Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tết trên biển đảo quê hương
Kỳ I: Nhiều hoạt động đón chào năm mới
Thứ hai: 05:56 ngày 09/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đón năm mới 2023, cùng với đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước, phóng viên Báo Tây Ninh tháp tùng đoàn công tác đến thăm, chúc tết quân dân huyện đảo Trường Sa. Có dịp đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mới thấy Tết ở nơi này có nhiều ý nghĩa và đong đầy cảm xúc.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa quây quần gói bánh chưng mừng năm mới

Mừng năm mới trên đảo Trường Sa

Những ngày cuối năm 2022, cuộc sống trên đảo Trường Sa trở nên rộn ràng, nhộn nhịp. Ngư dân đều tạm gác việc đánh bắt cá, sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đang quét những chiếc lá bàng vuông rơi rụng trước sân, thấy có khách đến thăm, chị Nguyễn Thị Sông vội dừng tay, vào nhà pha ấm trà nóng, mang bánh mứt đãi khách.

Nhấp ngụm trà ấm áp đầu năm, chị Sông tâm sự, hằng ngày, chị ở nhà trồng rau, nội trợ, còn chồng kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và tham gia công tác dân quân trên đảo. Đón năm mới, chị đã mua sắm một số loại bánh mứt, nước ngọt để cúng ông bà và chuẩn bị gói bánh chưng cúng tết.

Những ngày tết, trên đảo còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như kéo co, nhảy bao bố, đua xe đạp chậm, thi đấu cờ tướng, giao lưu văn nghệ... Chị Sông khoe: “Ở đây, tình cảm dân quân khắng khít như người thân trong gia đình. Nếu bà con thiếu thực phẩm, chỉ cần gọi điện thoại đến các đơn vị trên đảo là sẽ được các anh hỗ trợ hết mình”.

Anh Nguyễn Minh Vinh- chồng chị Sông treo lá cờ Tổ quốc lên trước cổng. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng mới tinh tươm bay phần phật trước gió, chủ nhà mỉm cười hạnh phúc. Mấy ngày nay, sóng to, gió lớn và sắp đến tết nên anh không ra biển đánh cá.

Tranh thủ thời gian này, anh phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, trồng lại vườn rau phía sau nhà. Trong phần đất vài chục mét vuông phía sau, anh Vinh trồng nhiều loại rau như rau má, khổ qua, húng quế, mồng tơi, sả, ớt, hành, ngò. Mỗi loại rau quả đều được cả nhà nâng niu. Những trái khổ qua lúc còn nhỏ xíu đã được chủ nhà dùng túi ni-lông bao bọc cẩn thận, tránh sâu rầy phá hoại và bị ảnh hưởng bởi sương muối, sương giá.

Tương tự, những loại rau còn lại đều được che đậy bằng lưới chống sương, chống gió. “Cưng” rau như vậy, nhưng đến lúc thu hoạch, vợ chồng anh đều đem chia sẻ với hàng xóm, loại rau nào còn dư với số lượng lớn mới đem bán cho các chủ tàu đánh cá. N

goài ra, trong vườn nhà anh Vinh còn có hai bụi chuối già hương, trong đó có 2 buồng sai quả, to tròn, sắp tới kỳ thu hoạch. Anh Vinh đặc biệt tỏ ra thích thú với 2 buồng chuối: “Đây là loại chuối trong đất liền đem ra trồng. Phải chăm sóc cẩn thận lắm mới được nhiều nải như thế”.

Ngày cuối cùng của năm cũ, tất cả cán bộ, chiến sĩ và người dân  đảo Trường Sa xúm xít, quây quần trên một khoảng sân rộng và cùng nhau gói bánh chưng. Người lau lá dong, người xắt thịt ba rọi, tẻ nếp, chẻ dây lạt v.v…

Những người biết cách gói loại bánh này vừa gói, vừa “truyền nghề” cho nhiều chiến sĩ trẻ. Trong khi người lớn gói bánh, một số em nhỏ chen vào giữa bố mẹ và các cô, các chú để xem. Thỉnh thoảng, các em nũng nịu đòi được ẵm bồng rồi chạy ra sân đùa giỡn. Cạnh đó, một số chiến sĩ trẻ thắt hoa mai, hoa đào bằng vải lên chậu cây trang trí ngày tết. 

Binh nhất Nguyễn Việt Anh cũng ngồi quây quần gói bánh chưng cùng các cô, chú trên đảo. Lần đầu gói bánh, Việt Anh cuộn lá dong chưa khéo, cột dây chưa chặt, nhưng cuối cùng chiếc bánh vuông vắn cũng hoàn thành.

Nâng niu sản phẩm trên tay, chiến sĩ trẻ tâm sự: “Lần đầu tiên đón tết ở đảo, tôi rất vui và vinh dự. Bên cạnh luôn có những đồng chí, đồng đội và người dân sẵn sàng giúp đỡ và vinh dự hơn nữa là đón tết ở Trường Sa, nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng- nhân viên Trạm Kiểm soát biên phòng Trường Sa (thuộc Đồn Biên phòng Trường Sa) quê ở tỉnh Thái Bình. Trước khi vào quân đội, những dịp cuối năm anh Hùng thường ngồi gói bánh chưng với cô dì, chú bác, ông bà trong gia đình nên biết cách gói loại bánh này.

Khi ra đảo Trường Sa công tác, ngồi gói bánh chưng với dân quân trên đảo, anh Hùng không giấu được niềm vui và xúc động. Anh tâm sự: “Mình rất xúc động, vinh dự, tự hào là người chiến sĩ cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc và được gói chiếc bánh chưng để làm lễ thờ cúng ông bà tổ tiên giữa biển khơi”.

Binh nhất Nguyễn Việt Anh khoe chiếc bánh chưng tự tay anh gói.

Chào cờ trên đảo Trường Sa

Giao thừa đón năm mới 2023 trên đảo Trường Sa bắt đầu bằng chương trình giao lưu văn nghệ với nhiều tiết mục tự biên, tự diễn đặc sắc. Mở đầu chương trình là tiết mục hát múa với bài “Quê em ở Trường Sa” do các em học sinh Trường Tiểu học Trường Sa trình bày.

Với đồng phục áo đỏ, sao vàng, giọng ca trong trẻo và những động tác múa hồn nhiên, các “ca sĩ” nhí khiến khán phòng vang lên nhiều tràng vỗ tay không ngớt. Tương tự, các tiết mục tốp ca nam “Khát vọng tuổi trẻ”, “Những người con của biển”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Khúc quân ca Trường Sa”, đơn ca nam “Cha tôi người lính biên phòng”, “Hào khí Việt Nam” của chiến sĩ Trường Sa; tốp ca nữ “Tự nguyện”, đơn ca “Mùa xuân trên quê hương” của các cô gái đến từ Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương v.v… góp phần tạo nên không khí tưng bừng, náo nhiệt cả một góc biển đảo quê hương.

Ngày đầu năm mới 2023 trên đảo Trường Sa bắt đầu bằng nghi thức chào cờ trang nghiêm, long trọng. Trong không khí se lạnh gió mùa Đông Bắc, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, giáo viên và học sinh trên đảo tập trung thành những hàng thẳng tắp trước sân cờ.

Tiếp theo là các nghi thức thay lá cờ mới, chào cờ, hát Quốc ca, đọc 10 lời thề, đọc thư chúc tết của Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 v.v… Đặc biệt là nghi thức duyệt đội ngũ. Lần lượt từng đơn vị, đoàn người diễu hành qua sân lễ với những bước chân đều răm rắp, tạo nên khí thế hừng hừng, đầy quyết tâm trước ngày đầu năm mới 2023.

Sau nghi thức chào cờ đầu năm mới, cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo Trường Sa đến viếng Đài liệt sĩ, Đền thờ Bác Hồ, chùa Trường Sa. Tất cả kính cẩn nghiêng mình, thắp hương tưởng nhớ công lao của Bác và các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để đất nước ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Trường Sa là một trong những đảo lớn trong quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý. Đảo có hình dáng như một tam giác vuông, mặt đảo bằng phẳng, cao khoảng 3- 5 mét so với mực nước biển lúc thuỷ triều xuống, được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”.

Đại Dương

(Còn tiếp)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục