Tiên về quy phụ triều đình Phú Xuân năm 1708 đã bổ sung thêm cho cộng đồng Việt Nam những khả năng nhân lực và kỹ thuật, tri thức và tinh thần quan trọng để khai phá và bảo vệ đồng bằng Nam bộ. Cùng với người Việt và người Khmer, những người Hoa này đã vỡ đất hoang, lập phố xá, buôn bán với các thương nhân Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á lui tới Biên Hoà, Mỹ Tho, Hà Tiên cũng như chiến đấu bảo vệ biên cương, góp phần đáng kể vào việc xác lập tổ chức xã hội và khẳng định chủ quyền lãnh thổ của cộng đồng Việt Nam trên vùng đất mới (5)”.

Trước đó, năm 1671, một vị quan nhà Minh là Mạc Cửu cùng với 400 người đổ bộ lên vùng đất hoang vu trong vịnh Thái Lan và xin thần phục vương triều Khmer. Năm 1681, vua Jayajettha IV cho Mạc Cửu khai thác vùng đất dọc bờ biển phía Nam Campuchia ngày nay, gọi là Căn Khẩu, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của hải tặc. Sau nhiều lần bị hải tặc Xiêm La đánh phá và không được vua Khmer hỗ trợ, năm 1724, Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn, vùng đất Căn Khẩu đổi tên thành Long Hồ dinh, sau này là Hà Tiên. Con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ đã tận tình giúp các vua Khmer đánh trả quân thù để bảo vệ ngôi báu, sau mỗi chiến công các vua Khmer trao tặng đất đai để tưởng thưởng. Mạc Cửu đã khai phá vùng đất hoang hoá, mở cửa buôn bán với thương nhân của nước ngoài và biến vùng đất Hà Tiên trở nên trù phú: “Từ năm 1708 bản đồ Đàng Trong đã có thêm trấn Hà Tiên được hưởng quy chế tự trị với quyền thế tập từ Tổng binh Mạc Cửu đến Đô đốc Mạc Thiên Tích. Còn sau chiến dịch đánh bại liên quân Chân Lạp - Ai Lao vào cướp Gia Định của Trương Phước Vĩnh, Trần Đại Định năm 1732 thì sổ thuế của chính quyền Đàng Trong lại ghi thêm châu Định Viễn (6)”. Năm 1759, toàn bộ lãnh thổ đồng bằng sông Cửu Long chính thức được sáp nhập vào lành thổ nhà Nguyễn.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thuỷ bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch. Từ những ghi chép này có thể thấy, trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính ở Nam bộ thì trên vùng đất này đã có nhiều người Việt và người Hoa sinh sống. Như vậy là phải đến năm 1698, tức 75 năm sau khi bà Ngọc Vạn về làm hoàng hậu Chân Lạp và 19 năm sau nhóm di thần nhà Minh của Trần Thượng Xuyên đến khai khẩn đất Đồng Nai thì người Việt mới chính thức thiết lập nền hành chính ở Nam Bộ. Điều đó có thể thấy công cuộc khai phá, ổn định vùng đất mới vô cùng gian khổ, khó khăn.

“Tới đây xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê…”

Mấy trăm năm cuộc chiến Trịnh - Nguyễn giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong đã khiến một bộ phận nhân dân lầm than, đói khổ và buộc họ phải rời bỏ quê hương, bản quán để đi tìm con đường sống cho mình và con cháu mai sau. Vì vậy, những lưu dân buổi đầu trên vùng đất Nam bộ họ không đi để mưu bá đồ vương, cũng chẳng đi để ngâm thơ vịnh nguyệt, họ đi để thoát khỏi sự câu thúc của lễ giáo phong kiến, thoát khỏi chiến tranh, đói khổ. Những lưu dân người Việt đi mở cõi mang đã thể hiện nỗi lòng mình trong những lời ca, tiếng hát nghẹn lòng: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai”. “Đây là câu ca phản ánh nỗi lòng của những người đi mở đất phương Nam với tâm trạng phải làm thân “ngựa tế”, nghe vừa buồn man mác, vừa ẩn dụ một nỗi uất hận nghèn nghẹn trong lòng người viễn xứ (7)”. Cuộc khai phá ấy đâu phải dễ dàng bởi phải vượt qua vùng đất rùng rợn “cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận” rồi con ma sốt rét, muỗi mòng. Trong quá trình tìm con đường sống ấy, bao người Việt đã bỏ thân không về trong núi thẳm, rừng sâu, trong bụng hùm beo, cá sấu hay giữa biển cả bao la nếu họ đi bằng đường biển vào đất Mỗi Xuy - Biên Hoà.

Đến vùng đất mới, những lưu dân người Việt đã cùng chung lưng đấu cật với những người dân bản địa để cùng nhau khai phá vùng đất được thiên nhiên ban tặng “chim trời, cá nước” ai lấy được bao nhiêu thì cứ lấy. Có lẽ vì vậy mà người Việt, người Hoa đến sau đó và các cư dân bản địa trên địa bàn ít xảy ra xung đột, họ sống hoà thuận với nhau, nương tựa nhau, sống cùng nhau. Cho tới nay, cũng ít có khóm, ấp nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ riêng người Khmer sinh sống mà thường họ sinh sống quần tụ với các dân tộc khác: “Mặc dù địa bàn cư trú của người Khmer ở Nam bộ có ít nhiều xáo trộn trong các thời kỳ lịch sử cận hiện đại, nhất là trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng về cơ bản cho đến nay, người Khmer vẫn an cư lạc nghiệp tại những địa bàn cư trú truyền thống và gắn bó mật thiết với chùa chiền đã được xây dựng trong quá trình định cư tại các địa phương trên vùng đất này (8)”.

Ngày nay, trên thế giới có hơn 3 nghìn tộc người nhưng chỉ trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều ấy khẳng định rằng không gian tộc người không hoàn toàn đồng nhất với phạm vi lãnh thổ quốc gia. Trong lãnh thổ của một quốc gia có thể có nhiều tộc người sinh sống và một tộc người có thể sinh sống trên lãnh thổ của nhiều quốc gia. Vì vậy, luận điệu cho rằng Nam bộ là của người Khmer là không chính xác. Thực tế chứng minh rằng, trong suốt quá trình lịch sử, người Khmer ở miền Tây Nam bộ đã chung lưng, đấu cật với các tộc người khác tạo nên một vùng đất trù phú hôm nay. Người Khmer ở Tây Nam bộ vẫn ngày càng phát triển và lớn mạnh không ngừng, trong đó đặc biệt là dân số người Khmer tăng rất nhanh: “Vào cuối thế kỷ XIX, theo Jules César Baurac (1894), dân số người Khmer có 147.718 người, chiếm 7,49% tổng số dân ở Tây Nam bộ, tức đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Đến ngày 1.4.2009, người Khmer có dân số là 1.260.640 người, đứng thứ 5 trong 54 tộc người của nước ta, sau các tộc người Việt (Kinh), Tày, Thái và Mường. Như vậy, sau 20 năm (1989-2009), dân số người Khmer Nam bộ đã tăng lên 365.341 người, tăng 40,41% so với dân số Khmer năm 1989, và gấp gần 5 lần dân số Khmer vào năm 1953 (214.470 người). Người Khmer cư trú chủ yếu trên địa bàn Tây Nam bộ, chiếm hơn 90% dân số người Khmer ở Nam bộ. Họ sinh sống khá đông đảo tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, cà Mau, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang (9)”.

Những phân tích dài dòng như trên để khẳng định một điều mà như Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đã viết: “… Sự thật các triều vương Khmer không hề quan tâm đến vùng đất sình lầy đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, khi có cơ hội là sẵn sàng trao tặng cho những người đã giúp họ giữ được ngôi báu. Dựa vào yếu tố này, có thể nói người Khmer chưa bao giờ làm chủ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mặc dù đã hiện diện trước đó (10)”. Và, có thể khẳng định rằng: “Công lao khai phá vùng đất Nam bộ trước hết thuộc về các cư dân người Việt và sau đó là những người Hoa: “Như vậy là tiếp nối công cuộc khai phá từ thời tiền sử, qua các lớp cư dân Phù Nam, các lớp cư dân cổ như người Mạ, Xtiêng, Chơ Ro, rồi người Khmer, Chăm… từ thế kỷ XVII người Việt và một bộ phận người Hoa đã đẩy mạnh công cuộc khai phá, làm biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ diện mạo vùng đất Nam bộ (11)”.

Vũ Trung Kiên

(Còn tiếp)

[1] Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hoá thông tin, 2001

[2] Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Cộng hoà Pháp, Người Khmer Krom đòi Nam bộ là vô lý, BBC tiếng Việt ngày 17.9.2014.

[3] Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 86

[4] Đại Nam thực lục tiền biên, soạn năm 1884, Viện Sử học phiên dịch, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1962. tr. 136-140

[5] Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996 tr. 37

[6] Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996 tr. 33

[7] Mai Sông Bé, Đồng Nai từ mở cõi đến mở cửa, Nxb Đồng Nai, năm 2009, tr. 26

[8] Phan Huy Lê (chủ biên), Vùng đất Nam bộ - quá trình hình thành và phát triển, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 264

[9] Phan Huy Lê (chủ biên), Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 263

[10] Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Cộng hoà Pháp, Người Khmer Krom đòi Nam bộ là vô lý, BBC tiếng Việt ngày 17.9.2014.

[11] Phan Huy Lê (chủ biên), Vùng đất Nam bộ - quá trình hình thành và phát triển, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 26

Tin cùng chuyên mục