Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ký ức ngày 30.4
Thứ hai: 00:20 ngày 26/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chỉ còn vài ngày nữa là tỉnh Tây Ninh nói riêng, miền Nam nói chung bước sang năm thứ 46 từ sau ngày hoàn toàn giải phóng, thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang, toàn dân tộc ta thực sự làm chủ vận mệnh đất nước mình, tự lực, tự cường vươn lên sánh vai cùng mọi quốc gia, dân tộc độc lập, phát triển trên thế giới.

Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Ðen ngày 7.1.1975. Ảnh: Cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhàn

Mới đó mà sự kiện Ngày toàn thắng 30.4.1975 đã trôi qua gần nửa thế kỷ. Ký ức về ngày đó, đối với những người chứng kiến, dù muốn dù không cũng phần nào đã nhạt nhoà...

Tỉnh Tây Ninh, với dân số hiện nay gần 1,2 triệu người (chính xác theo thống kê dân số 2020 là 1.178.329 người), ắt là phải có tới cả triệu người sinh ra (hoặc mới chuyển đến) ở tỉnh nhà sau ngày 30.4.1975. Bởi lẽ theo số liệu điều tra dân số của nguỵ quyền Sài Gòn cuối năm 1974, toàn tỉnh Tây Ninh chỉ có khoảng 450.000 người (theo tài liệu thu được tại Toà hành chính tỉnh, lưu trữ tại Ban Khoa học lịch sử - Bộ CHQS tỉnh).

Trong trí nhớ của người viết, năm ấy vừa qua tuổi 18 được mấy tháng, địa giới “của tỉnh”, đúng ra là vùng tạm chiếm của chế độ cũ, chỉ bó hẹp trong khu vực tập trung dân cư của quận Phú Khương thuộc các xã Thái Hiệp Thạnh, Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Long Thành và Trường Hoà cũ; cùng với một số khu tập trung dân cư ven quốc lộ 22 (nay là quốc lộ 22B, từ Gò Dầu lên tới tỉnh lỵ, đặt ở xã Thái Hiệp Thạnh).

Nếu xác định bằng địa danh cụ thể, thì vùng tạm chiếm ấy gần như có tứ cận là: phía Bắc đến đầu lộ Bình Dương (tại giao lộ Ðiện Biên Phủ-Bời Lời, tức ngã ba Núi hiện nay); phía Nam đến khoảng hết khu dân cư xã Cẩm Giang, ven quốc lộ 22; phía Ðông đến Bàu Cóp, cuối xã Bàu Năng hiện nay và phía Tây chỉ tới khoảng ngã tư Thanh Ðiền, xã Thanh Ðiền hiện nay. Còn phần lãnh thổ ngoài các “điểm đầu” ấy ra, là vùng “mất an ninh” mà dân vùng tạm chiếm ít ai dám vượt qua.

Sau ngày giải phóng, có điều kiện tìm hiểu qua các tài liệu lịch sử của tỉnh và các huyện trong tỉnh, người viết bài mới biết khu vực vùng tạm chiếm kể trên chính là khu vực trung tâm nhất của tỉnh, về phía chế độ cũ nó là khu vực tỉnh lỵ với trung tâm hành chính đóng ở xã Thái Hiệp Thạnh, trung tâm kinh tế ở khu chợ Long Hoa thuộc xã Long Thành; đây cũng chính là khu vực thuộc địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành hiện nay. Còn về mặt văn hoá - xã hội nó là khu trung tâm tôn giáo Cao Ðài có từ năm 1926, đầu thế kỷ 20.

Ðối với lực lượng cách mạng, khu vực tạm chiếm ấy được gọi tên là huyện Toà Thánh, hay còn gọi là “vùng Toà Thánh-Long Hoa”, một khu vực đô thị hoá cao từ rất sớm, vào khoảng những năm đầu “thời chín năm” kháng chiến chống Pháp.

Công cuộc “đô thị hoá” lúc ấy, thực chất chỉ là cuộc “gom dân” của “hai phía”: tôn giáo Cao Ðài và nguỵ quyền Sài Gòn, mà lúc ấy gọi là “đệ nhất” rồi “đệ nhị cộng hoà” của chính quyền tay sai hết theo thực dân Pháp, phát-xít Nhật, đến theo đế quốc Mỹ.

Vì thế, nói về tình hình vùng tạm chiếm tỉnh Tây Ninh, các tài liệu lịch sử địa phương ngày nay đều có chung nhận định rằng: qua 30 năm chiến tranh (1945-1975) đồng bào tôn giáo Cao Ðài ở đây bị nguỵ quân, nguỵ quyền khống chế, kìm kẹp trong các giai đoạn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, kể cả về tinh thần, tư tưởng, đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ thực dân kiểu mới.

Nhận định này, đến nay tất cả những ai có đạo Cao Ðài từng sống ở vùng tạm chiếm Toà Thánh - Long Hoa ngày ấy đều không thể phủ nhận, ngoại trừ những kẻ chống Cộng cực đoan hiện đang ở nước ngoài, kể cả những kẻ cực đoan, quá khích trong tôn giáo.

Trở lại chuyện ngày 30.4.1975 ở khu trung tâm tỉnh Tây Ninh, những người lớn tuổi ở đây đều biết, tỉnh lỵ Tây Ninh thực chất đã là “thành phố chết” từ cả tháng trước Tết Nguyên đán năm Ất Mão, tức là từ sau ngày 7.1.1975- ngày lực lượng cách mạng giải phóng núi Bà Ðen.

Ðúng ra “thành phố chết” chỉ là “chết” đối với bộ máy chính quyền và quân sự của chế độ cũ, vì từ bộ máy chỉ huy chiến đấu của Tiểu khu quân sự, cũng như của Sư đoàn 25 nguỵ ở căn cứ Trảng Lớn, đến bộ máy hành chính của Tỉnh trưởng Tây Ninh đều phải làm việc dưới hầm trú ẩn để tránh đạn pháo của quân cách mạng đặt trên núi chúc nòng bắn thẳng xuống, bắn đâu trúng đó, không sợ pháo lạc trúng khu dân cư.

Vì vậy các sắc lính nguỵ, từ lính chủ lực “thiện chiến” như liên đoàn Biệt cách 81, liên đoàn Biệt động quân 22, các trung đoàn, tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 25 đến các tiểu đoàn Ðịa phương quân, Nghĩa quân của tiểu khu (cấp tỉnh) đến các chi khu (cấp quận), kể cả các đơn vị lính nhảy dù, thuỷ quân lục chiến từ Sài Gòn lên tăng viện cho Tiểu khu Tây Ninh để tổ chức hành quân quy mô lớn hòng chiếm lại núi Bà Ðen đều phải kéo quân vào khu vực Toà Thánh - Long Hoa trú đóng chung quanh khu nội ô Toà Thánh theo kiểu “trà trộn trong dân” để bảo toàn tính mạng vì cả lính lẫn quan trong đội quân ô hợp này đều biết “pháo binh Việt cộng” không “rót” vào khu dân cư, nhất là dân cư vùng đạo.

Về cuộc hành quân hòng tái chiếm núi Bà Ðen, sau này ai có tìm hiểu lịch sử quân sự của cách mạng mới biết, còn người Tây Ninh thời bấy giờ chỉ thấy xe quân sự từ tiểu khu, từ căn cứ Trảng Lớn tấp nập chở lính, chở súng đạn chạy về hướng núi, thấy máy bay các loại bay về hướng núi, rồi nghe tiếng súng các loại đánh trận ầm đùng trên núi, nhưng… dường như không có kết quả gì, vì pháo của quân cách mạng vẫn hằng ngày không ngừng “ghè đầu” quân nhân, công chức tỉnh, quận xuống hầm.

Sau này, người viết đọc được trong sách “Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930-2005”, đoạn viết về cuộc hành quân ấy như sau: “Ðầu tháng 3.1975, địch quyết tâm tổ chức cuộc càn quét quy mô để chiếm lại núi Bà Ðen.

Chúng dùng 3 tiểu đoàn của các trung đoàn 46, 49 thuộc Sư đoàn 25 kết hợp với liên đoàn 81 biệt kích dù, với sự yểm trợ tối đa về phi pháo mở cuộc hành quân tái chiếm núi Bà Ðen. Hơn 10 ngày phản kích ác liệt, địch không thực hiện được kế hoạch tái chiếm núi Bà Ðen vì gặp phải sự chống trả quyết liệt của Trung đoàn 5 quân chủ lực giải phóng phục kích sẵn tại đây, diệt hàng trăm tên địch, xác của bọn chúng nằm rải rác từ Bàu Xạ Hột đến ấp Ninh Lợi (xã Ninh Thạnh)”.

Không còn tai mắt từ căn cứ truyền tin trên đỉnh núi, rồi không còn đường rút quân về Sài Gòn vì quốc lộ 22 cũng thuộc “quyền làm chủ” của quân cách mạng, các sắc lính của nguỵ quân, nguỵ quyền Tây Ninh coi như đã bị trói chân, trói tay ở khu vực mà họ cho là “bất khả xâm phạm” suốt hơn hai chục năm kể từ năm 1954 từ khi Hiệp định Genève chia hai đất nước.   

Những ngày cuối tháng Tư, khi tin chiến thắng của Quân giải phóng dồn dập bay về mà ngay cả Ðài phát thanh của nguỵ quyền Sài Gòn cũng không dám phủ nhận. Rồi khi chỉ còn hơn một tuần là hết tháng tư, cả dân lẫn lính ở vùng tạm chiếm đều nghe “Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu” lên đài “chửi Mỹ không còn gì hết” rồi tuyên bố từ chức, trao quyền lại cho “Ông già sít-nốp” (từ dùng của báo chí Sài Gòn) Trần Văn Hương.

Thế nhưng, chỉ trong vòng một tuần sau, ông già từng làm đốc học Tây Ninh trước năm 1945 cũng đành giao chức “Tổng thống” lại cho người chỉ huy cuộc đảo chánh anh em Diệm-Nhu tại Sài Gòn ngày 1.11.1963, ông Dương Văn Minh. Ðể rồi chỉ một ngày sau, trưa ngày 30.4.1975 ông Minh đã phải đầu hàng vô điều kiện khi quân giải phóng tiến vào dinh Ðộc Lập, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Nữ du kích trên phố Gia Long (đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) ngày 30.4.1975. Ảnh: tư liệu Ð.H.T

Tại Tây Ninh, từ ngày 29.4, sau khi ông Trần Văn Hương từ chức giao quyền Tổng thống Sài Gòn cho ông Dương Văn Minh, các sắc lính “trà trộn trong dân” ở khu vực chung quanh nội ô Toà thánh đã tự động rã ngũ, trốn.

Sáng sớm ngày 30.4, người dân từ hướng phía Nam, phía Ðông chợ Long Hoa ùn ùn tay xách, nách mang, xe chạy, xe đẩy đổ vào nội ô Toà Thánh. Người ta kháo nhau “Giải phóng đánh vô tới chợ Trường Lưu, chợ Quy Thiện (xã Trường Hoà), chợ Long Hải (xã Long Thành) rồi! Chắc cũng sắp tới chợ Long Hoa.

Chạy vô đây tránh súng đạn, vì chắc không ai đánh vô chùa”. Khoảng 8 giờ rưỡi, người dân khu vực cửa Hoà Viện nội ô Toà thánh thấy có khá đông người mặc quần lính, mang giày lính, nhưng… ở trần trùng trục lếch thếch đi bộ về.

Có người hỏi, họ trả lời là lính Tiểu đoàn 304 Ðịa phương quân, tự buông súng đầu hàng khi quân giải phóng từ Chà Là tiến lên tới Bàu Cóp. Nửa giờ sau (khoảng 9 giờ), cũng những người dân khu vực này nghe một tiếng nổ lớn trên đường từ Tây Ninh chạy vô Toà thánh, hỏi ra mới biết quân giải phóng đã chiếm lĩnh đường Chợ Bắp từ chiều hôm qua, sáng nay thì có một chiếc xe GMC từ phía Tiểu khu chạy ào ào vô, “mấy ổng” vác súng B40 trên vai ra giữa đường quỳ xuống bắn một phát, chiếc xe nhà binh cháy rụi luôn.

Có lẽ phát súng giữa đường Phan Thanh Giản, nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, sáng ngày 30.4.1975 là phát súng cuối cùng của quân dân Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mặc dù trong lúc đó, tiếng nổ của nhiều loại đạn vẫn không ngừng ở gần Tiểu khu Tây Ninh phía đầu đường Phan Thanh Giản. Bởi lẽ từ chiều ngày 29.4 pháo của quân cách mạng từ trên núi bắn xuống trúng ngay kho đạn của lính biệt kích tuyên chính ở trại Chi Lăng, phía sau Tiểu khu, nay ở khoảng phía Ðông đầu đường 30.4 thành phố Tây Ninh. Kho đạn này cháy nổ tới chiều ngày 30.4 mới chấm dứt.

Cho đến khoảng 11 giờ ngày 30.4.1975, thì dân Toà Thánh - Long Hoa “tản cư vô chùa” lại ùn ùn kéo nhau về nhà, vì nguỵ quyền Tây Ninh đã đầu hàng Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh.

Buổi lễ đầu hàng diễn ra tại sân cờ trụ sở xã Long Thành, nay là trụ sở Bưu điện Hoà Thành. Phía đầu hàng vô điều kiện là Tỉnh trưởng, Tiểu khu trưởng, các quận trưởng Phú Khương và Phước Ninh (nay là huyện Châu Thành) và sĩ quan chỉ huy cấp tiểu khu, công chức chủ sự các ty, sở.

Phía tiếp nhận đầu hàng là cấp lãnh đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh. Tất nhiên điều này có ghi trong các sách sử của Ðảng bộ và lực lượng vũ trang tỉnh. Ðối với người dân vùng Toà Thánh - Long Hoa thì hình ảnh cuối cùng đọng lại là đống súng ống của quân đầu hàng nộp lại chất chung quanh trụ cờ cao như cái núi. Còn lá cờ cách mạng thì do bà Tô Thị Giang, cán bộ binh vận huyện Toà Thánh đi bộ từ cầu Trường Long, xã Trường Hoà đem lên treo trên trụ cổng xã Long Thành từ lúc 9 giờ sáng.

Nguyễn Tấn Hùng

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục