Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tình người khu phong toả
Kỳ cuối: trở lại cuộc sống “bình thường mới”
Thứ sáu: 00:34 ngày 24/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gỡ phong toả, đồng nghĩa với việc trở lại đời sống bình thường. Tuy nhiên, sau tín hiệu tích cực này, người dân xóm tôi vẫn vô cùng cẩn trọng, luôn mang khẩu trang, đứng cách xa nhau và chỉ giao tiếp qua hàng rào, qua cánh cửa khép hờ, bởi trong tình hình này, ai cũng có thể là F0, nói chi đến khu vực vừa gỡ phong toả.

500kg gạo do anh Trưởng chở tới, được anh Nam- tổ trưởng Tổ dân cư tự quản phân phát cho bà con khó khăn trong khu phong toả.

Ðại dịch Covid-19 bùng phát khiến bao gia đình rơi vào tình cảnh khốn khó, không có việc làm, không có thu nhập. Những ngày đầu phong toả, người dân khá lo lắng, vì nhiều hộ gia đình khó khăn, không kịp chuẩn bị hoặc không có lương thực, thực phẩm. Nhờ sự giúp đỡ, tiếp tế của các nhà hảo tâm từ bên ngoài, sự chia sẻ, hỗ trợ của hàng xóm láng giềng, cuộc sống người dân trong khu vực phong toả dần ổn định. Hầu hết mọi người đều chấp hành tốt quy định và bắt đầu quen dần với cuộc sống “ai ở đâu yên đó”.

Giúp nhau khi hoạn nạn

- “Mở cửa nhận quà bà con ơi!”.

Mỗi lần nghe tiếng anh Trần Phương Nam (Tổ trưởng Tổ dân cư tự quản) gọi, người dân trong khu phong toả nhanh chóng hé cửa nhà để nhận quà. Không những vậy, từng ký gạo, bó rau, mớ ớt, tỏi, hành... người dân trong xóm đều san sẻ với nhau. Chưa kể đến người thân, anh, chị, bạn bè bên ngoài tiếp tế lương thực. Hai ngày đầu của lần phong toả thứ nhất, chị Phan Thị Thuỳ Vân- Phó Chủ tịch phụ trách Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh gửi tặng 100 phần rau củ quả cùng 40 thùng mì tôm. Mỗi phần quà đều được cho vào túi riêng, gửi đến từng hộ gia đình, mì gói thì tặng thêm cho hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xóm. Chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang, đại diện Công đoàn Toà án nhân dân TP. Tây Ninh mang tới 700 trứng vịt; các chị em nông dân ở phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh) và xã Trường Ðông (thị xã Hoà Thành) hỗ trợ nào cải, đậu rồng, rau nhút, đu đủ, dưa leo, khổ qua, sả, chanh; anh Trần Thảo Nguyên mua 150kg thịt heo tặng 100 hộ dân trong xóm…

Lần nào có thực phẩm, anh Nam tổ trưởng lại dùng xe gắn máy chở quà đi khắp xóm, gõ cửa từng nhà. “Việc đâu có gì cực, mình chịu khó chở quà tới từng nhà, vậy an toàn hơn để bà con tập trung lại một điểm”, anh Nam nói. Không riêng việc đưa quà tới tận nhà, những công việc thường ngày của bà con trong xóm- như sửa điện, quét dọn rác, mua thuốc… anh Nam đều tận tình làm giúp, không bao giờ câu nệ.

Trẻ em trong khu phong toả được tặng sữa.

Những ngày đầu, hàng cứu trợ chưa đến kịp. Sợ người dân đói, Tổ trưởng và nhiều người trong xóm tăng cường “ngoại giao”, tìm nguồn hỗ trợ. Hay tin người dân khu phong toả cần thức ăn, chị Ðặng Minh Luỹ- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đích thân chở tới 3 bao “khủng” gồm rau muống, cải ngọt, khoai lang, rồi dặn dò: “Bà con thiếu gì thì báo liền cho chị, giúp được gì chị giúp”.

Hay như anh Trưởng (ở xã Trường Ðông) lái xe tải chở 500kg gạo vào khu phong toả tặng bà con khó khăn; các anh trong Hội Luật gia gửi bầu, bí đao; Hội Phụ nữ- Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông Công an Tây Ninh kết nối mạnh thường quân ở Bến Cầu trao tặng 40 phần quà, mỗi phần 10kg gạo, dầu ăn, muối, đường, nước mắm; mạnh thường quân ở thị xã Hoà Thành tặng 100 phần gạo và rau củ quả; cô Năm ở xóm Chùa, mỗi tuần gửi gạo, rau, thịt, có khi mua 100 con gà ta mần sẵn gửi vô cho bà con cải thiện bữa ăn, bảo đảm dinh dưỡng…

Ngoài lương thực, thực phẩm, vật tư y tế cũng là thứ cần thiết đối với người dân trong vùng phong toả. Chị Vũ Thị Hương (nhân viên Vietinbank) vận động cán bộ, nhân viên ngân hàng, nhà hảo tâm góp sức, ủng hộ 100 hộp khẩu trang y tế, 100 chai nước sát khuẩn và tặng 4 thùng sữa Vinamilk cho các em nhỏ trong xóm.

Nhờ sự kết nối từ những tấm lòng, tình yêu thương, đùm bọc, san sẻ nhau lúc hoạn nạn, những túi gạo, gói mì, bó rau, trứng, thịt, thuốc men...  của các nhà hảo tâm nhanh chóng đến với người dân trong khu phong toả, để họ yên tâm ở nhà, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Các nhà hảo tâm không ngừng tiếp tế lương thực cho bà con khu phong toả.

Ngày về hạnh phúc

16 giờ ngày 7.9, bên ngoài khu phong toả, chiếc xe cứu thương đưa chị B.T cùng 15 thành viên lớn nhỏ trong gia đình trở về, tiếp tục theo dõi 14 ngày tại nhà. Ðôi mắt đỏ ửng, chị B.T xúc động nói: “May mắn là không ai trong gia đình chúng tôi bệnh nặng, nhất là mấy đứa nhỏ. Hôm nay được về nhà cùng nhau, tôi mừng lắm, cứ tưởng như mình vừa trải qua thời gian dài chết đi sống lại”.

Những ngày sau, từng bệnh nhân Covid-19 trong khu xóm tôi lần lượt được trở về, tiếp tục cách ly theo dõi 14 ngày tại nhà. Ðối với họ, đó là ngày trở về trong hạnh phúc, còn với chúng tôi, thời gian dỡ phong toả được rút ngắn dần.

Khu xóm nhỏ đã vang tiếng nói cười rôm rả xa xa, người nhắn tin, người gọi điện video trực tuyến thăm hỏi nhau, cùng san sẻ nhau chút gạo, mì tôm, rau củ quả… nhưng trên hết là những lời động viên tinh thần, giữ gìn sức khoẻ để cùng vượt qua đại dịch.

Ðến chiều 17.9, xóm tôi vui như ngày hội, bởi hàng rào phong toả ở hai đầu đường Pasteur được tháo dỡ, các anh bảo vệ dân phố cũng “nhổ trại”, nhưng không phải để nghỉ, mà là dời vào trong xóm lập điểm chốt nhỏ hơn, vì vẫn còn vài ca chưa hoàn thành thời gian cách ly y tế.

Họ lại tiếp tục những đêm ngủ không yên giấc.

Bà con trong khu phong toả giúp đỡ nhau, không câu nệ việc gì.

Bình thường mới

Ngày 13.9, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Nguyễn Thành Tâm chỉ đạo triển khai biện pháp quản lý trong trạng thái “bình thường mới”, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 3078/UBND-KGVX ngày 9.9.2021 của UBND tỉnh về điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với từng cấp độ nguy cơ dịch trên địa bàn tỉnh.

Ðồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng địa bàn dân cư và người dân, thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống “bình thường mới”, góp phần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm ở từng cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh và từng người dân; khắc phục, không để tâm lý chủ quan, lơ là, tự mãn sau nới lỏng giãn cách, làm ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch…

Năm học mới 2021-2022 chính thức khai giảng, được tổ chức giảng dạy bằng hình thức trực tuyến và dự báo tiếp tục kéo dài. Ðể tạo điều kiện cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông kêu gọi quyên góp, ủng hộ máy tính qua sử dụng.

Nhiều nhà hảo tâm có “dư” máy tính đã mang đến trao tận tay các em học sinh nghèo. Ở xóm tôi, phần đông là dân lao động phổ thông, nhưng chuyện học của con em luôn được ưu tiên hàng đầu, nhà khó khăn mấy cũng chuẩn bị cho con chiếc điện thoại cũ để học trực tuyến.

Trong ngày khai giảng, em nào cũng áo trắng, khăn quàng đỏ tươm tất, đứng trang nghiêm trước màn hình máy tính đang chiếu cờ đỏ sao vàng để thực hiện nghi thức chào cờ. Sau một tuần, giáo viên và học sinh đều đã thích nghi, xem việc dạy - học trực tuyến là hoạt động bình thường trong mùa dịch.

Gỡ phong toả, đồng nghĩa với việc trở lại đời sống bình thường. Tuy nhiên, sau tín hiệu tích cực này, người dân xóm tôi vẫn vô cùng cẩn trọng, luôn mang khẩu trang, đứng cách xa nhau và chỉ giao tiếp qua hàng rào, qua cánh cửa khép hờ, bởi trong tình hình này, ai cũng có thể là F0, nói chi đến khu vực vừa gỡ phong toả. Vì vậy, để thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”, sống chung an toàn với Covid-19, mọi người dân phải nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của ngành Y tế.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh