Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA CÓ HIỆU LỰC:
Làm thế nào để không còn “chập chờn cơn tỉnh, cơn mê”?
Thứ hai: 09:56 ngày 09/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước khi có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đã có nhiều chỉ thị, nghị định, thông tư nhằm “đưa người uống rượu, bia vào khuôn khổ” nhưng kết quả thu được không bao nhiêu. Liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu bia, tính khả thi của các văn bản pháp lý rất thấp.

Một lò nấu rượu thủ công.

Tại Chỉ thị 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực.

Ðiều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, khoản 5 nghiêm cấm: “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập”.

Ngoài quy định cấm uống rượu, bia trước, trong và giữa giờ làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Luật Phòng, chống tác hại của rượu,  bia còn liệt kê hàng loạt những hành vi khác bị nghiêm cấm. Ðó là: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ. Luật còn quy định cấm khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

Cấm sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia. Cấm kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; cấm bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; cấm kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

Uống rượu, bia quá nồng độ cồn quy định là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông.

Ngày 1.1.2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành. Ðây là lần đầu tiên quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ được đưa vào luật. Trước đây, quy định cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc được đề cập đến trong một số văn bản, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn có nhiều quy định liên quan mật thiết đến hành vi, ứng xử của con người và loại chất uống có độ cồn này.

Khoản 5, Ðiều 32 của luật quy định: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”. Từ ngày 1.1.2020 (ngày luật có hiệu lực) các cơ sở có bán rượu, bia, như cửa hàng tạp hoá, các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn… cần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định nêu trên.

Khoản 6, Ðiều 32 cũng quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”. Ðiều này có nghĩa, chủ các quán nhậu, nhà hàng có thể hỗ trợ thực khách bằng cách thuê xe hoặc đưa họ về nhà sau khi đã “no say” tại cơ sở kinh doanh của mình.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn quy định, kể từ ngày 1.1.2020. không được mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Ðiều 34 của luật, gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia. Ðồng thời, cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; có khả năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Liên quan hoạt động quảng cáo, theo quy định, kể từ ngày 1.1.2020, việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm. Riêng trong trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Ðiều 12 của luật. Cụ thể, không quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài. Không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em; không quảng cáo trên phương tiện giao thông.

Luật quy định chặt chẽ như vậy nhưng để hạn chế tình trạng sử dụng đồ uống có cồn một cách vô tội vạ thì không đơn giản. Theo thống kê, hằng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Trước khi có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đã có nhiều chỉ thị, nghị định, thông tư nhằm “đưa người uống rượu, bia vào khuôn khổ” nhưng kết quả thu được không bao nhiêu. Liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu bia, tính khả thi của các văn bản pháp lý rất thấp.

Ð.V.T

Tin cùng chuyên mục