Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Làm sao phát hiện được tình trạng gian lận đo trong kinh doanh xăng dầu ?
Thứ bảy: 05:40 ngày 27/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng nghi ngờ các cây xăng đong thiếu xăng. Mặc dù ngành chức năng cũng đã vào cuộc nhiều lần, xử lý không ít cây xăng có hành vi bán xăng kém chất lượng, đong thiếu... nhưng người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn.

Ảnh minh hoạ.

KHÓ NÓI CÂY XĂNG ĐONG THIẾU

Ông N.V.H, hành nghề chạy xe ôm tại khu vực cửa số 4 cũ Nội ô Toà thánh (xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành) cho biết, người dân- nhất là những người chạy xe ôm như ông thường kháo nhau là cây xăng này đổ xăng đủ, cây xăng kia đổ xăng thiếu.

Thế nhưng, làm thế nào để ông H cũng như người tiêu dùng xác định cây xăng đong thiếu? Do đó, việc nhận định “thiếu, đủ” cũng chỉ bằng cảm nhận và “kinh nghiệm” của bản thân. Nếu nghi ngờ cây xăng nào đong không đủ thì người tiêu dùng chỉ biết tìm cây xăng khác mà mua.

Những ngày qua, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh đã tìm hiểu hoạt động mua bán xăng dầu tại một số cây xăng trên địa bàn huyện Hoà Thành và thành phố Tây Ninh. Chúng tôi làm một cuộc trắc nghiệm bằng phương pháp thủ công thủ công ở 3 cây xăng trên địa bàn các xã Trường Đông, Trường Hoà (huyện Hoà Thành) và phường 3.

Ở mỗi nơi, chúng tôi mua 50.000 đồng xăng A95. Qua cảm nhận bằng mắt thường, chúng tôi thấy cả 3 bình xăng (cùng loại, cùng dung tích) có mức nhiên liệu bên trong không bằng nhau. Điều này cho thấy, số lượng nhiên liệu bán ra ở mỗi cây xăng có sự chênh lệch nhau dù xăng cùng loại, cùng giá tiền, cùng số tiền mua.

Chúng tôi còn mua xăng lẻ được bày bán trên vỉa hè ở một số tuyến đường tại thành phố Tây Ninh. Kết quả, dù bình xăng được người bán nói là đúng 1 lít nhưng khi chúng tôi đem về đong lại thì chỉ có… 3 xị (750ml).

CA ĐONG ĐỐI CHỨNG ĐẶT Ở CÂY XĂNG ĐỂ... THAM KHẢO !?

Được biết, theo quy định, tại các cây xăng phải được trang bị ca đong mẫu để đong đối chứng khi khách hàng có yêu cầu. Chúng tôi đến một cây xăng nằm trên địa bàn xã Trường Đông, huyện Hoà Thành để mua xăng và sau đó yêu cầu cây xăng lấy ca đong mẫu được trang bị theo quy định để đong đối chứng.

Kết quả... nhân viên bán xăng không chấp nhận yêu cầu của chúng tôi, anh ta nói rằng không biết sử dụng ca đong mẫu. Chúng tôi liên hệ với Công an huyện Hoà Thành và Đội Quản lý thị trường số 3, huyện Hoà Thành để nhờ hỗ trợ. Đến khi lực lượng chức năng có mặt, chủ cây xăng mới đồng ý đem các ca đong mẫu ra để đong đối chứng lại lượng xăng mà chúng tôi vừa mua.

Kết quả ca đong đối chứng của cây xăng cho thấy (qua chỉ số đo trên ca), lượng xăng mà chúng tôi mua không đủ. Tuy nhiên, Cảnh sát Kinh tế- Công an huyện Hoà Thành và lực lượng Quản lý thị trường cho biết, họ không đủ chức năng xác định cây xăng đong thiếu hay đong đủ.

Chức năng trên thuộc về đơn vị đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Hơn nữa, các ca đong đối chứng đặt tại các cây xăng được phép có sai số nhất định nên cần phải có sự vào cuộc của đơn vị đo lường chất lượng.

TRÔNG CHỜ CÁI TÂM CỦA NGƯỜI BÁN

Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 15/2015/TT-BKHCN ngày 25.8.2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, hoạt động bán lẻ xăng dầu phải có sẵn các ca đong, bình đong có dung tích 1l, 2l, 5l, 10l và các ống đong chia độ có phạm vi đo phù hợp để tự kiểm tra.

Các ca đong, bình đong phải được kiểm định ban đầu và không bị móp méo, hư hỏng trong quá trình sử dụng. Một cán bộ quản lý thị trường chia sẻ, dù có quy định các cây xăng có trách nhiệm lấy ca đong mẫu đong đối chứng khi khách hàng yêu cầu, nhưng kết quả cuối cùng phụ thuộc vào cơ quan đo lường chất lượng.

Trở lại với cây xăng ở xã Trường Đông, sau khi đối chứng với ca đong mẫu của cây xăng cho ra kết quả đầy nghi ngờ, chúng tôi tiếp tục liên hệ với Sở KHCN nhờ hỗ trợ, xác định cây xăng trên có đong thiếu xăng cho khách hàng hay không.

Sở KHCN đã cử cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến để đo lường kiểm định. Kết quả đo lường xăng bơm từ trụ vào dụng cụ đo của Chi cục cho thấy nằm trong sai số cho phép (không thiếu). Tuy nhiên, Chi cục không đo lường lại số xăng mà chúng tôi đã mua (?).

Nếu Chi cục đo lường lại số xăng mà chúng tôi đã mua tại cửa hàng trên thì kết quả sẽ khách quan hơn. Vấn đề được đặt ra: với các quy định pháp luật hiện hành, nếu người dân đến đổ xăng tại các cây xăng nghi ngờ người bán đong thiếu thì họ sẽ phải làm gì để chứng minh sự nghi ngờ của mình? Trong khi ca đong mẫu, đúng chuẩn, được trang bị tại các cây xăng chỉ có giá trị tham khảo (?!).

Rõ ràng, người dân muốn tìm được bằng chứng xác định cây xăng có đong thiếu hay không còn khó hơn… lên trời. Rất mong trong thời gian tới, các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm các cây xăng có hành vi đong xăng thiếu cho khách hàng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

THIÊN TÂM - THANH NHI - THUÝ HẰNG

Theo quy định hiện nay, đối với ca đong đạt tiêu chuẩn của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thì sai số cho phép là  0,5, có nghĩa là 100l xăng có sai số cho phép 0,5l. Còn đối với ca đong đối chứng được trang bị tại các cây xăng thì chỉ số cho phép là 0,75, có nghĩa là 100 lít cho phép sai số 0,75l.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục