Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đầu tư tiền ảo, coi chừng “mất cả chì lẫn chài”
Kỳ cuối: Cảnh giác với “Crowd1”
Thứ hai: 00:03 ngày 19/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm người quảng cáo, mời chào tham gia Crowd1 bằng cách mua cổ phiếu nội bộ với mức lợi nhuận hấp dẫn theo mô hình đa cấp.

Mô hình chi trả hoa hồng theo hình thức đa cấp của Crowd1.

"Quay cuồng" vì đa cấp thời 4.0

Vừa qua, nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam đưa ra cảnh báo về mô hình đa cấp Crowd1. Theo đó, Crowd1 bị đưa vào diện cảnh báo vì lôi kéo nhà đầu tư mua cổ phiếu ảo của các công ty game online và casino.

Crowd1 được giới thiệu là hình thức kinh doanh thu nhập cao, sân chơi khởi nghiệp cho giới trẻ, chia sẻ 80% doanh thu cho người tham gia. Crowd1 cho phép người tham gia sử dụng các thiết bị điện tử kết nối Internet để mua cổ phiếu ảo của Affilgo và Miggster (là công ty con của “Crowd1”, hoạt động game online và casino), được hứa hẹn sở hữu lượng cổ phiếu giá trị lớn khi các công ty này lên sàn giao dịch chứng khoán và nhận “hoa hồng”.

Cụ thể, người chơi cần bỏ một số tiền để mua cổ phiếu ảo, sau đó chụp hình cầm thẻ chứng minh nhân dân để theo dõi cổ phiếu trên website của Crowd1. Tuy nhiên, nếu muốn lấy lại số tiền mua cổ phiếu ban đầu, người chơi phải mời thêm 4 người khác cùng tham gia.

Nộp tiền thì dễ, tiền và cổ phiếu ở trang web tăng lên “vù vù” qua mỗi ngày, nhưng người chơi lại không thể rút tiền, vì cổ phiếu chưa lên sàn.

Chị T, ngụ thị xã Trảng Bàng, cho biết, chị có khoảng 10.000 cổ phiếu Crowd1 với số tiền tương đương 700 triệu đồng. Tuy nhiên, chị T lại không thể rút vốn và hoa hồng, bởi cổ phiếu đang bất động, không bán được vì chưa lên sàn. Chị T cảnh báo không nên đầu tư vào Crowd1, vì nếu đầu tư vào Crowd1 mà không xây được hệ thống (giới thiệu, bán cho người khác- PV)  thì sẽ không có hoa hồng và rút tiền cũng không hề dễ dàng.

Phan Ðức Thuần, một người tự nhận là chuyên gia trong lĩnh vực kiếm tiền online đa kênh, nói: Ngoài Crowd1, anh còn quảng cáo nhiều kênh đầu tư ảo như Deffect, Solana... và hầu hết những người tham gia vào nhóm của anh ta khi đầu tư đều có lời; có người đầu tư vào Crowd1 trong giai đoạn đầu đã đạt được mức lợi nhuận hấp dẫn lên tới 450%. Hoa hồng được trả theo hình thức nhị phân, nghĩa là nhà đầu tư sẽ nhận được tỷ lệ hoa hồng tương ứng theo số người tham gia nhóm và xây dựng nhánh riêng.

Bản chất của hình thức kinh doanh này là huy động và sử dụng tiền của người sau chi trả cho người trước, tiềm ẩn rủi ro cao về mặt giá trị và pháp lý, do vốn của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ qua tài khoản điện tử hiển thị trên giao diện các trang đăng ký.

Người dân cần cảnh giác

Mặc dù việc đầu tư “tiền ảo” biến tướng đa cấp không phải lần đầu xuất hiện hay quá xa lạ với nhà đầu tư, nhưng những lời mời gọi siêu lợi nhuận cùng cam kết như "rót mật vào tai" khiến nhà đầu tư bất chấp “rót vốn” dù cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo.

Tháng 6.2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) liệt kê địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io… hoạt động có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép.

Tháng 7.2020, Bộ Công an ra khuyến cáo cảnh giác khi đầu tư vào hệ thống Winsbank do hệ thống này có dấu hiệu sử dụng tiền ảo làm phương tiện huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp.

Tuy nhiên, do lợi nhuận hấp dẫn nên nhiều người vẫn tham gia. Cụ thể, Crowd1 tuyên bố chi trả tới 80% doanh thu cho người phát triển hệ thống, chỉ dành 20% cho những chi phí khác. Anh Hồ Long Ẩn, chuyên gia kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, điều này hoàn toàn bất khả thi.

Bởi lẽ, nếu có hoạt động kinh doanh thực tế thì sẽ phát sinh rất nhiều chi phí khác như nhân sự, vận hành, hệ thống, thuê văn phòng, pháp lý… nên không thể dùng 80% doanh thu để chi trả cho người phát triển hệ thống. Do đó, có thể khẳng định, Crowd1 không có hoạt động kinh doanh nào trên thực tế, mà chỉ tập trung mở rộng mạng lưới để thu hút tiền từ các thành viên mới.

Trong quá trình tìm hiểu, một số nhà đầu tư chúng tôi tiếp cận cho rằng, Việt Nam chưa cấp phép nhưng không cấm nên tiền của họ thì họ chịu trách nhiệm, mất hay được chỉ ảnh hưởng đến cá nhân. Thậm chí, một số nhà đầu tư không ngần ngại khi cho rằng Crowd1 thay đổi thế giới trực tuyến, người nghèo thoát khỏi cái nghèo.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh nhiều lần khẳng định, những dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phát sinh thì phải do những tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh.

Theo Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh số 06/2013/PLUBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối: “Ðối tượng được hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối gồm các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các tổ chức khác được phép hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối”.  Do đó, có thể khẳng định những sàn giao dịch như Forex, Wefinex, Crowd1... hoạt động bất hợp pháp, pháp luật không bảo vệ cho những rủi ro đó.

Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo cũng như tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Vũ Nguyệt

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) mới đây có cảnh báo về hệ thống Winsbank. Theo Bộ Công an, Winsbank hoạt động đầu tư casino, cá độ, xổ số; cho vay thế chấp tài sản số; tiền ảo (Win), phát hành cổ phiếu số Eshare (ESR)…

Hệ thống Winsbank do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam.  Bản chất Winbank không hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.

Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền huy động được. Hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo và tiền mã hoá nào, nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo.

 

 

Tin cùng chuyên mục