Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn:
Làm thế nào để “đảo chiều” giá thuốc lá và giá sữa?
Thứ hai: 05:53 ngày 19/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xin Bộ trưởng cho biết vì sao giá thuốc lá lại rất rẻ, bình dân và phổ thông; ngược lại giá sữa thì cao chót vót, thậm chí có loại ngoài tầm với của nhiều người. Bộ trưởng có thể làm gì để đảo chiều giá giữa thuốc lá và sữa?”.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, chiều ngày 1.11, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về một nghịch lý trong đời sống xã hội mà hầu như gia đình nào cũng cảm thấy băn khoăn, thắc mắc. Nội dung chất vấn như sau: “Thuốc lá có hại và tiểm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khoẻ, sữa thì ngược lại. Thuốc lá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sữa thì không.

Thuốc lá là mặt hàng hạn chế tiêu dùng, sữa là mặt hàng khuyến khích tiêu dùng, nhất là hiện nay chúng ta đang phát động phong trào sữa học đường, chương trình nâng cao thể chất, thể trạng người Việt Nam. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết vì sao giá thuốc lá lại rất rẻ, bình dân và phổ thông; ngược lại giá sữa thì cao chót vót, thậm chí có loại ngoài tầm với của nhiều người. Bộ trưởng có thể làm gì để đảo chiều giá giữa thuốc lá và sữa?”. Do không đủ thời gian trả lời tại chỗ, chủ toạ kỳ họp yêu cầu Bộ trưởng trả lời sau bằng văn bản.

Mới đây, ngày 13.11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có văn bản trả lời chất vấn của  ĐBQH Trịnh Ngọc Phương, nội dung lược ghi như sau: “Đúng là thuốc lá có hại cho sức khoẻ và hạn chế sử dụng, còn sữa là mặt hàng tốt cho sức khoẻ và được khuyến khích sử dụng. Chính vì vậy, Nhà nước quản lý 2 mặt hàng này theo hướng: hạn chế kinh doanh và sử dụng thuốc lá; khuyến khích và tăng khả năng tiếp cận đối với mặt hàng sữa.

Cụ thể, đối với mặt hàng thuốc lá, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, hạn chế sử dụng thuốc lá, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27.6.2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá; Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, theo đó quy định mặt hàng thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và hạn chế kinh doanh.

Đối với mặt hàng sữa, để tăng khả năng tiếp cận mặt hàng này cho người tiêu dùng, Nhà nước cũng có các cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng như Chương trình sữa học đường; quản lý giá sữa, đưa mặt hàng sữa vào danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá. Thực hiện Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, ngày 14.11.2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, từ 1.1.2017, Bộ Công Thương được giao quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo nhiệm vụ được giao, ngày 26.6.2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BCT quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thực tế, giá của 2 loại sản phẩm này trên thị trường có sự khác biệt từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất khác nhau nên giá thành của 2 sản phẩm cũng rất khác nhau. Bên cạnh đó, rất khó để so sánh giá cụ thể của 2 mặt hàng trên bởi bản chất của 2 sản phẩm này cũng hoàn toàn khác nhau, một sản phẩm là thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, một sản phẩm là hàng tiêu dùng có nguồn gốc từ thực vật (lá cây). Ngoài thị trường hiện nay, cả 2 loại sản phẩm này đều có rất nhiều chủng loại và mức giá khác nhau cho từng sản phẩm. Với thuốc lá giá bán dao động từ 18.000-40.000 đồng/bao (20 điếu); giá sữa dao động từ 18.000-30.000 đồng/lít (tuỳ hãng, tuỳ loại).

Đặc biệt với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi: loại 400g (dạng sữa công thức có chất lượng, có bổ sung vi chất) của một số hãng sữa uy tín trong nước có giá từ 83.000 - 125.000 đồng/hộp (có loại Dielac Anpha Gold của Vinamilk loại 1,5kg có giá 370.000 đồng/hộp). Ngoài ra, với loại sữa bột thông dụng dành cho người lớn và trẻ em nói chung có giá thấp hơn mức giá sữa công thức nêu trên. Với mức giá sữa như tại thị trường Việt Nam hiện nay và mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.500 USD/năm (khoảng 60 triệu đồng/năm), nhiều người dân tại khu vực nông thôn cũng có thể tiếp cận với các sản phẩm sữa này.

Để hạn chế sử dụng thuốc lá và tăng khả năng tiếp cận, khuyến khích sử dụng mặt hàng sữa, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động hoặc trình cấp có thẩm quyền thực hiện một số giải pháp như: Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường việc giám sát, quản lý giá sữa trên thị trường, thúc đẩy việc cạnh tranh lành mạnh nhằm hạ giá bán sản phẩm sữa trên thị trường.

Thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BCT, theo đó, trên cơ sở mức giá kê khai của doanh nghiệp (doanh nghiệp tự xác định và kê khai mức giá bán lẻ kiến nghị sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp), cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ so sánh, đối chiếu với sản phẩm tương quan trên thị trường, xác định mức chi phí hợp lý và yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp.

Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như Thuế, Hải quan… thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra (hậu kiểm) việc hoạch toán chi phí thực tế của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu có sai phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành về giá.

Dựa trên mức giá kê khai của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cơ quan chức năng sẽ cùng với các doanh nghiệp giám sát mức giá bán lẻ này trên toàn hệ thống phân phối của doanh nghiệp, và công khai giá bán lẻ này trên phạm vi cả nước (thông qua website của bộ, của sở và các doanh nghiệp).

Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc lá, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc buôn lậu thuốc lá nhằm tăng thu ngân sách và hạn chế việc sử dụng thuốc lá”.

QUANG TÂM - DUY NHÃ

(Lược ghi)

Tin cùng chuyên mục