Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện ông Phó Giám đốc bị buộc thôi việc !
Kỳ 4: “Tuyệt chiêu” ra tay trước của anh em nhà họ Đặng.
Thứ sáu: 18:26 ngày 20/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Quá trình tìm hiểu về hoạt động của Công ty Việt Dương, nhất là các hoạt động hợp tác kinh doanh liên quan đến dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng, chúng tôi phát hiện nhiều thủ đoạn gian dối hết sức tinh vi cũng như những việc làm khuất tất của anh em nhà họ Đặng, mà Đặng Thanh Việt giữ vai trò đạo diễn chính, có lẽ sẽ khó có thể né tránh trước sự truy vấn, tố cáo liên tục của bà Đỗ Thị Xuân Hồng đến các cơ quan chức năng.

Chữ ký bà Hồng bị giả tại Biên bản họp hội đồng thành viên và giấy giới thiệu chuyên viên Tiến đi làm thủ tục hồ sơ cho Công ty Việt Dương.

Năng lực tài chính yếu vẫn xin dự án

Như các số báo trước Báo Tây Ninh đã thông tin, ngay từ những ngày đầu chưa xin được dự án cũng như khi dự án được phép triển khai thực hiện, sát cánh bên cạnh ông Việt luôn có hai nhân viên của Công ty Việt Dương (và trước sau cũng chỉ có hai nhân viên này mà thôi), đó là ông Ngô Tấn Đức và ông Dương Văn Hiền. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đức, ông Hiền rất uất ức trước việc làm của ông Việt. Ông Việt không chỉ làm cho bà Hồng điêu đứng, chạy ngược, chạy xuôi nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp, và hiện đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan” mà còn làm cho ông Đức, ông Hiền khổ sở đủ điều khi tin vào chiếc “bánh vẽ” của ông Việt để ra sức phục vụ “gần như không ăn lương”, với ước mơ một ngày nào đó dự án thành công, hai ông cũng sẽ là người “có công ăn việc làm” khi được ông Việt giao đất làm vườn ươm hay trồng cây xen canh để có thu nhập hơn.

Trên lý thuyết, do đang là viên chức Nhà nước, ông Đặng Thanh Việt không được phép tham gia thực hiện dự án, nhưng thực tế, chính ông Việt mới là người điều hành “giấu mặt” đằng sau Công ty Việt Dương, và còn một nguyên do tế nhị nữa là ông công tác trong ngành quản lý đất đai, nắm chắc tình hình quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh, am hiểu và nắm rõ “đường đi nước bước” để tiếp cận các dự án đang và sẽ được triển khai. Tìm hiểu về đề tài này, chúng tôi phải thừa nhận một điều là, tuy “giấu mặt” nhưng ông Việt đã giúp Công ty Việt Dương cùng với địa phương thực hiện dự án đúng chủ trương của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Tây Ninh đề ra. Nếu không vì “lý do nào đó” làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người cùng hợp tác thực hiện dự án là bà Đỗ Thị Xuân Hồng, thì việc làm “năng nổ” của ông Việt phần nào có thể hiểu và thông cảm được. Đằng này, ngay từ khi nắm được thông tin về dự án và khi được Bộ NN&PTNT tin tưởng giao dự án cho Công ty Việt Dương, ông Việt đã có những ý định và việc làm không trong sáng, với nhiều khuất tất.

Thực chất Công ty Việt Dương có năng lực tài chính như thế nào và đã có những hoạt động sản xuất kinh doanh gì trước khi xin được dự án, trước khi hợp tác với doanh nghiệp của bà Hồng? Theo tài liệu Báo Tây Ninh thu thập được, năm 2008, Công ty TNHH MTV Việt Dương được thành lập lần đầu, do ông Đặng Văn Sương đứng tên pháp nhân với chức danh chủ tịch kiêm giám đốc công ty với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là vận tải hàng hoá đường bộ, san lấp mặt bằng, khai quang, cầu đường và trồng rừng với số vốn điều lệ là… 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, suốt một thời gian dài từ năm 2008 đến năm 2015, theo Chi cục Thuế huyện Châu Thành, Công ty Việt Dương không hề phát sinh một khoản doanh thu nào nên hoàn toàn không phải đóng thuế, chỉ có đóng môn bài hằng năm. Như thế, sau khi ông Việt (trá hình bằng cái tên Tuấn), đã “phỉnh phờ” nhờ cậy và… quỵt tiền công ông Tĩnh, bà Toàn “làm thủ tục” xin được dự án, không hiểu Công ty Việt Dương sẽ triển khai dự án đòi hỏi phải có số vốn lên tới trên 100 tỷ đồng này như thế nào (?).

Ngày 11.11.2013, khi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn ký Văn bản số 4019/BNN-TCLN gửi Công ty Dầu Tiếng – Phước Hoà nêu rõ: “Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương tiếp tục hợp tác với Công ty Việt Dương triển khai dự án trồng rừng bán ngập, trồng cây đa mục đích để bảo vệ môi trường lưu vực hồ chưa nước”. Thời điểm này, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 10, Công ty Việt Dương do Đặng Thanh Tùng làm giám đốc, có số vốn điều lệ là 30 tỷ đồng, trong khi đó, dự án cần đến hàng trăm tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, tên công ty và liên tục thay đổi giám đốc, Công ty Việt Dương không có phát sinh bất cứ doanh thu nào cả, lại có được số vốn điều lệ tăng gấp 60 lần (500 triệu đồng/30 tỷ đồng)?

Tuy nhiên, với số vốn “trên lý thuyết” là 30 tỷ đồng, so với nhu cầu vốn của dự án trồng rừng bán ngập vẫn không thể thực hiện được, nên không ai khác, chính ông Việt đã phải chủ động đi tìm đối tác với ý định giao dự án hoặc hợp tác kinh doanh. Trong một lá đơn gửi cơ quan chức năng gần đây nhất, bà Hồng trình bày, vào đầu tháng 10.2014, ông Việt xưng là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Tây Ninh (chứ không phải là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất) gặp bà Hồng “chào bán” dự án trồng rừng. Bà Hồng trả lời thẳng là “không mua dự án” nhưng có thể hợp tác trồng rừng vì bà có nhu cầu lâu dài và ổn định về nguyên liệu gỗ tràm và keo lai để làm viên gỗ nén xuất khẩu. Để lấy lòng tin, ông Việt cam kết, bà Hồng góp vốn với tỷ lệ 70% (tương đương 70 tỷ đồng), ông Việt sẽ làm thủ tục thay đổi giấy đăng ký kinh doanh ghi rõ bà Hồng góp vốn 70%, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm giám đốc. Tuy nhiên, sau khi bà Hồng đồng ý góp vốn, ông Việt đã dùng chiêu “tránh mặt” trên giấy tờ bằng cách giao cho người có tư cách pháp nhân của Công ty Việt Dương là ông Đặng Thanh Tùng ký kết hợp đồng góp vốn với bà Hồng.

Nhận tiền xong, tìm cách “cắt chân tay” đối tác

Để thực hiện những gì đã hứa với bà Hồng, ông Việt nhanh chóng tiến hành làm các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp từ một thành viên lên hai thành viên. Chính ông Việt là người trực tiếp mang hồ sơ đến Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) để làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh. Trong quá trình tìm hiểu những giấy tờ thủ tục đăng ký doanh nghiệp của Công ty Việt Dương, chúng tôi phát hiện có rất nhiều khuất tất, không rõ ràng như tên kế toán trưởng là Đặng Thanh Tuấn (trùng với tên Tuấn khi ông Việt xưng tên để giao dịch với ông Tĩnh, bà Toàn). Rồi trong một lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp khác, tên kế toán trưởng lại là Phạm Mạnh Tiến, một chuyên viên của Trung tâm PTQĐ, nhân viên thuộc quyền của viên chức Đặng Thanh Việt. Thậm chí, trong giấy giới thiệu số 12/GGT-VD của Công ty Việt Dương còn giới thiệu ông Phạm Mạnh Tiến đến Sở KH&ĐT, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an Tây Ninh làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp và đăng ký con dấu Công ty Việt Dương (!?).

Sau khi anh em nhà họ Đặng “ra giấy chứng nhận” Công ty Việt Dương hai thành viên trở lên, trong đó bà Hồng góp vốn 70%, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty, bà Đỗ Thị Xuân Hồng đã nhanh chóng chuyển cho ông Đặng Thanh Tùng cả chục tỷ đồng góp vốn. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bất ngờ bà Hồng phát hiện được “cái công ty do mình làm chủ tịch” đã có 2 lần thay đổi đăng ký kinh doanh nữa! Thế là bà Hồng trở thành thành viên góp vốn 30%, và tất nhiên bà bị mất luôn chức chủ tịch hội đồng thành viên. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tất cả những hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Việt Dương lần thứ 12, thứ 13 đều bị làm giả. Cụ thể, hồ sơ thay đổi đăng ký lần thứ 12 thể hiện bà Hồng và ông Tùng ký hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn vào ngày 29.12.2014 với nội dung “bà Hồng bán 40% tỷ lệ góp vốn (tương đương 40 tỷ đồng) cho ông Tùng”. Hồ sơ thể hiện có biên bản họp thành viên hội đồng, trong đó nêu ý kiến người đồng ý bán là bà Hồng, người mua là ông Tùng nhưng cuối biên bản, ký tên người chủ trì họp là bà Hồng, còn người thư ký ghi biên bản lại là ông Tùng (chỉ có 2 thành viên “tự xử” với nhau). Mặc dù vốn góp chỉ còn 30% trong lần thay đổi thứ 12 này nhưng bà Hồng vẫn còn được “chiếu cố” cho giữ chức giám đốc công ty, là người đại diện theo pháp luật.

Đến lần thứ 13, trong hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh do “viên chức Nhà nước” Phạm Mạnh Tiến mang đến Sở KH&ĐT ngày 28.7.2015 lại có đến hai người là đại diện pháp luật cho công ty. Đại diện thứ nhất là ông Tùng, đại diện thứ hai là bà Hồng. Biên bản họp hội đồng thành viên lần này “khách quan hơn”, có thêm ông Dương Văn Hiền làm thư ký. Tại biên bản này, bà Hồng chỉ còn là giám đốc kinh doanh, còn ông Tùng lúc này là giám đốc điều hành, tên công ty được thay đổi từ Công ty TNHH Việt Dương TN thành Công ty TNHH Việt Dương Tây Ninh. Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, bà Hồng và ông Hiền đều khẳng định các chữ ký trong hồ sơ hai lần thay đổi trên đều là giả mạo tên bà Hồng và ông Hiền.

Về hành vi giả chữ ký để làm thủ tục 2 lần thay đổi đăng ký kinh doanh của Công Việt Dương, ngày 23.9.2016, Đại tá Nguyễn Tri Phương- Giám đốc Công an Tây Ninh đã ký Công văn số 766/CAT-CSKT gửi Giám đốc Sở KH&ĐT nêu rõ: “Công an Tây Ninh đang thụ lý đơn bà Đỗ Thị Xuân Hồng tố cáo ông Đặng Thanh Việt (SN 1981, Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ) cùng anh ruột là Đặng Thanh Tùng (SN 1977, ngụ ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, Châu Thành)- Giám đốc Công ty Việt Dương về hành vi giả mạo chữ ký, làm giả hồ sơ để chuyển đổi giấy CNĐKKD lần thứ 12 và 13; thay đổi tỷ lệ góp vốn, địa vị pháp lý, chiếm giữ con dấu và hồ sơ pháp lý của Công ty Việt Dương, chiếm đoạt số tiền 10,580 tỷ đồng mà bà Hồng đã góp vốn vào công ty để thực hiện dự án trồng rừng bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng do Công ty Dầu Tiếng – Phước Hoà là đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý 202.604.764,7m2 để phối hợp với Công ty Việt Dương Tây Ninh thực hiện. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện ông Đặng Thanh Tùng đã gửi hồ sơ giả mạo chữ ký của bà Hồng– Chủ tịch kiêm Giám đốc và chữ ký của ông Hiền trên các thủ tục đề nghị Sở KH&ĐT cấp giấy CNĐKKD lần thứ 12, 13. Công an Tây Ninh thông báo đến Giám đốc Sở KH&ĐT xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”. Căn cứ vào Công văn này, Sở KH&ĐT đã thực hiện các thủ tục huỷ giấy chứng nhận ĐKKD lần thứ 12 và 13 của Công ty Việt Dương.

Khi phát hiện sự giả mạo hồ sơ trên, bà Hồng làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của anh em nhà họ Đặng, đồng thời làm thủ tục phục hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (lần thứ 11), trong đó bà Hồng góp vốn với tỷ lệ 70%, là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc, và đã được Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho Công ty Việt Dương lần thứ 14. Song song đó, bà Hồng cũng có văn bản yêu cầu ông Tùng cung cấp chứng từ chi phí số tiền bà góp vốn đã chuyển vào tài khoản ông Tùng, nhưng không nhận được hồi âm. Thế mà, lại một lần nữa bà Hồng bất ngờ khi nhận được thông tin ông Đặng Thanh Tùng đang đứng tên khởi kiện yêu cầu toà án huỷ hợp đồng góp vốn ngày 10.6.2014 giữa ông và bà Hồng.

Phải chăng khi sự việc đổ bể, ông Tùng không giải trình được số tiền hơn 10 tỷ đồng mà bà Hồng đã góp vốn vào công ty đã “đi về đâu”; trong khi đó, bà Hồng đang có đơn tố cáo Đặng Thanh Việt, Đặng Thanh Tùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì giải pháp “ra toà” xử dân sự huỷ hợp đồng góp vốn là giải pháp tuyệt vời né tránh sự tố cáo về “hình sự” của bà Hồng? Có lẽ đây là giải pháp “tiên hạ thủ vi cường”, “tuyệt chiêu” ra tay trước mà anh em nhà họ Đặng đang tính đến hay vẫn còn uẩn khúc nào khác?

ĐỨC TIẾN

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục