Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Kỳ nghỉ được điều chỉnh kéo dài 5 ngày đã mang đến cơ hội vàng cho các điểm đến, dịch vụ du lịch ở nhiều địa phương, tạo doanh thu và góp phần phục hồi hậu đại dịch cho ngành công nghiệp không khói.
Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, thành phố Thủ Đức thu hút đông du lịch đến "giải nhiệt" trong kỳ nghỉ vừa qua. (Ảnh: TTXVN)
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, các bãi biển từ Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Vũng Tàu... đông kín du khách đổ về “giải nhiệt”, thậm chí ở những nơi cửa biển như Nam Định mặc dù nước đục ngầu kèm nhiều rác thải nhưng du khách cũng đông nghịt.
Bên cạnh đó, những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Quảng Nam… cũng gặt hái thành công với lượng khách và doanh thu tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Các trung tâm du lịch lớn hút khách
Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5), Thủ đô Hà Nội ước đón 738.000 lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm gần 88.000 lượt khách du lịch quốc tế (tăng 48% so với cùng kỳ năm trước) và 650.000 lượt khách du lịch nội địa, tương đương so với cùng kỳ 2023.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính kỳ nghỉ lễ vừa qua, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 60,4% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023).
Đáng chú ý, các trung tâm thương mại, dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, trong 5 ngày nghỉ lễ lượng khách và doanh thu đều tăng cao, ước đạt khoảng 62% (tăng 5% so với cùng kỳ), trong đó chủ yếu là dịch vụ ăn uống.
Là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh thu trong dịp lễ 30/4-1/5 năm nay của ngành du lịch thành phố ước đạt 3.235 tỷ đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Phố Tây Bùi Viện tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TXVN)
Khách du lịch nội địa đến Thành phố Hồ Chí Minh ước khoảng 325.000 lượt (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023); khách quốc tế ước khoảng 54.000 lượt (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Riêng khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú tại thành phố ước khoảng 200.000 lượt (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023) và công suất phòng ước đạt khoảng 75% (tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023).
Bắt kịp xu hướng du lịch tại chỗ với những điểm đến, sản phẩm du lịch mới, nhiều doanh nghiệp du lịch-lữ hành tiếp tục triển khai nhiều tour tuyến với hành trình hấp dẫn, đa dạng tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện.
Là “điểm nóng” của du lịch khu vực Tây Nguyên, ngày 1/5, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, thành phố Đà Lạt đón khoảng 170.000 lượt khách du lịch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 7.200 lượt khách (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023); khách nội địa ước đạt 162.800 lượt khách (tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023); khách qua lưu trú ước đạt 115.000 lượt (tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Công suất phòng bình quân của các khách sạn từ 1-5 sao đạt khoảng 80%, các loại hình khác công suất phòng đạt khoảng 75%. Lượng khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố tập trung đông từ ngày 27-29/4.
Đà Lạt mờ ảo quyến rũ trong ánh bình minh. (Ảnh minh họa: CTV)
Khách nội địa đổ về biển “giải nhiệt”
Trong 5 ngày nghỉ lễ, Bình Thuận đón 220.000 lượt khách tham quan, lưu trú (tăng khoảng 25% so với năm 2023). Công suất phòng bình quân đạt khoảng 75-95%, doanh thu khoảng 420 tỷ đồng.
Đặc biệt, lượng du khách tập trung rất đông từ ngày 27-30/4, lấp đầy các khách sạn từ 1-2 sao và tương đương khoảng 75-85% công suất; resort 3-5 sao và tương đương đạt xấp xỉ 95-100% công suất phòng. Đa số là khách du lịch nội địa đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, khách đến vùng biển này trong kỳ nghỉ lễ chủ yếu đi theo gia đình, nhóm bạn bè và khách lẻ bằng phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, cũng có số ít du khách đi theo tour đến Phan Thiết-Bình Thuận.
Lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, dịp nghỉ lễ năm nay các hoạt động du lịch của địa phương thu hút rất đông du khách khắp nơi đổ về tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo đó, lượng khách đến Khánh Hòa ước đạt 969.955 lượt, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú khoảng 87,4 %; doanh thu toàn ngành đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Lượng khách chủ yếu tập trung vào 4 ngày từ 27-30/4 với công suất phòng trên 85%, chủ yếu tập trung tại một số khách sạn khu vực trung tâm thành phố; các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao khu vực ven biển có công suất trên 90%.
Hoàng hôn Phú Quốc. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đúng như dự báo trước đó, du lịch Phú Quốc “giảm nhiệt” với lượng khách đến sụt giảm mạnh vì giá vé máy bay cao. 5 ngày nghỉ lễ, Phú Quốc ước đón trên 125.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 22.400 lượt, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ; trong khi khách nội địa trên 102.600 lượt.
Đại diện Sở Du lịch Kiên Giang nhận định tổng lượng khách đến tham quan du lịch dịp lễ năm nay tăng không nhiều so với cùng kỳ. Ngoài lượng khách quốc tế tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước, lượng khách nội địa, khách tham quan các khu, điểm du lịch đều giảm do nhiều nguyên nhân.
Lý do lớn nhất là giá vé máy bay từ Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh đến/đi Phú Quốc vẫn ở mức khá cao; nhiều đường bay nội địa năm trước khai thác nhưng nay đã tạm dừng, như: Hà Nội đi/đến Rạch Giá; Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Lâm Đồng đi/đến Phú Quốc...
Có thể thấy, kỳ nghỉ được điều chỉnh kéo dài 5 ngày vừa qua đã mang đến cơ hội vàng cho các điểm đến, dịch vụ du lịch ở nhiều địa phương, tạo doanh thu và góp phần phục hồi hậu đại dịch cho ngành công nghiệp không khói./.
Nguồn vietnamplus.vn