Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dịch tả lợn Châu Phi vỡ trận, lây lan 62 tỉnh thành song chưa thấy địa phương nào bị xử lý trách nhiệm?
Chứng kiến cảnh lợn chết thả đầy kênh mương tại Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã phải thốt lên: "Phòng chống dịch bệnh như thế này thì chết!"
Hơn 4 tháng, kể từ khi những con lợn mắc dịch tả đầu tiên bị tiêu hủy tới nay, các hộ chăn nuôi tại Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) vẫn dài cổ ngóng chờ tiền hỗ trợ. “Đài báo nói nhiều, hôm trước cả Bộ trưởng, Thứ trưởng cũng về an ủi bà con, còn nói sẽ đề xuất gia hạn, khoanh nợ các khoản vay đối với các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại. Thế nhưng bây giờ, tiền hỗ trợ chưa thấy mà ngày ngày ngân hàng vẫn thúc trả lãi”, một nữ chủ trại lợn bị tiêu hủy hơn 1.000 con cho hay!
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT tại hội nghị về công tác phòng chống dịch ngày 11/7, qua 160 ngày kể từ khi dịch tả lợn châu Phi tràn vào nước ta tới nay đã giết chết hơn 3,3 triệu con lợn tại 62 tỉnh thành. Nếu như thời gian đầu, cơ quan đầu mối là Bộ NN-PTNT còn cung cấp thông tin cập nhật số liệu diễn biến thiệt hại tại từng ổ dịch, còn hăng hái chỉ đạo sôi nổi, quyết liệt, sát sao… thì sau đó những bản báo cáo ngày một thưa dần và bẵng đi.
Trong khi đó, dịch tràn về các địa phương như cơn bão quét cuốn phăng tài sản, bao mồ hôi công sức của người dân. Nhiều nơi trong “tâm bão”, người dân phải gào lên “chúng tôi bị bỏ rơi!”. Họ nháo nhào, chới với tìm mọi cách tự cứu mình, nhưng rồi sức cùng lực kiệt, con virus quái ác không thuốc nào chữa nổi, người dân cũng phải buông xuôi.
Cũng có người nói, dịch tả lợn châu Phi quá nguy hiểm, chưa từng có tiền lệ, nguồn lây lan phức tạp, ngay cả “làm mạnh” như Trung Quốc mà tới nay dịch cũng lây lan ra 100% tỉnh thành, huống chi là Việt Nam?
Xin thưa, trước khi dịch vào nước ta, từ tháng 8/2018 Bộ NN-PTNT đã lên kế hoạch ứng phó. Ngay những ngày đầu dịch tấn công, Thủ tướng Chính phủ đích thân chỉ đạo “phải chống dịch như chống giặc” và yêu cầu xử nghiêm lãnh đạo địa phương nếu để dịch lây lan bùng phát. Trong mỗi cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, chỉ thị này, chỉ đạo kia đều yêu cầu các địa phương huy động toàn bộ lực lượng để ứng phó.
Thế nhưng sau đó thì sao? Nếu như tất cả cơ quan chức năng vào cuộc tích cực làm hết trách nhiệm, liệu có chuyện người dân Bắc Giang phải tự tay ủn xe cút kít chở từng xác lợn chết đi chôn khi đã chất mấy ngày trời giữa sân nhà mà không thấy bóng dáng cán bộ? Có chuyện lợn bệnh vứt đầy đường, trôi đặc sông như ở Thái Nguyên, Hải Phòng… hay không? Có chuyện nhiều địa phương đã thoát dịch qua 30 ngày lại bị tái phát hay không?
Rất nhiều vụ việc phát tán dịch, thả mầm bệnh ra môi trường bị chụp hình đưa tin, bị “bắt tận tay day tận mặt” vậy mà tới nay vẫn chưa thấy công bố thông tin cá nhân hay địa phương nào bị xử lý? Rất nhiều lần, tôi và đồng nghiệp đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về chuyện xử lý trách nhiệm để phát tán dịch như chỉ đạo của Thủ tướng. Thật đáng tiếc, chúng tôi nhận được lại là nụ cười hiền từ cùng cái xua tay từ chối của vị Bộ trưởng. Thay vì câu trả lời thẳng thắn thì ông thường khẳng định: “Anh em đang vào cuộc rất sáng tạo, chủ động quyết liệt…”!
Khi dịch tả lợn châu Phi vỡ trận, trước cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, người đứng đầu Bộ NN-PTNT mấy lần nhấn mạnh với phóng viên rằng chỉ hỏi về những “cái chung”, “cái vĩ mô” thôi!
Không biết “cái vĩ mô” mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói là gì, chỉ xin nêu câu chuyện: Trong nhiều cuộc họp, lần lượt các địa phương đều nêu khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho người dân có lợn bị mắc dịch phải tiêu hủy mong Bộ NN-PTNT sớm đề xuất lên Chính phủ để được tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi có khả năng xoay vần cũng là biện pháp ngăn chặn dịch hữu hiệu.
Gần đây nhất, các tỉnh được cho là “có điều kiện” như Hà Nội hay Quảng Ninh cũng cho biết nguồn kinh phí dự phòng đã cạn sạch, chưa biết lấy tiền đâu để chi cho bà con. Thế nhưng khi được hỏi về số tiền thiệt hại cũng như kinh phí hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi thì Bộ trưởng Cường chỉ nói “chưa thống kê được”!
Chống dịch như thế thì dịch không lây lan mới lạ. Và nay dịch đã xuất hiện 62/63 tỉnh, thành phố; hơn 3,3 triệu lợn đã chết, thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Tình hình này, không ngoa khi có người nói “khi nào lợn chết hết thì dịch cũng hết thôi”. Rồi lại “hòa cả làng”, chỉ nông dân lại nghèo thêm!
Nguồn baogiaothong