Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỹ sư “miệt vườn” và chiếc máy xúc lúa
Chủ nhật: 23:21 ngày 22/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều năm qua, anh Huỳnh Thanh Ngô (sinh năm 1966) được bà con trong ấp Phước Đông, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng gọi vui là kỹ sư “miệt vườn” khi cửa hàng cơ khí và tay nghề của anh đã giúp bà con nơi đây sửa chữa nhanh các máy móc thiết bị gia dụng cũng như nông cụ.

Anh Huỳnh Thanh Ngô và “Máy xúc lúa”.

Gọi là kỹ sư “miệt vườn”, nhưng anh đúng là kỹ sư “thứ thiệt” khi tốt nghiệp Trường sư phạm Kỹ thuật 4 Vĩnh Long năm 1987. Đó cũng là năm anh trở thành giáo viên chuyên ngành gò - hàn của Trường cơ điện Việt Xô (Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh hiện nay). Năm 1990, anh trở về quê hương Phước Chỉ.

Với chuyên môn, tay nghề đã có, anh quyết định mở cửa hàng gia công dụng cụ, thiết bị nông nghiệp, sau đó mở rộng thành cửa hàng bán đồ cơ khí dạng nhỏ, phù hợp với nhu cầu của vùng nông thôn. Chuyên sửa máy nông cụ phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, tích luỹ dần kinh nghiệm tay nghề, anh không chỉ cung cấp, sửa chữa thiết bị mà còn không ngần ngại tư vấn cho bà con những ý kiến hữu ích trong mua sắm, sử dụng, bảo quản nông cụ đạt hiệu quả, tiện ích cao. Vì thế, cửa hàng của anh Ngô tuy nhỏ nhưng không chỉ phục vụ bà con trong xã mà còn thu hút không ít các gia đình ở những xã lân cận tìm đến nhờ tư vấn, sửa chữa…

Với mong muốn mang tay nghề phục vụ cho việc cơ giới hoá nông nghiệp, giảm bớt nhọc nhằn cho bà con nông dân, dù chỉ trong phạm vi khả năng hạn hẹp của bản thân, anh Ngô đã sáng tạo ra nhiều thiết bị nhỏ phục vụ cho việc thu hoạch lúa- sản phẩm chính của vùng chuyên canh lúa các xã cánh Tây Trảng Bàng, trong đó có sản phẩm “Máy xúc lúa”- đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 (2018-2019).

“Máy xúc lúa” gồm một moteur có công suất 2CV giúp máy di chuyển cơ động và một moteur có công suất 1CV điều khiển hệ thống xúc lúa và đưa lúa vào bao. Máy có bộ khung sắt hình chữ H (rộng 0,62m, dài 2,5m) được lắp đặt thêm hệ thống bánh xe, giúp máy di chuyển dễ dàng hơn trong suốt quá trình xúc lúa; một hệ thống băng chuyền với nhiều ngăn được bố trí cách nhau 20cm.

Hệ thống xúc lúa gồm hệ thống trục vít ngang 1,2m, thùng xúc, 18 gàu tải và 1 moteur. Sau khi thu hoạch, lúa được đưa vào sân phơi, anh Ngô sử dụng máy ủi (cũng do anh sáng chế) để trải lúa tươi ra khắp sân theo độ dày cần thiết; sau đó dùng máy ủi có gắn thêm trang cào lúa để đảo lúa cho đến khi lúa khô đạt yêu cầu; lại thông qua máy ủi gom lúa thành từng luống.

Sau khi khởi động máy xúc lúa, thông qua moteur điều khiển hệ thống trục vít ngang sẽ xúc lúa đưa qua hệ thống gàu tải; sau đó lúa rơi qua thùng chứa và đưa vào bao. Máy xúc lúa có công suất 16,5 tấn/giờ với điện năng tiêu thụ 0,3kW/giờ và 2 người vận hành máy (nếu xúc bằng tay, với 2 người làm, chỉ phơi, xúc 3,3 tấn/giờ).

Để tăng hiệu quả sử dụng, anh Ngô đã đầu tư một sân phơi lớn, có thể phơi cùng lúc 10 tấn lúa. Có thể nói, anh đã sáng tạo toàn bộ thiết bị cho khâu phơi lúa, từ máy ban ủi, cào và trở lúa cho đến khâu xúc lúa vào bao. Đó cũng là một quá trình anh phải thử nghiệm nhiều lần, thay đổi thiết bị cho đến khi phù hợp.

Giá thành “Máy xúc lúa” vào khoảng 50 triệu đồng; nhưng với 3 vụ lúa/năm ở các xã cánh Tây Trảng Bàng (Phước Chỉ, Phước Bình) vào vụ thu hoạch cao điểm, mỗi ngày anh có thể gia công 20 - 30 tấn cho tất cả các khâu (phơi lúa, xúc lúa vào bao) với thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Anh Ngô cho biết thêm, do nông dân Phước Chỉ có diện tích canh tác nhỏ, thu hoạch ít nên phục vụ phơi lúa cho bà con chưa được nhiều, mà hiện tại máy chủ yếu dùng gia công cho thương lái thu mua lúa ở địa phương và các xã lân cận. Anh mong sao có những cánh đồng lớn của hợp tác xã để có thể sử dụng hết công suất của máy. Mặt khác, máy xúc lúa còn có thể sử dụng cho tất cả các loại hạt cứng như mì, bắp, đậu, cà phê…

Cán bộ Hội Nông dân xã Phước Chỉ và những hộ nông dân có thuê sử dụng máy hay xem máy hoạt động đều có chung nhận xét: máy xúc lúa có nhiều lợi ích thiết thực, không tốn nhiều nhân công cho khâu phơi và xúc lúa vào bao khi đang mùa vụ, khan hiếm nhân công; đáp ứng kịp thời gian đưa nông sản ra thị trường, làm tăng giá trị cạnh tranh của nông sản (do giảm chi phí sản xuất, công lao động).

Đặc biệt, “Máy xúc lúa” giúp bảo vệ sức khoẻ cho nông dân, tránh được bụi và các chất bẩn khác trong quá trình phơi và cho lúa vào bao. Máy lại rất cơ động trong di chuyển, sau mùa vụ có thể lái vào kho cất dễ dàng và không chiếm nhiều diện tích.

Cán bộ Hội Nông dân xã Phước Chỉ khẳng định, tay nghề và cửa hàng của anh Huỳnh Thanh Ngô thật sự cần thiết với vùng sâu Phước Chỉ, với bà con nông dân địa phương. Hội sẽ tạo mọi điều kiện để anh tiếp tục sáng tạo và ứng dụng các sáng tạo của mình vào sản xuất và đời sống.

Ngọc Hoà

Tin liên quan