Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ ngày 01/7/2025, tỉnh Tây Ninh (mới) chính thức ra mắt và đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất tỉnh Long An và Tây Ninh (cũ). Cán bộ, đảng viên, người dân đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của tỉnh mới khi không gian, diện tích được mở rộng cũng như nguồn lực phát triển KT-XH được tăng cường.


Đất nước là quê hương
Những ngày cuối tháng 6, nhiều bảng tên xã, phường, tỉnh Tây Ninh được gắn lên thay cho vị trí bảng cũ trước đây. Tại thị trấn Thủ Thừa (cũ) mặc dù là ngày cuối tuần nhưng công nhân vẫn tất bật hoàn thành những khâu cuối để sẵn sàng bàn giao trụ sở làm việc xã Thủ Thừa cho đội ngũ cán bộ, công chức ổn định nơi làm việc mới.

Xã Thủ Thừa được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Thủ Thừa, một phần xã Bình Thạnh, xã Tân Thành và Nhị Thành. Sau sáp nhập, Trung tâm hành chính xã Thủ Thừa đặt tại Khu hành chính mới của Huyện ủy và UBND huyện Thủ Thừa (trước đây) vừa được xây xong.
Được biết, Trung tâm hành chính này được quy hoạch mới với quy mô khá rộng, trở thành một trong những trung tâm hành chính xã lớn nhất tỉnh Tây Ninh hiện nay. Nơi đây được định hướng phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, trong đó ưu tiên công nghiệp sạch và công nghệ cao.
Bà Trần Thị Láng, đảng viên xã Thủ Thừa cho biết, thông qua các phương tiện truyền thông, bà biết chủ trương sáp nhập tỉnh và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. “Khi biết chủ trương, có nhiều cảm xúc đan xen, ban đầu tôi cũng có chút tâm tư về tên gọi mới, 2 chữ Long An thân thương sẽ không còn nhưng khi tìm hiểu kỹ thì mới biết lợi ích của việc tinh gọn bộ máy sau khi sáp nhập tỉnh như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói: “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương nhưng đất nước chính là quê hương. Chúng ta phải vì sự phát triển chung, sáp nhập để gọn lại, tiết kiệm chỉ là một phần, sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa cho phát triển mới là quan trọng”” - bà Láng chia sẻ.
Tỉnh Tây Ninh (mới) có bộ máy, cơ quan hành chính tinh gọn, cán bộ trẻ có trình độ văn hóa cao. Bà mong rằng, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, hạ tầng được mở rộng, nâng cấp, tạo thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, kéo giảm tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,...

Phường Long An được hợp nhất từ các phường: 1, 3, 4, 5, 6, xã Hướng Thọ Phú (TP.Tân An) và một phần xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (cũ). Đây sẽ là phường trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Tây Ninh (mới).
Ông Hoàng Minh Trường (phường Long An, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, là Bộ đội Cụ Hồ, từng tham gia cách mạng nên ông rất trân trọng và yêu quý quê hương, đất nước của mình. Mấy chục năm rời miền Bắc đến miền Nam sinh sống và lập nghiệp nên ở đâu trên đất nước hình chữ S này đều là quê hương. Vì lẽ đó, ông cùng nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương rất vui, đồng tình khi sáp nhập tỉnh Long An và Tây Ninh (cũ).
Ông được biết theo định hướng phát triển, toàn bộ khu vực của phường Long An sẽ là đô thị thương mại ven sông Vàm Cỏ Tây, trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ năng động với nền hành chính hiện đại, thân thiện, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là tập trung phát triển khoa học - công nghệ,... “Tôi tin rằng, những thành quả vẻ vang của các lãnh đạo tiền nhiệm sẽ được những lãnh đạo mới kế thừa và phát huy hơn nữa để đưa tỉnh Tây Ninh (mới) càng phát triển, đời sống người dân nâng cao” - ông Trường nói.
Thúc đẩy kinh tế vùng và nâng cao đời sống người dân

Khi hợp nhất với Long An - địa phương có lợi thế về phát triển công nghiệp và sở hữu Cảng Quốc tế Long An, Tây Ninh sẽ có thêm không gian chiến lược để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch,... Tỉnh Tây Ninh mới sở hữu dư địa rộng lớn để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững,...

Dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm, lưu ý phải xem sáp nhập là một cơ hội lịch sử để “thiết kế lại” một hệ thống chính quyền tinh gọn hơn, thông minh hơn, gắn kết hơn nhằm vượt qua những điểm nghẽn về chia cắt hành chính, manh mún phát triển và cạnh tranh cục bộ đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Thanh Phong mong sao cán bộ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh (mới) có tầm nhìn xa, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển về mọi mặt, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Ông cho rằng, trong xu thế hội nhập như hiện nay, cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Ông rất kỳ vọng, tin tưởng vào sự phát triển của tỉnh mới.
“Sáp nhập tỉnh là mở rộng không gian sẽ có thêm cơ hội phát triển. Tôi mong rằng cán bộ, đảng viên phải học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ bởi mình đang chuyển sang một giai đoạn mới nên phải có kiến thức, am hiểu và làm chủ công nghệ. Sáp nhập nhưng không làm mất đi bản sắc mà phải giữ gìn và phát huy truyền thống “trung dũng, kiên cường” trước đây của tỉnh Long An. Cái quan trọng nhất là sáp nhập tỉnh thì phải làm cho KT-XH của tỉnh mới phát triển hơn nữa, đời sống người dân phải được nâng cao hơn trước,…” - ông Phạm Thanh Phong thông tin.
Với công tác chuẩn bị chu đáo cùng sự định hướng đúng đắn, sau khi hợp nhất, hy vọng tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ nhanh chóng phát huy nội lực, tạo nên sức bật mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các khu công nghiệp tại địa phương, phát triển KT-XH và nâng cao đời sống người dân.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau hợp nhất, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (mới) có 101 tổ chức Đảng trực thuộc với 94.306 đảng viên. Tỉnh mới có 96 xã, phường với diện tích hơn 8.500km², dân số hơn 3,25 triệu người, là “cầu nối” chiến lược giữa TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng về phương án chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tây Ninh mới, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho việc lãnh đạo, điều hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/7/2025.
Thanh Nga