Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mới đây, tại lễ mừng thọ người cao tuổi ấp Xóm Ðồng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, nhiều người nhắc đến việc ông Nguyễn Văn Sữa, 73 tuổi, nhặt ve chai để bán kiếm tiền đóng góp từ thiện xã hội.
Những “chiến lợi phẩm” của ông Sữa sau mỗi lần đi tập thể dục trở về.
Gần 5 năm nay, sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 4 giờ 30 phút, ông Sữa thức dậy, dắt xe đạp thể thao ra đường và bắt đầu “cuốc” một vòng từ nhà đến thị trấn huyện Trảng Bàng, vòng về thị trấn huyện Gò Dầu với lộ trình gần 10km. Tuy nhiên, không giống như các “cua- rơ” đạp xe tập thể dục khác, trên xe của ông có thêm hai bao ni-lông to, vài sợi dây ràng, đèn pin, dao rọc giấy.
Ông cũng không gò lưng, cắm cúi đạp như những bạn đồng hành mà vừa chạy, vừa quan sát hai bên đường. Khi thấy trên những bãi đất trống ven đường, các thùng đựng rác trước cửa nhà dân có chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, giấy vụn, đồ nhựa hỏng… là ông dừng lại, nhặt lấy, cho vào bao rồi mới tiếp tục hành trình. Cứ như thế, đến khi về đến nhà, trên xe của ông đầy ắp đồ ve chai. “Có hôm, nhặt được nhiều đồ quá, tôi phải xuống xe đẩy bộ về”- ông Sữa nói.
Người đàn ông tuổi “cổ lai hi” này tâm sự, ông sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo, nên chỉ được học hết lớp 3 trường làng. Hiện ông và vợ 65 tuổi sống cùng cô con gái út. Vợ ông tuổi cao, sức yếu không còn lao động nặng nhọc được nữa. Trước đây, ông kiếm sống và nuôi gia đình có tới chục nhân khẩu bằng cách thuê đất của người khác làm ruộng, rẫy. Năm 2012, ông bị thoát vị đĩa đệm, đã phẫu thuật một lần, bác sĩ dặn ông không được bưng bê vật gì có trọng lượng nặng quá 5kg.
Với những loại giấy vụn như thế này, ông Sữa bán được 2- 4 ngàn đồng/kg.
Thấy trong xóm có nhiều bạn già rèn luyện sức khoẻ bằng cách đạp xe, ông Sữa bèn mua lại một chiếc xe thể thao cũ và bắt đầu luyện tập. “Tôi cùng đạp xe với mấy ông bạn trong xóm, thấy có nhiều đồ phế thải vứt bỏ bên đường, tôi bèn tách ra chạy một mình để có thời gian nhặt ve chai”- ông Sữa nhớ lại. Ban đầu, ông còn e ngại, chỉ dám nhặt nhạnh các thứ linh tinh ở những nơi vắng vẻ trên đồng ruộng hay ven đường.
Sau một thời gian, ông thấy việc làm này chẳng có gì phải xấu hổ nên mạnh dạn nhặt ve chai, mủ bể trong xóm, trong thùng đựng rác trước cửa nhà dân. Ông Sữa kể: “Mỗi khi nhìn thấy có đồ phế thải bỏ trước nhà dân, tôi bước vào, chào hỏi và xin chủ nhà nhặt. Khi nào chủ nhà đồng ý, tôi mới nhặt.
Nhặt xong tôi cảm ơn họ đàng hoàng. Thấy tôi lịch sự như vậy, dần dần nhiều người thương mến. Bây giờ một trăm người thì hết tám chục người thương tôi, khi có chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt họ thường để dành cho tôi”. Những thứ phế thải này, ông Sữa đem về nhà phân loại ra, chừng khoảng 10 ngày sau có người đến thu mua một lần. Giấy vụn bán được khoảng 2 - 4 ngàn đồng/kg, chai nhựa bán được 6- 8 ngàn đồng/kg, lon bia, lon nước ngọt bán được cao giá hơn. Trung bình mỗi lần bán như vậy ông Sữa kiếm được khoảng 500 ngàn đồng.
Ðiều đáng ghi nhận là số tiền kiếm được từ việc nhặt ve chai, mủ bể, ông Sữa để dành đóng góp cho xã hội. Mỗi khi trong Hội Người cao tuổi có người đau ốm, hoạn nạn hoặc tang gia, ông đều đóng góp bằng tất cả khả năng của mình. “Mỗi lần Hội Người cao tuổi cho hay trong ấp có người bệnh, tôi đều đi thăm và tặng bao thư với số tiền 200 ngàn đồng. Tôi đã trải qua gần cả đời nghèo khó nên rất thấu hiểu những khó khăn lúc túng thiếu của bà con. Bây giờ có người khác khó khăn hơn nên tôi giúp đỡ”.
Ông Lê Văn Tới- Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Phước cho biết thêm: “Hiện nay, những người con của ông Sữa đã lớn, lập gia đình, ra ở riêng và cũng chung tay lo cho cha mẹ già. Vì vậy, hầu hết số tiền ông kiếm được từ việc nhặt ve chai, kể cả số tiền con cái cho, ông đều đem đóng góp cho xã hội, chủ yếu là ông đóng góp cho Hội Người cao tuổi. Hoặc mỗi khi chính quyền địa phương kêu gọi giúp đỡ đồng bào nghèo ăn tết, giúp học sinh nghèo hiếu học, ông đều nhiệt tình ủng hộ. Ông Sữa khiêm tốn, không kể hết những khoản mình đóng góp, nhưng tính ra, trung bình mỗi năm, ông Sữa đóng góp cho xã hội từ 40- 50 triệu đồng”.
So với nhiều người khác, số tiền đóng góp của ông Sữa không bao nhiêu, nhưng một người cao niên, bị bệnh, không có ruộng vườn, nghề nghiệp mà luôn sẵn sàng chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn là một điều đáng quý. Với những nghĩa cử cao đẹp nêu trên, vừa qua, ông Sữa được UBND xã Thanh Phước tặng giấy khen vì thành tích làm tốt công tác xã hội từ thiện năm 2018.
Ðại Dương