Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Viết ngắn
Ký ức xe bò
Chủ nhật: 23:47 ngày 24/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lách cách…lách cách….ụm ò…ò…

Tiếng “chuông” đánh thức bình minh của tuổi thơ tôi chính là tiếng xe bò. Hồi đó xe bò bánh cây chứ không phải bánh hơi như bây giờ nên tiếng lách cách cứ va vào nhau, đoạn đường càng nhiều ổ trâu ổ gà thì tiếng lách cách càng vang rộn rã.

Chiếc đồng hồ lúc đó cũng là loại đồng hồ “lên dây cót”, nghĩa là chiều tối phải vặn dây cho đồng hồ chạy, nếu hôm nào quên, nó chạy hết vòng dây cót, không còn dây để chạy nữa thì nó im ru bà rù khiến cha tôi không tài nào biết giờ mà thức dậy đi làm. Mà đường từ nhà lên chỗ làm thợ hồ của cha tôi phải mất chục cây số đi xe đạp của thập niên chín mươi thế kỷ trước, xa xôi mệt nhọc lắm chứ không phải vù xe máy là tới như bây giờ.

Nhiệm vụ “lên dây cót” đồng hồ cha đã giao cho tôi. Tuổi nhỏ ham chơi nên nhiều khi quên mất, thành ra tiếng lách cách… lách cách của xe bò đã thành một thứ chuông đánh thức gia đình tôi là vậy.

Tiếng xe bò đầu tiên vọng thanh âm khơi dậy bình minh vào khoảng ba giờ sáng. Thường là xe bò chở nhân công nhổ mì nên tiếng nói cười trêu ghẹo nhau cũng vang lên.

Mẹ tôi trở dậy trước, nhóm lửa bắc nồi cơm, cha dậy sau đó mươi phút và công việc đầu tiên của cha là… lấy ống bơm ra bơm xe để “con ngựa chiến” không bị xẹp bánh giữa đường. Rồi cha kho lại mẻ cá con cho nóng “Để tụi nhỏ ăn đi học không bị đau bụng”. Chảo mít non hầm dừa hoặc món tàu hủ chiên sả của cha cũng được làm nóng lại qua bàn tay khéo léo của cha.

Cùng thời gian cha tôi làm bếp thì mẹ dọn bàn ghế ra cho bầy con thức dậy kịp ăn sáng đến trường. Rồi mẹ lấy ga-mên bới phần cơm cha mang theo…

Tất cả các công đoạn trong vòng hơn nửa tiếng, đến khi tiếng lách cách…dí thá… vang lên lần hai thì tiếng cha đã oang oang “Dậy đi học nhen… mấy đứa học trò dậy đi học nhen…”. Chị em chúng tôi không được phép “nằm nướng” đâu nhé, vì ai cũng nhớ tới cây roi tre lên nước bóng lưỡng cha giắt trên vách nhà. Hễ cha gọi tới lần thứ hai mà đứa nào không dậy thì chắc chắn cây roi đó sẽ làm nhiệm vụ gọi giùm.

Tiếng lách cách… của xe bò đã vang nhiều hơn trước ngõ. Người gọi chú Năm ơi, người kêu cậu Năm à, người réo anh Năm hỡi… cho xin bình nước nhen… Người đi làm rẫy thường không mang theo nước từ nhà cho đỡ công xách theo, mà cứ ghé nhà tôi xin nước uống vì cha tôi đã xây hẳn một cái hồ nước to đùng chứa nước cho mọi người xin.

Những chiếc xe bò cứ sáng sáng đậu thành hàng dài trước cửa nhà tôi chờ lấy nước uống đã đem cho chị em tôi một công việc… thấy ghê nhất là: hốt phân bò. Nhưng số phân bò đó đã giúp cho mớ cây trái vườn nhà thêm trĩu quả.

Thời gian sau này không hiểu tại sao xe bò không còn dùng bánh cây nữa. Chuyển sang bánh hơi thì không có tiếng lách cách đánh thức bình minh nữa. Đồng hồ cũng không còn loại lên dây cót vì đã có đồng hồ chạy pin còn biết reo lên khi tới giờ hẹn để khỏi mất công. Cha tôi không lo đồng hồ chết máy để trễ giờ đi làm, càng không chờ tiếng nhạc chuông xe bò để dự đoán giờ buổi sáng. Chị em tôi cũng lớn hết rồi, cái roi tre trên vách nhà tự khi nào đã biến mất không để lại dấu tích.

Hôm nay bỗng thấy mấy chiếc xe bò về muộn trong chiều mưa, lầm lũi những bước chân vững chãi của chú bò vàng kéo nặng nhọc cặp bánh hơi to bự. Ông chủ xe bò co ro dưới màn mưa lạnh không thèm dí… thá… như  ngày nào… Càng nhớ những chiếc xe bò thuở xa xưa.

Đ.P THÙY TRANG

Tin cùng chuyên mục