Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những bước chân thầm lặng
Kỳ 3: Những người giải mã vụ án
Thứ bảy: 08:55 ngày 05/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác kỹ thuật hình sự không chỉ định hướng cho công tác điều tra, còn bảo đảm hệ thống chứng cứ vững chắc cho việc chứng minh tội phạm, người phạm tội, hạn chế thấp nhất oan sai cũng như bỏ sót tội phạm.

Nhanh chóng lên đường, khẩn trương, tỉ mỉ thu lượm các dấu vết tại hiện trường và thực hiện thao tác giám định một cách chính xác, khoa học để giải mã các vụ án là công việc của lực lượng Kỹ thuật hình sự. Dù không trực diện với tội phạm nhưng công việc thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Kỹ thuật hình sự đã và đang góp phần quan trọng vào thành tích chung trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

“Chìa khoá” mở những vụ án

Trong mỗi vụ án khác nhau, dấu vết để lại hiện trường cũng có sự khác nhau. Có nhiều vụ án dấu vết để lại hiện trường rất ít khiến công tác điều tra, phá án gặp khó khăn. Một số vụ án tưởng chừng như rơi vào bế tắc nhưng nhờ tinh thần tích cực, tỉ mỉ, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã gỡ được nút thắt của vụ án.

Lực lượng chức năng tham gia khám nghiệm hiện trường

Nhiều năm qua, Đội Khám nghiệm hiện trường thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh vẫn ngày đêm miệt mài, buộc những thứ tưởng chừng như vô tri, vô giác “lên tiếng”, nói lên sự thật của vụ án với phương châm kịp thời, chính xác, khoa học, không bỏ sót dấu vết. Năm 2014 xảy ra một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, nạn nhân N.T.P (sinh năm 1964) bị sát hại. Vụ án gây chấn động địa bàn và hoang mang trong dư luận khi nạn nhân là người đồng tính, có mối quan hệ phức tạp. Thế nhưng chỉ 3 ngày sau, kẻ tình nghi L.Q.S (17 tuổi) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt khẩn cấp để điều tra hành vi giết người. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để bắt được đối tượng S, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã phải trải qua nhiều vất vả mới có thể đưa ra kết luận giám định, giúp cơ quan điều tra phá án thành công. Điều đáng nói trong vụ án này, ngoài việc khai thác các dấu vết như máu, giày dép, lông, tóc, cán bộ, chiến sĩ Kỹ thuật hình sự còn hỗ trợ phục hồi tin nhắn, dữ liệu nhật ký đã bị xoá trên điện thoại di động của nạn nhân, từ đó xây dựng hình mẫu đối tượng nghi vấn.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tâm- Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường cho biết: “Đối với cán bộ khám nghiệm hiện trường, yếu tố nhạy bén rất quan trọng. Qua nắm thông tin ban đầu về vụ án cũng như quan sát hiện trường, cần phải có nhận định sơ bộ về vụ án, đưa ra phương pháp, biện pháp khám nghiệm phù hợp”.

Vài năm về trước, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã khám nghiệm hiện trường vụ trộm cắp tài sản tại tiệm vàng P.V thuộc ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tài sản thiệt hại là 89 lượng vàng 18K. Sau khi quan sát hiện trường, nhận định lối vào, lối ra của đối tượng để lại cùng những dấu vết, kết quả, thu thập vật chứng là các công cụ gây án như: kéo, đầu khò… cán bộ, chiến sĩ đã thu thập được 14 dấu vết đường vân tại hiện trường đủ yếu tố giám định. Ngay khi thu được dấu vết, lực lượng tập trung giám định loại trừ dấu vân tay chủ nhà, gửi hồ sơ tra cứu, từ đó xác định được đối tượng D.H, sinh năm 1996, ngụ tỉnh Sóc Trăng.

Thiếu tá Nguyễn Đắc Thành- Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh kể lại: “Qua giám định dấu vân tay, đối tượng D.H trong vụ trộm tiệm vàng P.V có nhiều đặc điểm giống với dấu vết đường vân thu tại hiện trường vụ trộm tiệm vàng K.Q 2 xảy ra ở thị xã Trảng Bàng vào tháng 7.2018, tài sản thiệt hại 200 triệu đồng và 90 cây vàng 18K. Chúng tôi kết hợp với lực lượng điều tra, sử dụng đồng thời các biện pháp nghiệp vụ, đúng như nhận định, kết quả giám định dấu vân tay của đối tượng D.H trùng khớp với dấu vân tay thu tại hiện trường vụ trộm tiệm vàng K.Q 2. Thủ phạm của hai vụ trộm vàng từng gây chấn động thời điểm đó chính là D.H”.

Công việc chỉ dành cho người đam mê

Giám định pháp y có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều tra nguyên nhân của các vụ án được sáng tỏ. Dù rất quan trọng nhưng hầu như những người làm nghề này đều làm việc thầm lặng. Theo cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự, nhọc nhằn hơn cả với giám định viên pháp y là khi giải phẫu những tử thi đã phân huỷ, bốc mùi, đôi khi phải tiếp xúc với những người chết nhiễm HIV, viêm não mô cầu… gây không ít khó khăn trong công tác giám định.

Công tác kỹ thuật hình sự góp phần định hướng cho công tác điều tra, bảo đảm hệ thống chứng cứ vững chắc để chứng minh tội phạm

Với trình độ chuyên môn nghiệp vụ là bác sĩ y khoa, giám định viên pháp y và giám định viên kỹ thuật hình sự về sinh học, có hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự (từ năm 2014 đến nay), hằng năm, Đại uý Thi Sĩ Phương đã trực tiếp nhận và thực hiện giám định hàng trăm vụ, việc các loại trên nhiều lĩnh vực như: giám định pháp y tử thi, nhóm máu, cồn… của Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh, đảm bảo nhanh chóng, khách quan, đưa ra kết luận chính xác, giúp cơ quan điều tra các cấp có đầy đủ căn cứ xác định đúng người, đúng tội, đúng hành vi của đối tượng phạm tội, phục vụ tốt các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Do đặc thù, tính chất công việc, dù nắng hay mưa, đêm hay ngày, mỗi khi có án xảy ra hoặc có yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ, Đại uý Thi Sĩ Phương lại cùng cán bộ, chiến sĩ của Phòng Kỹ thuật hình sự có mặt tại hiện trường sớm nhất để khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, phát hiện, thu thập, bảo quản các dấu vết vật chứng của vụ án, nhận định nguyên nhân tử vong, cơ chế hình thành dấu vết, giúp Cơ quan điều tra có đủ cơ sở để điều tra, truy tìm thủ phạm. Dù áp lực công việc lớn nhưng với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm đến cùng, nhiều năm qua, Đại uý Phương đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Chia sẻ về những kỷ niệm khó quên với nghề, Đại uý Thi Sĩ Phương cho biết: “Tôi đã trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, giám định pháp y tử thi vụ giết người trong chuyên án “giết người đốt xác tạo hiện trường giả” do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh trưng cầu. Dù đối tượng rất tinh vi, cố tình tiêu huỷ tử thi và các dấu vết tại hiện trường nhưng chúng tôi quyết tâm tìm ra một số dấu vết còn sót lại để nhận định dấu hiệu bất minh của vụ việc, định hướng nhanh cho công tác điều tra, góp phần truy bắt đối tượng kịp thời, đưa tội phạm ra ánh sáng”.

 Hay trong vụ giám định pháp y tử thi vụ “giết người bỏ trốn” xảy ra tại xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành, trong quá trình khám nghiệm hiện trường và tử thi, cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự nhận định hung khí là công cụ tự chế dùng điện để khống chế nạn nhân, sau đó dùng dây để siết cổ đến chết, dấu vết đối tượng để lại hiện trường được thu lượm. Khi bị bắt, do đã có tiền án giết người, tù chung thân nên đối tượng ngoan cố không khai nhận. Tuy nhiên với những chứng cứ vật chứng tìm được, cuối cùng sau nhiều ngày đấu tranh, thủ phạm đã nhận tội.

Nhiều năm gắn bó với nghề, Đại uý Thi Sĩ Phương đã tích luỹ được kinh nghiệm dày dặn với vai trò của một giám định viên. Anh nói: “Công việc giám định trong thực tế gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các vụ án đều có nhiều tình tiết phức tạp, đối tượng luôn muốn che giấu hành vi phạm tội của mình. Quá trình giám định không chỉ vận dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ còn phải kết hợp giữa kiến thức khoa học chuyên ngành với tư duy nhạy bén cùng kinh nghiệm thực tiễn để nhận định đánh giá dấu vết, đối tượng, hung khí, tang vật, giúp Cơ quan điều tra truy tìm theo dấu vết nóng và nhận định chuẩn xác đối tượng”.

Đại tá Hồ Văn Bắc- Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự cho biết, thời gian qua, lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an Tây Ninh luôn nỗ lực làm tốt công tác tham mưu và tổ chức triển khai tốt nhiệm vụ, các mặt công tác khám nghiệm hiện trường, giám định kỹ thuật hình sự, giám định pháp y và kỹ thuật phòng, chống tội phạm. Các vụ việc đều được tiếp nhận giải quyết đúng quy định, góp phần định hướng điều tra, đưa ra kết luận chính xác nhằm củng cố chứng cứ, giải quyết kịp thời các vụ án. Mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác kỹ thuật hình sự luôn trăn trở với công việc, tháo gỡ, giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc, chủ động trong nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả công tác giám định, khám nghiệm hiện trường.

Đơn vị quan tâm củng cố lực lượng, trang thiết bị hiện có, phục vụ kịp thời công tác chuyên môn; không ngừng sáng tạo, cải tiến cách thức làm việc, phát huy, tận dụng năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ hiện có, làm tốt công tác đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ. Phòng chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật hình sự tại đơn vị và chính quy hoá đội ngũ cán bộ kỹ thuật hình sự cấp huyện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Kỹ thuật hình sự là một nghề gian nan, vất vả nhưng ít người hiểu và thông cảm. Nếu không có bản lĩnh, yêu ngành, yêu nghề thì khó có thể trụ được. Tuy nhiên, đối với lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an Tây Ninh, họ vẫn thầm lặng cống hiến, tâm huyết với công việc, lập nên những chiến công, phá những vụ án quan trọng, góp phần vào sự bình yên của nhân dân, an toàn cho xã hội.

Phương Thảo - Hà Thuỷ

Tin cùng chuyên mục