Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV sẽ diễn ra trong thời điểm thế giới và cả nước đang chịu ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh Covid-19. Nhằm cung cấp thông tin đến bạn đọc về kỳ họp này, Báo Tây Ninh có buổi trao đổi ông Huỳnh Thanh Phương-Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
Ông Huỳnh Thanh Phương-Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
PV: Xin ông cho biết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV sắp tới, Quốc hội sẽ tập trung thực hiện các nội dung gì và cách thức tổ chức kỳ họp ra sao?
Ông Huỳnh Thanh Phương: Theo Công văn số 3574/TTKQH-TH ngày 25.4.2020 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc triệu tập kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, kỳ họp này sẽ tiến hành theo 2 đợt.
Đợt 1 từ ngày 20.5.2020 đến ngày 4.6.2020, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ triệu tập các ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh (tại địa phương) dự họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại phòng họp số 2, trụ sở HĐND tỉnh. Đợt này, sẽ xem xét các nội dung sau: họp phiên khai mạc kỳ họp; thảo luận 10 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết (có thể biểu quyết thông qua một số luật nếu kịp tiếp thu, hoàn thiện). Cụ thể gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Kỳ họp đợt này cũng xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết phê chuẩn: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Đồng thời xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch Covid-19); phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.
Đợt 2 từ ngày 10.6 đến ngày 19.6.2020, các ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh dự họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đợt này, sẽ xem xét các nội dung: xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Thoả thuận quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Cư trú (sửa đổi).
Đợt này cũng thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, biểu quyết thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.
PV: Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, với vai trò là Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, ông đã chỉ đạo công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV như thế nào?
Ông Huỳnh Thanh Phương: Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Tây Ninh về thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19; Đoàn ĐBQH tỉnh đã và sẽ tiến hành các hoạt động sau:
Thứ nhất, đối với hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất không thực hiện tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ tập trung trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Tuy nhiên, để có thể tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh đăng tải trên Cổng thông tin của tỉnh, thông tin trên báo, đài địa phương về Dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV; cung cấp địa chỉ của Đoàn, số điện thoại, e-mail cử tri có thể gửi ý kiến góp ý đối với các nội dung của kỳ họp, các vấn đề cử tri quan tâm đến Đoàn từ ngày 4.5 đến ngày 8.5.2020. Đồng thời, Đoàn đề nghị Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thu thập, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân (thẩm quyền Trung ương) gửi về Đoàn trước ngày 11.5.2020 để tổng hợp.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường các hoạt động thu thập ý kiến cử tri và những thông tin liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của các ngành chức năng, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức làm việc với các sở, ngành và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để ghi nhận, kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng có thẩm quyền trung ương và địa phương có giải pháp tháo gỡ. Song song đó, để có thể thu thập ý kiến góp ý của cử tri liên quan đến một số dự án luật chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 9, các vị ĐBQH đơn vị tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề, lĩnh vực như môi trường, xây dựng, đầu tư; tiếp xúc cử tri ngành, giới (thanh niên), lực lượng biên phòng…
Cụ thể, đại biểu Huỳnh Thanh Phương tiếp xúc cử tri chuyên đề về môi trường, lấy ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Bảo vệ môi trường; tiếp xúc cử tri là thanh niên để lấy ý kiến Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Đại biểu Trịnh Ngọc Phương tiếp xúc cử tri chuyên đề về xây dựng để lấy ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; tiếp xúc cử tri chuyên đề về đầu tư để lấy ý kiến Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Các buổi làm việc và tiếp xúc của Đoàn cũng như của ĐBQH đều tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: số lượng không quá 30 người, yêu cầu các thành phần dự họp thực hiện đúng yêu cầu về phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, ngồi giãn cách 1m, rửa tay sát khuẩn.
Thứ hai, đối với tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự án Luật, trước đây, Tây Ninh nằm trong các tỉnh có nguy cơ cao, Đoàn ĐBQH tỉnh không tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp mà lấy ý kiến góp ý bằng văn bản đối với các cơ quan chức năng, sau đó tổng hợp gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (đã tổ chức lấy ý kiến 3 Dự án Luật: Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội). Hiện nay, Đoàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với một số dự án Luật với thành phần tham dự là các ngành trọng tâm, liên quan trực tiếp đến dự án Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam).
Tuy nhiên, việc gửi các dự án luật của các ngành chức năng ở Trung ương đến các Đoàn ĐBQH tại địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc bố trí thời gian tổ chức lấy ý kiến các cơ quan chức năng và việc nghiên cứu góp ý của Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội.
Thứ ba, đối với hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV này sẽ không tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện quyền chất vấn bằng hình thức gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đối với các vấn đề mà đại biểu quan tâm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tuyết Thư