Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lãi suất có tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm?
Thứ bảy: 10:44 ngày 16/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện, mặt bằng lãi suất đã giảm so với thời điểm này của năm 2020. Nếu so sánh với mặt bằng lãi suất trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, lãi suất huy động cũng như cho vay đều giảm mạnh. Song, câu chuyện mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay là lãi suất có tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm?


Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á, Chi nhánh quận Cầu Giấy. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo thống kê, lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 9 vừa qua đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng giảm 0,03%/năm xuống 4,71% và 12 tháng giảm 0,002%/năm còn 5,561% vào cuối tháng 9. Riêng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) điều chỉnh giảm lãi suất đối với cả 2 loại kỳ hạn trên.

Thực tế cho thấy, với mức lãi suất thấp như hiện nay đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khiến một lượng tiền không nhỏ chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán...

Theo Tổng cục Thống kê, huy động vốn các tổ chức tín dụng 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 4,28% (cùng kỳ tăng 7,48%). Tuy nhiên, lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giảm mạnh trong quý III đối với kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng, cho thấy trạng thái thanh khoản duy trì dồi dào của thị trường. Áp lực giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế khiến nhiều ngân hàng không thể duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức hấp dẫn như trước.

Dù vậy, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội chia sẻ, việc cho vay cũng không dễ dàng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, dòng tiền gián đoạn không thể quay vòng vốn, khó đáp ứng đủ các yêu cầu về phương án sản xuất, dòng tiền trả nợ... Do đó, ngân hàng phải cùng đồng hành tư vấn tài chính, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, nếu lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân và doanh nghiệp sẽ có xu hướng đầu tư vào những kênh khác sinh lời cao hơn như bất động sản, chứng khoán, vàng… Khi đó, hệ thống ngân hàng vừa thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, lại vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để kích thích cho nền kinh tế. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đang phối hợp với các bộ, ban, ngành xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3-4%/năm) ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước từ nay tới cuối năm là tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại và sẽ theo dõi sát diễn biến dịch bệnh.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Với lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào thời điểm hiện nay, nhằm bảo đảm thanh khoản của hệ thống cũng như quyền lợi người gửi tiền.

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục