Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Viết ngắn
Ký ức… dế
Chủ nhật: 08:29 ngày 05/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bây giờ, có lẽ ít người trong chúng ta còn nghe tiếng dế gáy, vì những ruộng vườn mênh mông trải dài xanh mát mất dần nhường chỗ cho những khối nhà bê tông chọc lên trời cao.

Chỉ mới lác đác những hạt mưa trái mùa mà suốt mấy đêm liền, tôi bất chợt nghe tiếng dế  “re-ric-re-ric” trong kẽ nứt phía ngoài tường nhà. Không lẽ chú dế này đã vận vào mấy câu thơ mà từ lâu tôi đã thuộc: “Như con dế trống đi xa/ Một hôm chợt nhớ quê nhà, gáy chơi/ Con dế nó gáy một hơi/ Còn anh gáy hết một thời con trai?”.

Không biết loài dế âm thầm sinh nở và trưởng thành từ lúc nào mà chỉ qua một trận mưa đầu mùa, sáng ra trong các lùm cây bụi cỏ, hay dưới các luống mới cày trên đồng ruộng đã nghe chúng thi nhau kêu/gáy inh ỏi. Hồi xưa, bọn tôi xách xô nước nhỏ men theo các bờ ruộng, se sẽ từng bước chân lần tìm tiếng gáy.

Bởi trời sinh thính giác khá  nhạy cảm nên khi nghe tiếng động dù nhỏ cỡ nào lũ dế cũng đồng loạt im bặt. Thế là phải lật giở các bệ đất cày, vạch các gốc rạ hoặc đổ nước vào trong các hang mới tìm được chúng. Tha hồ chụp bắt. Từng cặp. Từng cặp trống-mái. Dế lửa màu nâu đỏ và dế than màu đen tuyền.

Cách để phân biệt giới tính của dế là xem đôi cánh của chúng. Dế trống trên cánh hằn lên những cụm hoa văn cầu kỳ đan xen nhau, tưởng như có tay hoạ sĩ nào đó đã phóng vẽ những nét cọ tài tình. Trái lại, dế mái chỉ có những đường nét sọc xuôi theo thân đơn giản. Tương tự các chú ve chỉ có mỗi việc nhởn nhơ ca hát suốt mùa hè; trời sinh các chàng dế chỉ để gáy và… đá lộn, nhưng cũng góp phần làm sinh động thêm các trò chơi của bọn tôi thời ấy.

Bọn tôi tuyển lựa để riêng ra các con dế trống, còn dế mái thì quẳng cho gà vịt ăn hoặc ngắt đầu cắm vào cây que để ngoáy chọc vào đầu kích thích sự hưng phấn của dế trống. Tội nghiệp các con dế mái xấu số. Nó chỉ duy nhất có chức năng sinh nở nhưng không chăm con như một số loài khác; vòng đời độ chừng vài tháng ngắn ngủi, giờ xui xẻo gặp lũ ranh chúng tôi thì chuyện hoá kiếp lại càng thêm nhanh.

Ông tôi biết chuyện đã nói với bà tôi: “Sao bọn nhóc lại trọng nam khinh nữ thế nhỉ!”. Vào cái thời mà bọn tôi còn đang học lớp 3, lớp 4 trường làng, hỉ mũi chưa sạch như lời người lớn thường bảo, thì làm sao nhận thức được chuyện “nam trọng nữ khinh” ấy. Có trách chăng là bọn tôi quá tàn nhẫn mà thôi.

Có lẽ nhiều người vẫn lầm tưởng là dế trống gáy bằng… miệng. Thật ra, đôi cánh của chúng ma sát vào nhau tạo ra những âm thanh/tiếng kêu tuỳ từng trạng thái và mục đích. Tôi đã bỏ ra không ít thời gian để “theo dõi”, quan sát từng động thái- kể cả tiếng gáy của các chàng dế. Khi trổ tài ve vãn tán tỉnh- gọi là “chắc mái”, thì tiếng kêu “chắc chắc” của chàng vô cùng nhỏ nhẹ quyến rũ.

Còn khi bọn tôi thiết lập “võ đài”- bỏ hai con dế trống vào một cái thau nhựa nhỏ- các “võ sĩ dế” hùng hổ “réc réc” lao vào nhau phùng cánh giương càng… như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ. Tàn cuộc, hai “dũng sĩ dế” dù thắng thua đều xác xơ, tơi tả. Phần thưởng cho chủ nhân thắng cuộc chỉ là một que cà rem đậu xanh ngọt lịm. Vậy mà vui ngất trời tuổi nhỏ.

Bây giờ, có lẽ ít người trong chúng ta còn nghe tiếng dế gáy, vì những ruộng vườn mênh mông trải dài xanh mát mất dần nhường chỗ cho những khối nhà bê tông chọc lên trời cao. Còn người đời đã thừa mứa cao lương mỹ vị nên tìm về hương đồng cỏ nội thưởng thức các món độc, lạ từ côn trùng như dế, cào cào, châu chấu, ve sầu, bọ cạp…

Trong đó, dế là món khoái khẩu số một! Cũng may loài dế chưa bị tuyệt chủng, vì giờ đã có các trang trại nuôi, nhân giống chúng. Tất nhiên, không phải chúng được bán cho tụi nhỏ chơi trò đá dế, mà sẽ “lên mâm” trong các nhà hàng, quán nhậu... Nên, dễ chừng trên nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi không còn thấy hình ảnh bọn nhỏ ngồi bệt trên đất chụm đầu vào nhau, vỗ tay hét hò cổ vũ, thích thú với trò chơi đá dế. Nó đã mai một rồi chăng?

HÀ NHỮ UYÊN

Tin cùng chuyên mục