Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ða dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Kỳ cuối: Nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho thanh niên
Thứ bảy: 00:03 ngày 23/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hình thức tuyên truyền pháp luật cho thanh niên đã và đang phát huy hiệu quả

Đoàn trường THPT Hoàng Văn Thụ tổ chức hội thi rung chuông vàng, lồng ghép ô chữ pháp luật cho các em học sinh

Để trang bị kỹ năng tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng thông tin, kiến thức pháp luật cho thanh niên, tạo thói quen tìm hiểu, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của thanh niên, các ban, ngành, đoàn thể đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả thiết thực.

Đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong trường học

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hằng năm, đơn vị chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), lồng ghép vào các môn học; tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL cho đại diện lãnh đạo nhà trường và giáo viên. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành tổ chức các buổi tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Thông qua tuyên truyền, các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.

Hình thức tuyên truyền, PBGDPL được các đơn vị trường học tổ chức lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khoá, giáo dục ngoài giờ lên lớp, thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hoá với các tiểu phẩm, trò chơi. Phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung PBGDPL vào hoạt động văn hoá, văn nghệ…

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý được quan tâm triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền ở hầu hết các đơn vị, trường học. Sở GD&ĐT chỉ đạo các các trường học tổ chức thi báo tường về đề tài phòng, chống ma tuý; biểu diễn văn nghệ với chủ đề phòng, chống tệ nạn ma tuý trong các ngày lễ lớn; lồng ghép hoạt động với các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Tiếp tục thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống ma tuý vào các môn học, giờ học ngoại khoá phù hợp (tại các môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý ở cấp tiểu học được 136 tiết, tại các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS được 182 tiết, tại các môn Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân ở cấp trung học phổ thông được 86 tiết).

Duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống ma tuý trong nhà trường (trường THCS 101 mô hình, trường THPT 28 mô hình, trường CĐSP 1 mô hình). Tiếp tục duy trì mô hình “Trường học không có ma tuý”, trong đó, chú trọng kiện toàn việc xây dựng quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên để kịp thời xử lý khi có vụ việc xảy ra liên quan đến ma tuý. Các đơn vị, trường học phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma tuý theo từng năm học, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống ma tuý nói riêng. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo còn chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên tỉnh thực hiện nội dung “Tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên”, trong đó có mục tiêu làm giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật, tệ nạn ma tuý trong học sinh, sinh viên theo từng năm học.

Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) là một trong những đơn vị tích cực triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thời gian qua. Cô Nguyễn Thị Liên- Bí thư Đoàn trường cho biết, công tác tuyên truyền pháp luật được nhà trường tổ chức thường xuyên, nhất là mỗi tuần một câu chuyện hoặc một tình huống pháp luật. Theo đó, vào buổi chào cờ hằng tuần, giáo viên sẽ đưa ra một câu chuyện hoặc một tình huống pháp luật để hỏi các em học sinh về cách xử lý tình huống sao cho đúng pháp luật. Trong quá trình trao đổi, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân sẽ giải đáp, định hướng nội dung, cung cấp kiến thức đúng về mặt pháp luật cho các em. Đoàn trường chủ yếu tập trung xây dựng câu hỏi tập trung vào các nội dung về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống ma tuý, bạo lực học đường... Ở mỗi học kỳ, Đoàn trường tổ chức hội thi rung chuông vàng, lồng ghép thêm ô chữ pháp luật về những kiến thức mà các em đã được tuyên truyền ở buổi chào cờ. Trong năm học 2022-2023, đơn vị đã tổ chức được 3 cuộc thi rung chuông vàng.

“Em rất ấn tượng với các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật theo hình thức sân khấu hoá. Vừa gần gũi, sinh động vừa dễ hiểu, giúp chúng em hiểu rõ hơn các quy định pháp luật và tự giác thực hiện tốt trong cuộc sống hằng ngày”- em Quỳnh Như, học sinh lớp 10 chia sẻ.

Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt chi đoàn hằng tháng, tuỳ theo chủ điểm tháng, Chi đoàn các lớp xây dựng hoạt động tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên như tổ chức thi hái hoa dân chủ, trò chơi ô chữ, diễn tiểu phẩm… Nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông, không tàng trữ, sử dụng, mua bán các chất cháy nổ cho hơn 1.800 học sinh. Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành các quy định của nhà trường, chấp hành pháp luật của học sinh đã có những tiến bộ rõ rệt. Nhà trường còn phát động các em học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các cấp tổ chức; trong đó phải kể đến cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” do Ban ATGT quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, qua đó học sinh, giáo viên của trường tham gia đạt nhiều giải thưởng.

“Dự kiến, trong thời gian tới, Đoàn trường phối hợp với Huyện đoàn Châu Thành tổ chức phiên toà giả định để thực hiện tuyên truyền pháp luật cho các em học sinh. Phiên toà giả định sẽ giúp các bạn đoàn viên, học sinh hiểu rõ hơn những quy định, tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như hiểu rõ hơn về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng”- cô Nguyễn Thị Liên, Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Văn Thụ nói.

Ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền

Việc thay đổi phương thức tuyên truyền cho đối tượng tiếp cận là điều cần thiết. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nhằm đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, góp phần thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, tiếp cận thông tin về pháp luật, nâng cao hiểu biết, nhận thức của thanh thiếu nhi, đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống một cách gần gũi hơn.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng 21 bộ ấn phẩm được thiết kế đồ hoạ sinh động tuyên truyền các văn bản luật như: An ninh mạng, Luật Thanh niên, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống ma tuý… đăng tải trên Fanpage Tỉnh đoàn thu hút trên 21.000 lượt theo dõi thường xuyên.

Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng Bản tin thanh niên với pháp luật phát sóng thường kỳ mỗi tháng 2 số trên fanpage và kênh YouTube của Tỉnh đoàn. Đến nay đã phát được 22 số, thu hút tổng lượt tiếp cận là 55.457 tài khoản, 16.357 lượt xem, 953 lượt bình luận và 696 lượt chia sẻ. Định kỳ hằng tháng sẽ biên tập thông tin văn bản pháp luật mới, kết quả các kỳ họp Quốc hội trong tài liệu sinh hoạt chi đoàn online định kỳ đăng tải trên trang thông tin điện tử Tỉnh đoàn để phục vụ cán bộ Đoàn các cấp và đoàn viên các địa phương, đơn vị.

Theo Tỉnh đoàn, đơn vị cũng tổ chức và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức hơn 102 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến thông qua các ứng dụng; tổ chức hỏi đáp pháp luật trên fanpage; thi trúc xanh đố vui pháp luật với giải thưởng hấp dẫn, dễ tham gia… các hoạt động được đoàn viên, thanh niên yêu thích, tham gia đông đảo. Điển hình như Huyện đoàn Tân Biên xây dựng và triển khai chuyên mục Bản tin 19h: Hỏi đáp pháp luật liên quan đến phòng, chống Covid-19 và phòng, chống ma tuý, thu hút sự tương tác của hơn 3.900 lượt đoàn viên, thanh niên. Thành đoàn Tây Ninh phát trực tiếp qua Fanpage các hoạt động tuyên truyền pháp luật; Huyện đoàn Bến Cầu thi tìm hiểu pháp luật qua My Aloha.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hình thức tuyên truyền pháp luật cho thanh niên đã và đang phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong quá trình tiếp cận thông tin pháp luật. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu nhi, phát huy những hiệu quả đạt được, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi. Chủ động nắm bắt thay đổi của truyền thông để linh hoạt, thích ứng trong thay đổi phương thức PBGDPL phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thanh thiếu nhi.

Việc đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, PBGDPL của các đơn vị đã góp phần tích cực chuyển tải các quy định của pháp luật đến đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi, từ đó nâng cao kiến thức và ý thức, góp phần xây dựng thế hệ trẻ sống không vi phạm pháp luật, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Thiên Di - Phương Thảo

 

 

Tin cùng chuyên mục