Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vụ án thủ quỹ “Thụt két”:
Lại dời ngày tuyên án
Thứ tư: 05:35 ngày 23/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau phần xét hỏi để làm rõ hơn hành vi của ba bị cáo liên quan đến việc thực hiện 11 hợp đồng “khống” cầm cố 15 lượng vàng và 3 hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm để chi gần 2,2 tỷ đồng hợp thức hoá thiếu hụt quỹ, HĐXX tạm dừng để nghị án. Sau đó, thay mặt HĐXX, chủ toạ phiên toà thông báo toà sẽ tuyên án vào ngày 25.8.2017.

Báo Tây Ninh số ra ngày 19.8 có bài tường thuật phiên toà xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với các bị cáo Nguyễn Công Thanh- nguyên thủ quỹ Phòng giao dịch Long Hoa (GDLH) Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Chi nhánh Tây Ninh; Võ Sỹ Lân- nguyên Giám đốc Phòng GDLH và Trần Kim Thành, nguyên Trưởng bộ phận ngân quỹ, kiểm soát viên giao dịch Phòng GDLH. Hai bị cáo Lân, Thành còn bị truy tố tội “Che giấu tội phạm”.

Kết thúc buổi tranh tụng tại phiên xử này, thay mặt HĐXX, thẩm phán Phạm Thị Thanh Giang- chủ toạ phiên toà thông báo, vào ngày 21.8, toà sẽ tuyên án. Tuy nhiên, khi xét xử trở lại, toà không tuyên án mà tiếp tục thực hiện phần xét hỏi đối với ba bị cáo Thanh, Lân, Thành để làm rõ các hành vi sai phạm của các bị cáo, đặc biệt là các hợp đồng tín dụng “khống” do bộ ba này thực hiện.

Trả lời HĐXX, bị cáo Võ Sỹ Lân tiếp tục không đồng ý với cáo buộc của Viện Kiểm sát (VKS) về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Lân trình bày rằng, bản thân bị cáo chỉ là “người bán hàng cao cấp” theo sự phân công của Tổng Giám đốc ACB với 100% quỹ thời gian là “đi ra ngoài bán hàng”.

Giải thích về nhiệm vụ của mình, bị cáo Lân cho rằng, tuy được giao nhiệm vụ với chức danh Giám đốc Phòng GDLH, nhưng thực tế, các nhân viên làm việc tại bộ phận này đều chịu sự điều hành của Hội sở, chỉ riêng bản thân Lân là do Tổng Giám đốc ACB điều hành, chịu trách nhiệm về chỉ tiêu lợi nhuận của phòng. Nội dung này được thể hiện trong các văn bản của ACB Tây Ninh, nhất là sau hội nghị sơ kết tháng 7.2013 tại Hội sở.

Khi được HĐXX hỏi về trách nhiệm quản lý tại Phòng GDLH, bị cáo Lân cho biết, bị cáo và Hội sở ACB cùng trực tiếp điều hành. Việc kiểm tra định kỳ, đột xuất các mặt hoạt động của phòng, trong đó có kho quỹ, chủ yếu do kế toán viên Nguyễn Thị Ánh Nguyệt của Hội sở thực hiện, và đều được lập biên bản.

Lân cũng khẳng định, Hội sở cho phép Phòng GDLH chi vàng khống và trực tiếp gây thừa, thiếu quỹ. Nội dung này thể hiện tại văn bản nghiệp vụ như một khung pháp lý phải thi hành. Cụ thể, quá trình làm việc, khi kiểm kho quỹ xác định thừa thiếu như thế nào so với hệ thống, bị cáo Lân phải điều chỉnh trên hệ thống thể hiện tồn quỹ cuối ngày bằng không, dù trong kho quỹ còn tồn vàng.

Đầu ngày làm việc của tháng, Hội sở sẽ điều chuyển quỹ trở lại để hoạt động. Chứng minh cho hoạt động này theo yêu cầu của HĐXX, bị cáo Lân cho biết, sau khi điều chỉnh, bị cáo Lân in ra nhật ký quỹ sau khi chuyển vàng về Hội sở, thể hiện tồn quỹ cuối ngày bằng không, chỉ có chữ ký của hai bị cáo Thanh, Thành. Bị cáo Lân không đồng ý cách làm này nên không ký tên, hồ sơ thể hiện cụ thể của giao dịch như trên là ngày 31.12.2013.

Về 11 hợp đồng thế chấp khống 15 lượng vàng mà VKS cáo buộc, Lân khẳng định hợp đồng trên là đúng. HĐXX yêu cầu chứng minh, bị cáo Lân trình bày, tại biên bản kỷ luật sa thải bị cáo, Hội đồng kỷ luật không kết luận 11 hợp đồng này là sai để làm cơ sở kỷ luật.

Bị cáo Lân đặt vấn đề, tại sao tất cả nhân viên tín dụng, hoặc nhân viên tư vấn tài chính tham gia quy trình này không bị khởi tố hình sự, còn bị cáo Lân lại bị khởi tố? Theo quy định, Hội sở ACB quản lý trực tiếp đến từng nhân viên, còn bị cáo Lân làm nhiệm vụ “bán hàng”, 100% thời gian Lân “tung tăng” ở bên ngoài.

Hội sở không quy định bị cáo Lân phải chứng kiến “kiểm soát” quy trình này. Các công việc giao nhận vàng 11 hợp đồng, bị cáo Lân không trực tiếp nhận nhưng có thấy bị cáo Thanh bỏ vàng vào các túi.

Về 3 hợp đồng tín dụng thế chấp sổ tiết kiệm mà bị cáo Lân mượn của người thân để thế chấp vay gần 2,2 tỷ đồng bù đắp vào sự thiếu hụt kho quỹ, Lân cho rằng mình làm thủ tục là không sai, dù khách hàng không đến nhận tiền.

Lân lý giải, năm 2013, bị cáo không còn quyền trực tiếp quản lý, thể hiện bằng văn bản của ACB. Công việc kho quỹ do khối vận hành Hội sở đảm trách, trưởng đơn vị chỉ là “người bán hàng cao cấp”.

Lân giải thích, việc vận hành tại Phòng GDLH gồm bộ phận giao dịch, kiêm luôn cả quỹ và bộ phận hỗ trợ tín dụng, tức các nhân viên tín dụng, hai bộ phần này đều do Hội sở quản lý; còn các nhân viên bán hàng do Phòng Bán hàng quản lý, riêng trưởng đơn vị như bị cáo Lân do Tổng Giám đốc quản lý liên quan đến chỉ tiêu lợi nhuận. Lân cho biết đúng ra theo nguyên tắc ngân hàng, việc điều chuyển vốn về Hội sở phải thực hiện song song là điều chuyển trên hệ thống và nộp tiền mặt.

Tuy nhiên, Hội sở đã cho phép đơn vị thực hiện “một vế”, tức được điều chuyển trên hệ thống, nhưng vẫn giữ tiền mặt. Và trong khi có quy định như vậy, cuối ngày, Lân vẫn kiểm quỹ, khoá kho, nhưng việc thất thoát lại không thuộc về bị cáo Lân mà trách nhiệm thuộc về… Hội sở. Lân chứng minh, văn bản Hội sở đã thể hiện không giao trách nhiệm này cho bị cáo. Lân cho biết, các giấy tờ giao dịch hay hồ sơ thanh lý, Thành ký tên và quản lý. Việc thực hiện các giao dịch này trước đây, bị cáo Lân không quản lý mà do các nhân viên khác thực hiện theo quy định của Hội sở.

Trình bày với HĐXX về các giao dịch và hồ sơ thanh lý mà Lân bảo rằng “không biết” nhưng có ký tên, bị cáo Trần Kim Thành cho rằng mình không biết các việc làm của các nhân viên tín dụng, Thành chỉ thực hiện việc giải ngân hoặc thu vào theo trách nhiệm của mình. Khi HĐXX hỏi về một hợp đồng “lạ”, nội dung thể hiện khách hàng đến giao dịch trả tiền gốc và lãi (số lẻ) thì ngày hôm sau khách hàng vay lại đúng số tiền gốc và lãi vừa trả ngày hôm trước? Bị cáo Thành cho biết, việc cho mượn số tiền lẻ trùng khớp với số tiền trả gốc lãi hôm trước là do thoả thuận của bộ phận giao dịch với khách hàng, Thành chỉ biết công đoạn của mình.

Về trách nhiệm của bị cáo Lân đối với việc kiểm quỹ, Thành cho biết, chỉ thấy Lân có thực hiện việc kiểm quỹ, nhật ký quỹ hằng ngày, còn việc cấp trên phân công nhiệm vụ gì cho Lân thì Thành không biết, không quan tâm, vì nó thuộc “tầm vĩ mô”.

Bị cáo Thành cho biết, việc thiếu hụt vàng, nhưng phải trả vàng cho khách hàng, Thành chi tiền của quỹ dù không làm thủ tục theo quy định, mà sử dụng chiêu “chuyển đổi” vàng và tiền trên hệ thống để hợp thức hoá với ý nghĩ chỉ chuyển “từ tổn thất này sang tổn thất khác” chứ thực tế không chi ra. Thành khẳng định, việc giao dịch vàng bị cáo Lân không biết, chỉ biết cuối ngày khi kiểm quỹ.

Trình bày trước HĐXX về những nội dung trên, bị cáo Nguyễn Công Thanh cho rằng việc mua vàng bên ngoài bỏ vào kho quỹ không có chứng từ. Việc làm này, Thanh có báo cho Thành, nhưng không báo cho Lân. Thanh chỉ làm biên bản kiểm tra thực tế (thiếu), sau đó, cả ba bị cáo Thanh, Thành, Lân cùng nhau làm biên bản đủ, ký tên để hợp thức hoá vào ngày hôm sau.

Trong lúc bị cáo Thanh trình bày, Lân “xin có ý kiến” với HĐXX: việc hợp thức hoá quy trình “tiền - vàng” thông qua những hợp đồng, Lân chỉ biết trên hợp đồng, còn việc có nhập vàng vào hay không, bị cáo không biết.

Tiếp tục trả lời HĐXX, bị cáo Thanh xác định, 11 hợp đồng là có thật, chỉ không nhận vàng từ khách hàng, nhưng có chi tiền cho khách hàng (mỗi hợp đồng 500 triệu đồng).

Đối với 3 hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm chi gần 2,2 tỷ đồng, Thanh cho biết, bị cáo Lân nói cho Lân mượn, nên thay vì chi cho khách mà “giữ lại” cho Lân mượn là nhằm hợp thức hoá việc hụt quỹ. Tuy nhiên, HĐXX xác định hành vi này cả ba bị cáo Thanh, Thành, Lân đều biết, cố ý cùng nhau thực hiện giao dịch hợp đồng trái quy định của ngân hàng.

Sau phần xét hỏi để làm rõ hơn hành vi của ba bị cáo liên quan đến việc thực hiện 11 hợp đồng “khống” cầm cố 15 lượng vàng và 3 hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm để chi gần 2,2 tỷ đồng hợp thức hoá thiếu hụt quỹ, HĐXX tạm dừng để nghị án. Sau đó, thay mặt HĐXX, chủ toạ phiên toà thông báo toà sẽ tuyên án vào ngày 25.8.2017.

ĐỨC TIẾN - THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục