Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chung tay bảo vệ động vật hoang dã
Kỳ cuối: Hành động ngay hôm nay
Thứ bảy: 08:32 ngày 13/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để kéo giảm tình trạng động vật hoang dã bị săn bắt, mua bán, ngoài việc xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, các ngành chức năng đã và đang tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và cứu hộ động vật hoang dã.

“Nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” 

Bảo vệ thằn lằn núi

Hiện nay trên địa bàn Tây Ninh có trên 551 loài động vật hoang dã sinh sống trong môi trường tự nhiên; trong đó, có các loài động vật hoang dã quý hiếm như: rắn hổ mang chúa; cu li lớn (linh trưởng); cu li nhỏ; nai; mèo ri; mèo rừng; tê tê java; voọc chà vá; voọc bạc, các loài khỉ, các loài chim… Đặc biệt là thằn lằn núi Bà Đen với nhiều loài quý hiếm, được các nhà khoa học quan tâm.

Cụ thể, trong năm 2022, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có chuyến nghiên cứu nhằm thực hiện chương trình thu thập số liệu phục vụ xây dựng đề xuất đưa một số loài bò sát và ếch nhái vào Sách đỏ Việt Nam và Phụ lục CITIES ở Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Đoàn công tác tập trung thu thập đặc điểm sinh thái học và hiện trạng quần thể của loài thằn lằn chân ngón mắt đen (Cyrtodactylus nigriocularis); đánh giá sự đa dạng của các loài lưỡng cư và bò sát tại khu vực nghiên cứu; thu thập các số liệu khoa học và sinh học, sinh thái các loài lưỡng cư và bò sát trong tự nhiên như số lượng, phân bố, tập tính, mùa vụ sinh sản, sinh cảnh sống, phân bố theo độ cao, các hoạt động theo mùa…

Nhóm nghiên cứu ghi nhận có 16 loài gồm 8 loài bò sát (3 họ, 1 bộ) và 8 loài ếch nhái (4 họ, 1 bộ). Riêng loài thằn lằn chân ngón mắt đen (Cyrtodactylus nigriocularis), qua khảo sát 5 tuyến phát hiện được 34 cá thể đực và 87 cá thể cái trưởng thành hoặc sắp trưởng thành, 39 cá thể con non và 13 cá thể không xác định được giới tính. 

Anh Nguyễn Tấn Thành chăm sóc một con mèo rừng được người dân giao nộp trước khi thả về tự nhiên.

Theo Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, ở khu vực núi Bà ghi nhận có 5 loài thằn lằn đang sinh sống. Trong các loài trên có 4/5 loài là đặc hữu của Việt Nam, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá đang trong tình trạng bị đe doạ, đối mặt với nguy cơ rất cao bị tuyệt chủng trong tự nhiên, đặc biệt có 2 loài đặc hữu của tỉnh Tây Ninh (chỉ sinh sống tại khu vực núi Bà Đen) là loài thạch sùng ngón mắt đen (Cyrtodactylus nigriocularis) được đánh giá đang trong tình trạng “Cực kỳ nguy cấp – CR” và thạch sùng ngón bà đen (Cyrtodactylus badenensis) thuộc phân cấp “Sắp nguy cấp – VU”. 

Trước nguy cơ các loài thằn lằn này bị tuyệt chủng do người dân trên địa bàn lén lút săn, bẫy, bắt, vừa qua, Ban Quản lý Khu du lịch núi Bà Đen đã có bảng tuyên truyền với nội dung kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của khu rừng.

Bằng những việc làm khác nhau, như tẩy chay các sản phẩm chế biến từ thằn lằn nói riêng và các loài động vật rừng nói chung, bảo vệ rừng trên núi, phòng chống cháy rừng và bỏ rác đúng nơi quy định, mỗi người đang góp phần vào bảo vệ động vật hoang dã và cũng là bảo vệ đa dạng sinh học cho môi trường sống của con người.

Những đội cứu hộ động vật hoang dã  

Thời gian qua, để người dân hiểu và chung tay bảo vệ động vật hoang dã, các sở, ngành, chính quyền các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không săn bắt, bẫy, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã; phóng sinh các loài động vật hoang dã, ngoại lai xâm hại. Sau khi được tuyên truyền, vận động, rất nhiều gia đình, người dân đã mang động vật hoang dã đến cơ quan chức năng giao nộp.  

Ngày 9.6, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu tiếp nhận từ hộ ông Lê Quang Phước (xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu) 1 cá thể động vật hoang dã, được xác định là trăn gấm (Python reticulatus), thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB được quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22.1.2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Công tác chăm sóc và bảo vệ động vật hoang dã tại khu nuôi giữ động vật hoang dã của Phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát).

Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu đã chăm sóc, nuôi dưỡng và phối hợp với cơ quan Thú y huyện Tân Châu tiến hành xác định cá thể trăn gấm có trọng lượng 8 kg, tình trạng sức khoẻ tốt, không mang bệnh truyền nhiễm. Sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh phối hợp với Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát thả trăn gấm về rừng tự nhiên, nhằm bảo đảm điều kiện môi trường sống phù hợp theo phương án xử lý đối với động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

“Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc giao nộp các cá thể động vật hoang dã, góp phần tăng giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã có nguy cơ bị đe doạ, tuyệt chủng”- ông Âu Phước Quý- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu cho biết.

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, từ năm 2019 đến nay, ngành chức năng đã cứu hộ thả về môi trường tự nhiên 1.254 cá thể động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp, gồm các loài khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, rùa đất lớn, rùa núi vàng, kỳ đà vân, kỳ đà hoa, trăn đất, trăn gấm, mèo rừng, tê tê, các loài chim… Để bảo đảm các động vật hoang dã được khoẻ mạnh trước khi trả về môi trường tự nhiên, các Kiểm lâm viên kiêm luôn công tác “bảo mẫu”, “bác sĩ thú y” chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. 

Theo anh Nguyễn Tấn Thành- Kiểm lâm viên, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), hầu hết động vật hoang dã tiếp nhận do người dân giao nộp hoặc ngành chức năng tịch thu giao về cơ quan sẽ được các anh phụ trách cả việc ăn uống, chăm sóc sức khoẻ cho chúng, bảo đảm khi trả về tự nhiên chúng có thể sống và sinh tồn. 

“Đa số động vật hoang dã được người dân nuôi nhốt hoặc bắt giữ làm chúng bị thương, rất hung hăng, khó tiếp cận để nuôi dưỡng, chăm sóc. Sau một thời gian, chúng mới bắt đầu thích nghi. Trong quá trình nuôi nhốt, các tập tính của mỗi loài khác nhau, có những con có nguồn thức ăn dễ tìm, nhưng có những loại thức ăn hiếm. Chúng cũng có thể bị bệnh. Chúng tôi chưa được đào tạo kiến thức này, chủ yếu là tìm hiểu trên mạng về tập tính của chúng rồi chăm sóc, nuôi dưỡng. Mọi việc rất khó khăn, nhưng chúng tôi đều cố gắng tìm hiểu để làm thật tốt, và hầu hết động vật hoang dã sau thời gian nuôi dưỡng đều khoẻ mạnh để được hoà nhập với môi trường tự nhiên”- anh Thành nói. 

Sau khi động vật hoang dã có đủ sức khoẻ, các Kiểm lâm viên sẽ lập hồ sơ để làm phương án xử lý động vật hoang dã thích hợp từng môi trường rừng. 

“Mong những người dân có nuôi nhốt động vật hoang dã hãy có tinh thần tự giác giao nộp để sớm đưa chúng trở về môi trường tự nhiên, nơi chúng có thể sống thoải mái. Đó cũng là chấp hành theo quy định của pháp luật”- anh Nguyễn Tấn Thành nhắn nhủ. 

Những năm qua, Việt Nam được xác định là điểm đến, thị trường cung cấp và địa bàn trung chuyển của nạn buôn bán các loài động vật hoang dã trái pháp luật. 

Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được triển khai trên phạm vi toàn quốc, giúp Việt Nam giải quyết tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Dự án hỗ trợ bảo vệ các loài có nguy cơ bị buôn bán trái pháp luật vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và voi châu Á, tê tê cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt trộm, buôn bán trong nước và quốc tế như các loài linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn. 

Không gì có thể bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả bằng chính ý thức và hành động của mỗi chúng ta.

Khải Tường – Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục