Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lại chuyện xin gạo cứu trợ
Thứ sáu: 21:38 ngày 13/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Như đã thành lệ, cứ vào dịp cuối năm chuẩn bị Tết đến xuân về là một số tỉnh lại làm đơn xin Chính phủ cấp gạo cứu đói vào những ngày Tết và giáp hạt. Năm nay, 15 tỉnh đã làm đơn xin Chính phủ cấp gạo cứu trợ để cấp cho các hộ thiếu lương thực tại địa phương với tổng số lượng lên tới hàng chục nghìn tấn.

Nếu thực tế đúng những hộ có nguy cơ thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc đứt bữa vì không có lương thực thì Nhà nước cấp gạo để giúp người dân đón Tết đủ đầy với “bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành” không chỉ là đạo lý “lá lành đùm lá rách” mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, cùng các chính sách an sinh xã hội thiết thực nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những tỉnh thật sự khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh thì cũng có những trường hợp được mùa vẫn xin cứu đói với phương châm “cứ xin, được cân nào hay cân đấy”, khi tiếp nhận gạo cứu trợ của Chính phủ thì việc chia cho hộ đói ra sao, đã thật sự công bằng giữa các gia đình chưa, v.v. với bao nhiêu hệ lụy chung quanh hạt gạo cứu trợ.

Một dạo, Ninh Bình cũng trong hàng ngũ những tỉnh làm đơn xin Chính phủ cấp gạo cứu đói cho nhân dân trong tỉnh vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới mỗi khi Tết đến xuân về.

Cụ thể, đầu năm 2013 khi tỉnh Ninh Bình được Chính phủ cấp hơn một nghìn tấn gạo, đầu năm 2014 được cấp 546 tấn gạo, đầu năm 2015 được cấp 265 tấn gạo để tỉnh cấp cho các đối tượng có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết và giáp hạt.

Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 2010 đến nay, năm nào Ninh Bình cũng là tỉnh… được mùa!

Có thể nói, trong suốt thời gian 2010 đến nay về khí hậu, thời tiết ở Ninh Bình khá thuận lợi. Không có cảnh bão lũ ngập trắng đồng như thời kỳ 2008 trở về trước. Đó là nhờ hệ thống đập tràn Lạc Khoái (Gia Viễn) được xây dựng kiên cố ngăn nước lũ từ Hoàng Long tràn vào các xã ngoài đê.

Mặt khác, Ninh Bình là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của bão, mỗi năm chỉ 1-2 trận bão đã suy yếu đi qua không gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp của tỉnh rất nỗ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là cây lúa.

Huyện Yên Khánh được coi là vựa lúa của tỉnh Ninh Bình. Hàng loạt giống lúa mới chất lượng cao được đưa vào đồng ruộng Yên Khánh trồng rồi sản xuất giống cung cấp cho các huyện trong tỉnh, thậm chí giống lúa chất lượng cao của Ninh Bình còn vươn xa tới các tỉnh miền Bắc.

Năng suất lúa trong tỉnh ổn định ở mức 63-67 tạ thóc/ha vụ chiêm xuân, không ít xã ở huyện Kim Sơn, Yên Mô, Gia Viễn còn đạt 70-72 tạ thóc/ha. Còn vụ mùa năng suất ổn định khoảng 45-55 tạ thóc/ha.

Trong các cuộc họp ở tỉnh cũng như cấp huyện, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình dồn dập báo tin lúa đạt năng suất cao, chất lượng tốt và ngưỡng 50 vạn tấn lương thực/năm không phải là con số quá lớn đối với nông nghiệp tỉnh và bình quân lương thực hằng năm luôn ở mức hơn 300 kg/người.

Những ngày cuối vụ các huyện (kể cả miền núi Nho Quan) cũng dồn dập báo tin được mùa, thậm chí truyền thông địa phương luôn phản ánh sát trên từng cánh đồng những bông lúa dài, hạt mẩy căng được nông dân thu hoạch chở đầy trên các phương tiện vận tải về nhà. Nhà đông người, chất hàng tấn lúa. Gia đình nào ít nhân khẩu cũng có dăm - bảy tạ thóc.

Vậy tại sao Ninh Bình vẫn làm đơn xin “cứu đói”? Trả lời câu hỏi của tôi, có người tặc lưỡi “cứ làm đơn, được cân nào, hay cân ấy”.

Thế nhưng, một thực tế là hạt gạo cứu trợ của Nhà nước khi đem về tỉnh thì “cào bằng” nơi nào cũng được, kể cả địa phương có số hộ nghèo thấp như Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, v.v.

Hơn nữa, khi người dân đã có gạo “quê” thì số gạo cứu trợ của Nhà nước chỉ được dùng vào việc… nấu rượu hoặc làm bánh tráng dùng để ăn vặt chứ không phải sử dụng cứu đói. Bên cạnh đó, việc chia gạo cứu trợ cũng gây nhiều dư luận lùm xùm như nhà cao tầng được cấp gạo cứu đói nhiều hơn nhà thấp tầng!

Có thể khẳng định, chủ trương cấp gạo cứu đói cho người dân thiếu lương thực trong dịp Tết cũng như ngày giáp hạt của Đảng và Nhà nước mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo.

Tuy nhiên, khi xét cấp gạo cứu đói cần yêu cầu đơn vị xin cứu trợ phải có trong hồ sơ những văn bản phản ánh về thiên tai, dịch bệnh hoặc báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về năng suất, sản lượng lương thực của địa phương trong năm qua ra sao? Tránh tình trạng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nói được mùa còn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lại làm đơn xin gạo cứu trợ! Nhất là các tỉnh vùng đồng bằng nếu không có thiên tai, dịch bệnh thì cần phải cân nhắc thật kỹ khi cấp gạo cứu trợ.

Hãy dành những tấn lương thực quý giá ấy trợ cấp cho đồng bào vùng cao, đồng bào Tây Nguyên, đồng bào vùng lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh.

Ý thức sâu sắc về chính sách cứu trợ gạo đối với hộ đói, hộ nghèo của Đảng và Nhà nước, cho nên liên tiếp hai năm từ đầu năm 2016, 2017 Ban Thường vụ tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo không xin cứu trợ gạo của Chính phủ khi địa phương không bị thiên tai, lũ lụt. Chủ trương này được đông đảo nhân dân trong tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục