Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển du lịch nông thôn
Thứ ba: 23:25 ngày 22/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với nhiều mục tiêu tạo sự khởi sắc cho khu vực nông thôn cũng như ngành du lịch tỉnh nhà.

Phơi muối ớt (ảnh minh hoạ)

Xây dựng các chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù

Chương trình hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận, số hoá và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá, 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Tỉnh cũng phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù trên địa bàn huyện, từ đó kết nối hình thành chuỗi mô hình liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.

Phơi bánh tráng (ảnh minh hoạ)

Phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số giải pháp cụ thể như nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu đa dạng sinh học, phát huy tối đa lợi thế Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các loại hình dịch vụ du lịch đường thuỷ, cắm trại, đi bộ xuyên rừng, xe ô tô địa hình, các hoạt động thể thao dưới nước.

Tỉnh đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái; dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn hình thành các điểm dừng chân có bãi đỗ xe, bến tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông, các hoạt động thể thao dưới nước.

Tỉnh cũng đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; địa điểm chiến thắng Tua Hai; di tích Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời…; rà soát, tham mưu bổ sung các điểm du lịch, các loại hình du lịch khu vực hồ Dầu Tiếng.

Tỉnh khuyến khích mỗi huyện, thị xã, thành phố đăng ký mô hình điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; ưu tiên đầu tư, nâng cấp, tu bổ cho các mô hình du lịch đã xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả, các mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường.

Du khách tham quan hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ).

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn

Một giải pháp quan trọng được đề ra là tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.

Tỉnh sẽ hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao...; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát triển; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hoá, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Ngành du lịch và các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để kết nối hệ thống du lịch chung của tỉnh, tạo ra sự đa dạng phong phú về sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các khu bán sản phẩm địa phương, phục vụ ẩm thực, lưu trú… gắn với các nông trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các vùng sản xuất cây đặc sản, cây có thế mạnh của tỉnh.

 Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn

Con người là yếu tố quyết định trong việc phát triển ngành du lịch cũng như xây dựng NTM. Do đó, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước làm công tác quản lý về du lịch và liên quan đến du lịch có đầy đủ kiến thức, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch và các ngoại ngữ cần thiết cũng như năng lực quản lý về du lịch nông thôn.

Đồng thời, tỉnh đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn trên các phương tiện truyền thông, lan toả thông tin để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về du lịch nông thôn, cách khai thác tiềm năng của làng xã, cộng đồng, gia đình và bản thân để làm du lịch nông thôn; vận động, hướng dẫn người dân cách làm du lịch nông thôn theo phương châm “làm du lịch từ những điều đơn giản nhất quanh ta”.

Một điểm mới là tỉnh đề ra nhiệm vụ triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hoá, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn; kết hợp du lịch nông thôn với các loại hình du lịch văn hoá – lễ hội truyền thống, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử, văn hoá ẩm thực địa phương, phong tục, tập quán trên địa bàn tỉnh (trình diễn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm và đờn ca tài tử Nam bộ; Hội yến Diêu Trì cung, Hội xuân Núi Bà Đen, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương, Lễ hội ẩm thực chay Tây Ninh, Lễ hội mãng cầu Bà Đen, Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, Lễ hội Quan lớn Trà Vong, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay và Tết San-un-cô Thamun của người Tà Mun...).

Thu hoạch rau rừng.

Sẽ xây dựng các mô hình điểm

Tỉnh sẽ xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững với các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải.

Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Mặt khác, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện.

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục