Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ký ức đặc biệt về Bác Hồ của vợ chồng lão thành cách mạng
Chủ nhật: 16:04 ngày 17/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trò chuyện với chúng tôi, ký ức đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh như hiện hữu trong ánh mắt, giọng nói của vợ chồng ông Nguyễn Văn Luyện và bà Trần Thị Mận, hai cán bộ lão thành cách mạng, nhà ở phố Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, Hải Phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng năm 1963. Ảnh: TTXVN phát

Ông được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Bà vinh dự được ngồi cạnh Bác Hồ chụp ảnh. Đó mới chỉ là phần mở đầu câu chuyện chất chứa lịch sử đất nước trong cuộc đời của vợ chồng ông Nguyễn Văn Luyện và bà Trần Thị Mận khi hồi ức về những thời khắc không thể nào quên.

Nhìn thấy Bác Hồ trong giờ phút thiêng liêng đến khoảnh khắc đời thường

Ông Nguyễn Văn Luyện sinh năm 1930 tại Hà Nội. 15 tuổi, ông là công nhân Nhà máy Bưu điện, tham gia tự vệ thành Hoàng Diệu và có mặt tại thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với toàn thế giới "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập".

Bà Trần Thị Mận vinh dự được ngồi bên cạnh chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu quốc tế. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Văn Luyện kể: "Sáng 2/9/1945, trời nắng gắt nhưng đông đảo nhân dân vẫn tập trung, vẫn háo hức, đợi mong tiếng nói của Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên Lễ đài đọc "Tuyên ngôn độc lập", có lúc dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không". Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong, ông Trần Huy Liệu giơ ấn kiếm của Bảo Đại để toàn dân xem chính quyền phong kiến đã sụp đổ và đọc lời thề độc lập như không đi lính cho thực dân Pháp, không hợp tác với thực dân Pháp".

Dù đã được nhìn thấy hình ảnh Bác, nghe giọng Bác, nhưng trong trái tim chàng thanh niên Nguyễn Văn Luyện vẫn luôn mong ngóng được nhìn thấy Người. Luôn theo sát tin tức, chàng trai 16 tuổi biết ngày 20/10/1946 tàu đưa Bác Hồ trở về sau chuyến thăm Cộng hòa Pháp cập Cảng Hải Phòng. Từ Hải Phòng, Bác về Hà Nội bằng tàu hỏa. Hàng nghìn người tập trung tại ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) đợi chuyến tàu. Tàu đi qua, Bác giơ tay vẫy phía cửa sổ bên này rồi lại bước sang phía cửa sổ đối diện để vẫy chào nhân dân đứng hai bên.

Khoảng 2 hoặc 3 ngày sau khi Bác Hồ từ Pháp về nước, Giám đốc Nhà máy Bưu điện gọi ông Nguyễn Văn Luyện cùng một người khác đến phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ để thay điện thoại ở phòng làm việc của Người. Trong trí nhớ của ông, đó là căn phòng giản dị, giường, gối đơn sơ. Khi ông đến, Bác Hồ đang làm việc cùng với một vị khách.

Ngày 9/12/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến. Chàng trai 16 tuổi Nguyễn Văn Luyện nhập ngũ, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Khi là chiến sĩ tại Trung đoàn 52, Đại đoàn 320 (còn gọi là Đại đoàn Đồng Bằng), ông cùng đồng đội theo lệnh chỉ huy về tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955. Đến năm 1962, ông chuyển về làm việc tại Thành ủy Hải Phòng, được phân công phụ trách công tác Đảng của ngành Y tế Hải Phòng và là Bí thư Đảng ủy của Sở Y tế Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Luyện (người đeo kính) và Bà Trần Thị Mận (người ở đầu, thứ hai từ phải sang) vinh dự chụp ảnh cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: TTXVN phát

Một dấu mốc khác không thể nào quên khi ông Nguyễn Văn Luyện giữ trọng trách là Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Hải Phòng, đó là ngày 23/1/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng cùng với Bí thư thứ Nhất, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.

Ông Luyện hào hứng kể: "Không khí từ những nẻo đường đến cổng bệnh viện đón Bác hân hoan, náo nhiệt, rực rỡ cờ hoa. Tại hội trường bệnh viện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe lãnh đạo bệnh viện báo cáo hoạt động của bệnh viện và chào mừng đoàn. Ngay sau khi tràng vỗ tay kết thúc, Bác Hồ hỏi các đại biểu: "Trong các cô, các chú ngồi đây, có cô chú nào là anh nuôi, chị nuôi, hay hộ lý?". Đó là câu hỏi bất ngờ vì lãnh đạo bệnh viện chỉ mời lãnh đạo các khoa, phòng lên gặp Bác chứ ai lại mời chị nuôi hay hộ lý đón Người.

Bác Hồ ân cần nói, trong ngành Y tế, các công nhân viên không cứ gì là bác sĩ, y tá, mà những người phục vụ bệnh nhân, phục vụ bệnh viện đều hữu ích. Người trò chuyện thân mật, giản dị, đồng thời căn dặn, trong công tác phải chú ý phòng bệnh hơn chữa bệnh, "lương y như từ mẫu".

Khi về, Bác dặn dò cán bộ, nhân viên Bệnh viện thi đua với Bệnh xá Vân Đình- khi đó là lá cờ đầu của ngành Y tế. Đến năm 1976, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp là lá cờ đầu của ngành Y tế trong điều trị. Đó chính là sự thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm bệnh viện - ông Nguyễn Văn Luyện bồi hồi nhớ lại.

Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Nguyễn Văn Luyện (người đeo kính) đón đoàn lãnh đạo Đảng - Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp năm 1973. Ảnh: TTXVN phát

Tiếp lời chồng, bà Trần Thị Mận cho biết, những năm 1960, bà công tác tại Ban Giao tế thuộc Công an thành phố Hải Phòng. Đó là thời điểm bà cùng đồng nghiệp của Ban được phục vụ Bác Hồ cùng Đoàn công tác khi Bác tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam và tới Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh).

Có lần, do mọi người muốn chụp ảnh cùng Bác đông quá, cô gái Trần Thị Mận ngồi cạnh Bác, không may ngồi lên chân Bác. Người chỉ nói vui: "Cô bé nào ngồi lên chân Bác thế?". Theo bà Mận, đi đến đâu Bác Hồ cũng giản dị, ân cần và luôn kiểm tra công tác phục vụ tại các bếp ăn.

Thắm tình đồng chí, nặng nghĩa vợ chồng

Điều đặc biệt ở cặp vợ chồng đã bước vào tuổi xưa nay hiếm không chỉ từng được phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bà còn là một phần lịch sử của thành phố Cảng, là những đảng viên kỳ cựu và là cặp đôi cùng nâng bước cho nhau.

Những ngày này, trong câu chuyện của ông Nguyễn Văn Luyện và bà Trần Thị Mận luôn có ký ức về Ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955.

Ở tuổi 25, chiến sĩ Nguyễn Văn Luyện công tác ở Trung đoàn 52, Đại đoàn 320 (còn gọi là Đại đoàn Đồng Bằng) cùng đồng đội được đơn vị chỉ huy về tiếp quản Hải Phòng. Từ một hướng khác, bà Trần Thị Mận cùng các học viên của Trường Công an (C500) đi trên đoàn tàu được kết hoa rất đẹp từ Hải Dương về Hải Phòng hòa vào dòng người chào mừng ngày giải phóng thành phố Cảng.
Ít ai biết rằng, sau ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, duyên kỳ ngộ của chàng trai Hà Nội Nguyễn Văn Luyện và cô gái Hải Dương Trần Thị Mận lại khiến hai người thành vợ chồng...

Ông Nguyễn Văn Luyện từng đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Hải Phòng và có thời điểm vừa là Bí thư Đảng ủy Sở Y tế, vừa là Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Trong quá trình công tác, ông có tới 23 năm là Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Bà Nguyễn Thị Mận từng là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Cung ứng tàu biển Hải Phòng. Năm 2020, ông 72 năm tuổi Đảng và bà 58 năm tuổi Đảng. Với cương vị từng là Bí thư Đảng ủy của hai đơn vị, ông, bà đều tâm niệm, là người lãnh đạo cần gương mẫu, bao dung, thoáng đãng, nhận việc khó về mình.

Ông Nguyễn Văn Luyện và bà Lê Thị Mận ôn lại những kỷ niệm xúc động trong dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2020). Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Trong cuộc sống đời thường, ông bà nâng đỡ, nhường nhịn nhau, nuôi dạy con cái trưởng thành. Bà Nguyễn Thị Mận chia sẻ: "Khi còn trẻ, làm công tác đối ngoại nên giờ giấc thất thường. Chồng tôi là người chăm lo cho con cái học hành, tạo mọi điều kiện để vợ phát triển".

Khi được hỏi: "Trước là nữ lãnh đạo, bà có hay phải đi sớm, về muộn?". Ông Nguyễn Văn Luyện trả lời thay vợ rất nhanh: "Nhiều"! Sau câu trả lời có phần vui, phần "trách" ấy, mọi người cùng cười và chúc mừng ông, bà đã bao năm tháng sẻ chia, trọn vẹn nghĩa tình. 

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục