Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tiếp tục chương trình làm việc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 25-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn quốc tế hàng đầu về tài chính - hạ tầng như Visa, Generali, Bank Julius Baer, Quỹ đầu tư Dubai và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản...
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam lên đường về nước, kết thúc thành công chuyến tham dự WEF Davos 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Đồng thời, khẳng định Chính phủ vẫn đang kiên định thực hiện kiến tạo phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện và cởi mở, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ với nhiều tập đoàn lớn vươn ra hoạt động ở nước ngoài.
Hầu hết các doanh nghiệp đánh giá cao những thành tựu mà nền kinh tế - tài chính Việt Nam đã đạt được, cũng như bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới Thủ tướng và Chính phủ tiếp tục có những biện pháp, hành động quyết liệt hơn để ổn định nền tài chính, tạo môi trường chủ động, tự do cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bên lề Hội nghị Davos, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ với Thụy Sĩ; cảm ơn Thụy Sĩ đã cam kết 90 triệu USD ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ lựa chọn các dự án phù hợp để sử dụng nguồn ODA một cách hiệu quả và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hiệp quốc nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - Davos (Thụy Sĩ) Ảnh: TTXVN
Tại buổi tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiến triển tích cực của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan, nhất là trong các khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng hỗ trợ của Hà Lan trong lĩnh vực môi trường, giáo dục, nông nghiệp và mong Hà Lan tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam qua các chương trình mới. Thủ tướng mong muốn Hà Lan thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA); ủng hộ hòa bình và ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Tại cuộc gặp Thủ tướng CH Czech Andrej Babis, hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước; khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học... Thủ tướng mong muốn CH Czech tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU; sớm thúc đẩy ký EVFTA để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF Klaus Schwab chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 Ảnh: TTXVN
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp, tiếp xúc, dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao (IGWEL) với chủ đề Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa 4.0. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab và cùng chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và Ý định thư về xây dựng sáng kiến rác thải nhựa.
Tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển rất tích cực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị thúc đẩy để EVFTA được ký, phê chuẩn trong quý 1-2019 đáp ứng lợi ích của cả hai bên, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU, đặc biệt về kinh tế.
Thủ tướng cũng mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề khai thác IUU và sớm dỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục quan tâm đến an ninh, an toàn hàng hải, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982…
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có nhiều cuộc gặp với các tập đoàn lớn trên thế giới như Siemens, Qualcomn, Google, Total, Allianz, JBIC, GE, Prudential.
Nguồn SGGPO