Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Làm báo thời công nghệ số: Nhanh nhạy, cẩn trọng, nêu cao trách nhiệm xã hội
Thứ sáu: 00:04 ngày 17/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - MXH cũng tồn tại vô vàn thông tin không kiểm soát, nguy hiểm hơn là thông tin sai sự thật hoặc chỉ đúng một phần, không đúng bản chất do chính những cây viết có nghề hoặc những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng MXH thực hiện nhằm phục vụ mục đích của họ.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Tâm Giang)

Mạng xã hội (MXH) phát triển mạnh mẽ với rất nhiều lợi thế nhờ khả năng thông tin trực tiếp, lan truyền nhanh, tương tác cao và không biên giới. MXH vì thế tác động rất lớn đến đời sống báo chí, trở thành nguồn tin quan trọng và là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Tuy nhiên, MXH cũng tồn tại vô vàn thông tin không kiểm soát, nguy hiểm hơn là thông tin sai sự thật hoặc chỉ đúng một phần, không đúng bản chất do chính những cây viết có nghề hoặc những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng MXH thực hiện nhằm phục vụ mục đích của họ. Điều này gây hệ luỵ không nhỏ đối với sự ổn định xã hội, đòi hỏi những người làm báo phải thực sự tỉnh táo, thông tin nhanh nhưng phải chính xác và có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC KIỂM CHỨNG THÔNG TIN

Nhanh nhạy nhưng cẩn trọng và luôn tuân thủ nguyên tắc kiểm chứng thông tin với góc nhìn đa chiều, khách quan. Đó là nguyên tắc mà các nhà báo, phóng viên và bất kỳ tờ báo nào cũng phải tuân thủ, đặc biệt là trong bối cảnh phải cạnh tranh thông tin với MXH. Báo chí chính thống, nhất là những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, thay vì chạy đua với MXH thì ngày càng phải khẳng định vị thế, thế mạnh riêng của mình so với MXH ở chất lượng thông tin, tính chính thống và chính xác.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Giang Phương- phóng viên Báo Thanh Niên phụ trách địa bàn tỉnh Tây Ninh cho biết: “MXH tràn ngập thông tin là một lợi thế rất lớn cho người làm báo khi có rất nhiều nguồn tin ban đầu nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ. Để thông tin nhanh, chuẩn xác, một nguyên tắc bắt buộc mà tôi luôn tuân thủ khi tiếp nhận thông tin từ MXH là kiểm chứng và kiểm chứng. Kiểm chứng nguồn thông tin đa chiều để tìm ra sự thật. Phóng viên không được phép đưa thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng khi đăng tải. Đơn cử như sự việc thầy giáo một trường ở Dương Minh Châu có hành vi dâm ô nhiều nam sinh lan truyền rất nhanh trên các mạng Facebook. Tiếp nhận nguồn tin này theo nguyên tắc kiểm chứng, chúng tôi đã tìm cách liên hệ với gia đình các nạn nhân để nắm sự việc. Không dừng lại ở đó, chúng tôi tiếp tục làm việc với lãnh đạo nhà trường, phòng Giáo dục và Đào tạo liên quan đến các thông tin trên MXH nêu. Khi thông tin dần sáng tỏ, xác định sự việc mà dư luận đang phẫn nộ là có thật, chúng tôi đã có những tin bài phản ánh quyết liệt để lấy lại công bằng cho các em học sinh là nạn nhân của người thầy mất nhân tính này”.

Làm việc trong thời đại công nghệ số, nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí đã tham gia nhiều nền tảng MXH, như: Facebook, YouTube, TikTok… Hiện nay, ngoài Luật Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH. Đây là căn cứ để mỗi người làm báo Việt Nam sử dụng MXH một cách hiệu quả, đúng mực, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Nhà báo Giang Phương chia sẻ thêm: “Nguyên tắc tôi thường áp dụng cho bản thân khi sử dụng MXH chủ yếu để tương tác, chia sẻ, đăng tải nhằm cung cấp những thông tin, định hướng có ích cho xã hội, kể cả trong các bình luận trên MXH, tôi cũng luôn ý thức phải chuẩn mực, văn hoá. Trong quá trình sử dụng MXH, tôi nhận thấy nếu sử dụng đúng cách, khai thác có kiểm chứng sẽ mang lại nhiều lợi ích, phục vụ tốt cho tác nghiệp báo chí và giúp định hướng thông tin xã hội, đặc biệt, giúp cộng đồng nhận ra và lên án những điều sai trái, thông tin sai sự thật, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, của đất nước…”.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Tâm Giang)

Trên địa bàn Tây Ninh, ngoài hai cơ quan báo chí của tỉnh là Đài Phát thanh và Truyền hình và Báo Tây Ninh, còn có 2 cơ quan báo chí có văn phòng thường trú đó là Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và 30 cơ quan báo chí có phóng viên theo dõi, phụ trách địa bàn. Nhà báo Nguyễn Thế Lực- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí trong tỉnh đã tuyên truyền, triển khai đến từng chi hội, hội viên, phóng viên về Luật Báo chí, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam bằng nhiều hình thức.

Qua theo dõi, đội ngũ người làm báo tỉnh nhà chưa có hội viên, nhà báo nào vi phạm Quy tắc sử dụng MXH và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mỗi người làm báo trên địa bàn tỉnh ngày càng giỏi về nghiệp vụ, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và nêu cao trách nhiệm xã hội.

TRANH LUẬN, PHẢN BÁC VĂN MINH

Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội (MXH) phát triển mạnh mẽ với rất nhiều lợi thế nhờ khả năng thông tin trực tiếp, lan truyền nhanh, tương tác cao và tính chất toàn cầu, không biên giới. Lợi dụng điều này, một số người xuất phát từ nhiều động cơ, nguyên nhân khác nhau, lúc âm thầm, khi ào ạt đưa ra những thông tin sai sự thật hoặc thông tin chỉ đúng một phần. Đây chính là chiêu trò xuyên tạc, bóp méo và ở cấp độ cao hơn: bịa đặt thông tin hết sức trắng trợn.

Tình trạng trên đặc biệt xuất hiện nhiều trong thời gian qua, nhất là mỗi khi trong nước, trong đời sống xã hội diễn ra sự kiện chính trị quan trọng hoặc có thiên tai, dịch bệnh. Vấn đề đặt ra đối với những người làm báo nói chung, hệ thống báo Đảng nói riêng là làm gì, làm như thế nào để có thể góp phần vào việc “vạch mặt chỉ tên” và qua đó “giải nọc độc thông tin”, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó cũng chính là những suy nghĩ, trăn trở về trách nhiệm xã hội của người cầm bút nói chung trên “mặt trận tư tưởng” hiện nay.

Nhà báo Đồng Viết Thắng- một cây bút chính luận của Báo Tây Ninh hai lần đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) cho biết, việc bác bỏ những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, thậm chí bịa đặt đối với những người làm báo chính thống là không hề dễ, nhưng không phải không làm được. Khó là vì có không ít cây bút “trên tuyến đầu chống đối chế độ” xuất thân là những nhà báo chuyên nghiệp hoặc từng đảm trách một vị trí nào đó trong xã hội, có người từng là chuyên gia đầu ngành thuộc một lĩnh vực nào đó. Sòng phẳng, họ là người không phải không có trình độ, thậm chí nhiều người trình độ cao, được đào tạo bài bản. Vì thế, bác bỏ ý kiến, quan điểm của họ không phải chuyện đơn giản. Nhưng điểm yếu của họ ở chỗ, để phục vụ cho mục đích cá nhân, nhiều khi họ bất chấp sự thật, nói sai sự thật khách quan. Thậm chí, không ít khi, qua các bài viết, họ thể hiện mình là một người tầm thường.

Nhà báo Đồng Viết Thắng (thứ 3, từ phải qua)- phóng viên Báo Tây Ninh đoạt giải “Tác phẩm xuất sắc về đấu tranh chống diễn biến hoà bình” Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ V- năm 2020.

“Trong trường hợp này, những người làm báo cần lên tiếng, “điểm mặt” những thông tin sai trái đó. Muốn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, người làm báo phải đọc nhiều, nghiên cứu rất nhiều, có khả năng tổng hợp tốt để không ngừng tự làm giàu tri thức của mình. Mặt khác, việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên MXH là phải trên tinh thần đối thoại, tranh luận văn minh, chỉ ra đâu là cái sai, cái suy diễn của họ chứ không quy chụp, đả kích, mạt sát cá nhân”- nhà báo Đồng Viết Thắng chia sẻ.

Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH:

1. Sử dụng tài khoản MXH của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước.

2. Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hoá, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

3. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên MXH có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân.
4. Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

(Theo Điều 3 Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam)

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục