Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Học sinh giỏi tăng đều mỗi năm nhưng đáng lo là điểm học và điểm thi lại không tỉ lệ thuận với nhau
Chỉ tính riêng tại TP HCM, kết quả xét tốt nghiệp THCS ở nhiều quận, huyện cho thấy tỉ lệ học sinh (HS) giỏi năm lớp 9 khá cao, song kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lại tỉ lệ nghịch. Trong năm 2019, có tới gần 50% HS dưới điểm trung bình môn toán, tương đương hơn 39.000 thí sinh. Ở môn tiếng Anh, có tới 58,4% HS dưới điểm trung bình. Mặc dù nội dung, kiến thức trong các đề thi luôn bám sát chương trình, vừa sức học với HS.
Từ đâu có nhiều HSG?
Một nam HS lớp 10 tại huyện Củ Chi có điểm tổng kết năm học lớp 9 là 8,6; xếp hạng 28. Cả lớp của nam sinh này được nhận giấy khen, với 24 HS giỏi, 19 HS tiên tiến. Trong khi đó, năm 2018, 7 trường THPT tại huyện Củ Chi không có trường nào điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 vượt quá 23 điểm/3 môn (2 môn văn, toán nhân hệ số 2), thậm chí có trường chỉ có điểm chuẩn 15 điểm. Như vậy, mỗi HS chỉ cần 3 điểm/môn là có thể đậu lớp 10.
Từ những kết quả này, nhiều chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi về tính thực chất của danh hiệu HS giỏi. Theo phân tích của một giáo viên dạy THCS ở quận 5, ở trường thông thường học gì thi nấy, hơn nữa vì chỉ tiêu nên giáo viên không dám cho điểm thấp nên HS nào cũng đạt điểm cao, cũng là HS giỏi, HS tiên tiến. Trong khi đó, ở kỳ thi lớp 10, các em phải tự lực làm bài, muốn làm bài tốt, HS phải có kiến thức thật nên nhiều em có điểm thi thấp cũng là điều dễ hiểu và điểm số đó phản ánh đúng sức học của các em.
Ở cấp tiểu học, từ năm học 2016-2017, Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về đánh giá HS tiểu học (thay thế Thông tư 30) chính thức áp dụng. Cuối năm học đó, chỉ riêng đối với HS tiểu học TP HCM, có 357.219 em được khen thưởng với những thành tích tốt trong học tập và rèn luyện tại nhà trường.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp cho hay mặc dù theo Thông tư 22, quá trình đánh giá đi vào thực chất hơn, quá trình khen thưởng mở rộng hơn ở các môn nhưng quyền chi phối kết quả nhận xét, kiểm tra vẫn phụ thuộc quá nhiều vào tâm lý giáo viên. HS đạt hay chưa đạt vẫn rất khó đánh giá chính xác. "Nếu giáo viên muốn tất cả đều vui sẽ không ngần ngại đánh giá tốt hết, đạt hết nhưng thực chất các em không được như thế. Hạn chế của Thông tư 22 còn thể hiện ở chỗ việc kiểm tra cuối kỳ II năm lớp 5 ở bậc tiểu học giao hẳn cho các trường, không loại trừ vì muốn có thành tích đẹp mà các trường tự nương tay với HS của mình" - vị này cho biết.
Học sinh lớp 9 tại TP HCM tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Phải dùng tiêu chí phụ để tuyển sinh
Hệ lụy của việc quá nhiều HS giỏi ở tiểu học kéo theo việc tuyển sinh vào lớp 6 tại một số trường điểm tại TP HCM thời gian qua gặp không ít khó khăn. Theo hiệu trưởng một trường THCS, việc tuyển sinh đã phải đặt ra thêm nhiều tiêu chuẩn phụ bởi xét về điểm số thì em nào cũng đạt. Điển hình như các trường THCS Nguyễn Du (quận 1), Nguyễn Văn Tố (quận 10), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Vân Đồn (quận 4)…, mỗi năm chỉ khoảng trên dưới 200 chỉ tiêu cho HS ngoài tuyến nhưng vẫn có hàng ngàn hồ sơ đủ tiêu chuẩn HS giỏi 5 năm liền nộp vào.
Với kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, nhiều phụ huynh và HS bật khóc và sốc khi kết quả 4 năm học ở bậc THCS, HS điểm cao, năm nào cũng có giấy khen nhưng điểm thi lại quá kém, thậm chí 3 môn chỉ vỏn vẹn… 7 điểm.
TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng xét ở góc độ tâm lý, nhiều phụ huynh có tâm lý chuộng điểm số, thành tích nên lúc nào cũng thúc giục con phải học thật giỏi, điểm số thật cao. Tâm lý của phụ huynh còn là cạnh tranh, hơn thua với các phụ huynh khác, thấy con mình kém hơn bạn là chì chiết, so sánh…Điều đó khiến nhiều HS học vì áp lực, vì điểm số chứ chưa chắc học vì đam mê nên không lưu giữ kiến thức trong tâm trí.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục lại cho rằng hiện nay nhiều trường đại học sử dụng học bạ để xét tuyển vào càng làm dấy lên lo ngại sẽ có nhiều trường cố tình nâng đỡ HS để có kết quả đẹp, phục vụ xét tuyển.
Ở một góc độ khác, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng tỉ lệ HS giỏi nhiều ở các cấp là kết quả tất yếu của quá trình dạy và học theo hướng giảm tải mà Bộ GD-ĐT đang hướng tới. Điều này minh chứng cho việc các cơ sở đang làm rất tốt. Thay vì trước đây, những kiểu dạy học chỉ nhằm đối phó thi cử và những đề thi mang tính đánh đố, loại trừ thì nay những kiến thức đều nằm trong sách giáo khoa với chương trình nhẹ nhàng, thi cử cũng nhẹ nhàng.
Nhóm xét học bạ chỉ ở các trường tư thục
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, nếu nói các trường cố tình làm đẹp học bạ cho HS thì chưa đúng bởi lẽ hầu hết các trường dùng học bạ để xét tuyển chỉ thuộc các trường tư thục. "Nếu bây giờ quay lại xét nét vì sao HS giỏi nhiều quá thì đồng nghĩa chúng ta đang quay lại cách học nặng nề, nặng về hàn lâm, thi cử như trước đây?" - ông Phú nói.
Nguồn NLĐO