Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
Làm như thế mới đúng là “thượng tôn pháp luật”
Thứ sáu: 10:42 ngày 23/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bây giờ tôi mới hiểu nguồn cơn gốc tích của đoạn đường chỉ dài hơn một cây số mà làm tới ba năm vẫn chưa xong…

-Ông muốn nói tới con đường chạy cặp theo cạnh phía Tây khu nội ô Toà thánh đó hả? Chắc tại gần tới rằm tháng Tám âm lịch, mùa lễ Hội yến, huyện mình rục rịch đón tiếp hàng trăm ngàn khách “lục tỉnh” đến nơi ấy tham quan chiêm bái nên ông cảm thấy bứt rứt chớ gì?

-Chớ sao nữa! Mà thật ra cũng không chỉ tới rằm Trung thu đâu, con đường ấy dẫn từ quốc lộ đến hai khu du lịch tâm linh lớn, tiêu biểu của tỉnh, có thể nói là bộ mặt du lịch văn hoá của quê hương mình, vậy mà chuyện mở rộng, nâng cấp con đường ngắn ngủn cho đúng quy hoạch phát triển của tỉnh, của huyện lại cứ “ạch đụi” dở dang mãi, làm sao mà chịu được.

-Chuyện đó mấy năm nay ai có đi qua đoạn đường ấy đều thấy và đều… hết sức khó chịu, nhưng không phải ai cũng đều biết nguyên nhân vì sao như vậy. Ngược lại, cũng có người đọc báo mạng, báo ngoài tỉnh còn hiểu theo chiều hướng cho rằng chính quyền làm sai, thậm chí là… ép chế dân nữa. Nay thì ông nói ông mới hiểu rõ ngọn ngành là hiểu làm sao?

-Thì trên báo tỉnh mình có đăng công khai, rõ ràng rồi đó, nếu ông không có mua báo in thì lên mạng mà đọc báo điện tử sẽ nắm được thôi.

-Ai nói với ông là tôi chưa đọc, nhưng mà…

-Nhưng sao?

-Nhưng tôi vẫn còn băn khoăn vì báo tỉnh khẳng định: “Không bồi thường các hộ lấn chiếm đất giao thông là đúng quy định pháp luật”; còn dân, tức là những người chưa thực hiện giải toả mặt bằng giao đất để làm đường, thì viện dẫn pháp luật về đất đai và nói với các báo ngoài tỉnh rằng họ “không lấn chiếm đất giao thông”, nói họ lấn chiếm sao không ra quyết định thu hồi? Như vậy mà vẫn muốn giải toả không bồi thường thì sao đúng quy định được? Ông “hiểu được nguồn cơn” thì “cắt nghĩa” chỗ đó cho tôi thông đi.

-Tôi đọc báo tỉnh thì thấy rằng chính quyền ra các quyết định liên quan đến việc giải toả đất giao thông bị lấn chiếm để làm đường công cộng đều có căn cứ pháp lý, dựa trên quy định pháp luật hết. Về chuyện không ra quyết định thu hồi là vì chính quyền không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất giao thông nên không phải ra quyết định thu hồi. Như vậy người dân sử dụng đất trong lộ giới con đường tức là lấn chiếm, phải giải toả giao mặt bằng để làm đường thôi.

-Cũng có ít nhất một trường hợp đất nằm trong lộ giới nhưng lại được ngành chức năng và chính quyền địa phương xác nhận là nằm ngoài lộ giới quy hoạch để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cả phần “được” cho là đất “lấn chiếm” thì sao?

-Thì báo tỉnh cũng đã có nêu rõ rồi đó. Trường hợp cá biệt ấy là do: “quá trình quản lý lỏng lẻo, Uỷ ban huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng sử dụng không đúng quy định (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất giao thông)”. Vì vậy tỉnh mới chỉ đạo cho huyện xác định mức thiệt hại cụ thể của người sang nhượng hợp pháp đang sử dụng phần đất ấy để thực hiện bồi thường về đất. Còn đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc cấp giấy “cá biệt” ấy thì tỉnh chỉ đạo cho huyện phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đúng quy định pháp luật.

-Vậy là công khai, minh bạch quá rồi, đâu có thể nào “so bì” với trường hợp sai phạm cá biệt ấy để không chấp hành quyết định đúng quy định pháp luật của Nhà nước ông hả! Nhưng… thú thiệt tôi thấy cả hai bên chính quyền và dân đều cho rằng mình đều “đúng”. Nói trắng ra là chính quyền bảo “không bồi thường là đúng” còn một số hộ dân còn khiếu nại thì bảo “không bồi thường là sai”. Nếu cứ đôi co như vậy mãi, không ai chịu ai… thì làm sao giải quyết rốt ráo, chẳng lẽ cứ để con đường “nham nhở” làm hoài hổng xong như vậy sao?

-Tôi nghĩ rằng, mọi người đang sống trong đất nước có pháp luật, có kỷ cương phép nước thì phải “thượng tôn pháp luật”. Chính quyền đã có chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế xã hội, có chương trình, kế hoạch, dự án phát triển vì lợi ích chung thì phải thực hiện thôi. Nghĩa là con đường đã và đang tiến hành thi công, cũng đã có tám phần mười số hộ dân “vướng lộ giới” chấp hành quyết định, thì số ít còn lại cũng phải chấp hành việc giải toả giao mặt bằng để thi công cho hoàn thành công trình công cộng, không thể nào khác.

Còn đối với “người trong cuộc”, nếu vẫn khư khư cho rằng mình bị thiệt thòi thì cứ thực hiện quyền khiếu kiện để Toà án phán xét. Và… nếu cơ quan thực thi pháp luật phán rằng “giải toả đường Lý Thường Kiệt mà không bồi thường là sai” thì lúc ấy chính quyền sẽ phải chấp hành phán quyết thực hiện bồi thường cho dân theo đúng quy định pháp luật. Thế thôi! Làm như thế mới đúng là “thượng tôn pháp luật”.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh