Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 111 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8.3: Những đoá hoa đời
Thứ hai: 16:09 ngày 08/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðứng trước khó khăn, có những người phụ nữ không hề nghĩ tới việc lùi bước. Với họ, vượt qua thách thức chính là động lực để sống tốt hơn mỗi ngày.

Chị Yến (bên trái) với công việc thường ngày.

Hơn một năm trước, chị Võ Thị Mỹ Linh (45 tuổi) tưởng mình sẽ không thể vượt qua những biến cố, suy sụp khi phát hiện bị ung thư. Ðến bây giờ, mỗi khi nhắc “ngày kinh khủng” đó, chị Linh vẫn rơm rớm nước mắt: “Khi đó, tôi nghĩ mình xong rồi, mọi thứ như sụp đổ hết. Tôi ngồi nhắn tin cho người thân, bạn bè mà nước mắt chảy dài”.

Chị Mỹ Linh vốn là người không dễ từ bỏ. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, từng rơi vào nguy cơ phải nghỉ học vì khó khăn, nhưng chị vẫn cố gắng hết sức để tiếp tục đến trường. “Ðược đứng trên bục giảng chính là ước muốn từ nhỏ của tôi. Và tôi thật sự hạnh phúc khi thực hiện được nó, dù có trải qua khó khăn, muộn màng”. Chị Linh hiện là giáo viên chuyên ngành Ðiều dưỡng tại Trường trung cấp Y tế tỉnh.

Lúc biết mình bị bệnh, chị suy sụp tinh thần, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, chị quyết tâm “chiến đấu” với bệnh tật. “Những ngày đó, tôi nhận được tình cảm trân quý của bạn bè, người thân rồi tự dặn lòng mình không thể bỏ cuộc. Mình phải chiến đấu đến cùng”. Chị vẫn nhớ như in những lời động viên của chồng, những sẻ chia của bạn bè, đồng nghiệp và biến nó thành hành trang trong “cuộc chiến chống lại bệnh tật” của mình.

Mỗi ngày trôi qua đối với chị là một thử thách: “Khi đó tôi vừa học chương trình đào tạo thạc sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh, vừa vô hoá chất trị liệu tại Bệnh viện Từ Dũ. Có những lúc rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng. Tôi không muốn từ bỏ bên nào”.

Những ngày đó, chị Linh vẫn đều đặn đến lớp dù là tới kỳ phải vô hoá chất trị liệu, mệt đến muốn xỉu nhưng chị vẫn gắng gượng lên lớp để không bị thiếu bài, khó theo kịp chương trình học. “Những lúc vật vã vì vô thuốc, tôi trông từng ngày, từng giờ để chờ nó qua.

Qua hết giai đoạn bị vật vã do thuốc thì lại ăn không ngon, nhưng vẫn phải cố gắng ăn, vì tôi nghĩ ăn để có sức chiến đấu chống lại bệnh”. Cứ như vậy, chị vượt qua 7 tháng trị liệu bằng hoá chất và tiếp tục từng bước hoàn thành luận án thạc sĩ. Ðến giờ, bệnh của chị ổn định và chương trình học thạc sĩ đã hoàn thành, chị vui mừng chờ lễ tốt nghiệp. Chị Linh chia sẻ: “Ngày đó tôi hoang mang lắm, đến giờ vẫn còn ám ảnh, nhưng tôi nghĩ tự bản thân mình phải có ý chí chiến đấu mới có thể chống chọi lại bệnh tật. Ðến giờ, tôi rất vui vì ngày đó mình không bỏ cuộc, không phụ tình cảm của rất nhiều người”.

Nghịch cảnh nào rồi cũng qua đi, những ngày tháng lo sợ, hoang mang vẫn còn trong tâm trí chị, nhưng nhớ không phải để sợ hãi, đau buồn mà là động lực để vượt qua và sống tốt. Chị cho biết, trong thời gian điều trị bệnh, chị đã động viên một người bạn cũng mắc bệnh giống mình, cùng tâm sự, mang thực tế “cuộc chiến” của mình để động viên bạn.

Tới nay, bạn chị đã hiểu và vượt qua những hoang mang, lo lắng, yên tâm điều trị. Hay chị cũng sẵn lòng chia sẻ cách dùng những loại thuốc phù hợp, cách bổ sung dinh dưỡng, cách rèn luyện tinh thần lạc quan, tích cực sống chung với bệnh.

“Mỗi khi nghe thêm một người bệnh có tiến triển tốt từ những chia sẻ của mình, tôi vui lắm. Tôi luôn sẵn sàng nếu ai cần lời khuyên về điều trị bệnh. Vì chính bản thân tôi đã trải qua và nhận được những sẻ chia mới có thể vui vẻ tiếp tục và đạt được những mong ước hiện tại”. Dù cuộc chiến chống bệnh tật của chị Linh còn tiếp diễn, nhưng hiện tại chị đã thoải mái hơn rất nhiều.

Không có nỗi sợ nào giống nỗi sợ nào và cách để những người phụ nữ tiếp nhận và vượt qua nó là điều đáng ghi nhận. Có thể nói, việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện là một khâu vô cùng quan trọng giúp giữ môi trường sạch sẽ, tránh sự lây lan của dịch bệnh, giữ an toàn cho nhân viên và bệnh nhân.

Sau tám năm gắn bó, từ một nhân viên mới vào nghề, công việc còn bỡ ngỡ, chị Trương Thị Hải Yến, nhân viên Tổ Tiệt khuẩn Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) nay đã trưởng thành hơn, gắn bó và yêu nghề hơn.

Với chị Linh mỗi ngày đều vui và thêm ý nghĩa sống.

Chị Yến cho biết, công việc của chị là xử lý, tiệt khuẩn dụng cụ y tế. Công việc tưởng đơn giản nhưng cũng tương đối vất vả. Do thường xuyên tiếp xúc với các nguồn dễ lây nhiễm, nên người làm công việc này đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh.

Chị Yến nói: “Trong công việc không tránh khỏi khó khăn, nỗi lo lây nhiễm bệnh, đôi khi chạnh lòng vì công việc này ít người biết đến. Nhưng khi quen với công việc, hiểu được ý nghĩa của công việc mình đang làm, tôi có suy nghĩ tích cực hơn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ tốt bệnh nhân”.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, dù có nhiều lo lắng nhưng chị Yến không ngại vất vả, tích cực tham gia phòng, chống dịch. Chị tự nguyện tham gia vào trực trong khu cách ly đặc biệt, với nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện các biện pháp phòng hộ để phòng lây nhiễm.

Chị Yến chia sẻ: “Mặc dù tinh thần vững vàng, mạnh mẽ, nhưng ban đầu tôi không tránh khỏi lo lắng, rồi lại nghĩ mình có trang bị đầy đủ kiến thức rồi, được bệnh viện hỗ trợ đầy đủ trang bị phòng hộ cá nhân nên nỗi sợ không còn nhiều nữa”.

Ðể phục vụ công tác phòng chống dịch, tránh lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng, chị Yến tình nguyện trực trong khu cách ly 2 tháng liền, chị phải gửi con nhỏ về quê cho gia đình chăm sóc để yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Những ngày nhớ con, chị chỉ có thể nhìn và trò chuyện với con qua màn hình điện thoại.

Suốt 2 tháng ròng rã ở trong khu cách ly, chị Yến trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Qua một năm rồi nhưng chị vẫn nhớ rõ: “Những ngày bên trong khu cách ly, ngoài những giọt nước mắt hạnh phúc khi bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, đồng nghiệp được an toàn, còn có cả giọt nước mắt nhớ gia đình, nhớ con. Nhiệt huyết với nghề và tình yêu thương người bệnh giúp chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khó khăn nào cũng cố gắng vượt qua”- chị Yến bộc bạch.

Tâm niệm của chị Yến là khi đã lựa chọn nghề, phải chấp nhận những gian khổ, làm hết sức mình, coi bệnh nhân như người thân để phục vụ tốt nhất.

VI XUÂN - CHÂU PHA

Tin cùng chuyên mục