Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong năm 2022, các tổ hoà giải ở cơ sở thụ lý 553 vụ tranh chấp, đã đưa ra hoà giải 545 vụ.
Hội thi hoà giải viên giỏi cấp tỉnh lần thứ IV.
Theo báo cáo của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (Hội đồng PHPBGDPL tỉnh), toàn tỉnh hiện có 542 tổ hoà giải với 3.748 hoà giải viên. Trong năm 2022, các tổ hoà giải ở cơ sở thụ lý 553 vụ tranh chấp, đã đưa ra hoà giải 545 vụ. Trong đó, hoà giải thành 496 vụ, chiếm tỷ lệ 90,85% (tăng 2,15% so với cùng kỳ năm 2021); 49 vụ hoà giải không thành được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chiếm 9,15%; còn lại 8 vụ đang tiến hành hoà giải.
Một trong số các địa phương tổ chức hoà giải thành ở cơ sở chiếm tỷ lệ cao là xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu. Ông Trần Quốc Hiệp- Bí thư, Trưởng ấp 6, Tổ trưởng tổ hoà giải ấp 6 cho biết, để làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở thì vai trò của tổ trưởng và các hoà giải viên rất quan trọng. Những người trong tổ hoà giải phải không ngại khó khăn, đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của người dân… nhằm có hướng vận động, thuyết phục đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Hiệp chia sẻ, các hoà giải viên phải thường xuyên chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc tranh chấp để xác định được hướng hoà giải tốt nhất. Đối với những vụ tranh chấp phức tạp, tổ hoà giải ở cơ sở cần chủ động phối hợp với công an, công chức địa chính và tư pháp của xã để tìm hướng tháo gỡ.
Theo đó, tổ hoà giải cố gắng tổ chức hoà giải thành ngay từ cấp ấp. Chỉ trừ trường hợp vụ việc tranh chấp quá phức tạp, vượt thẩm quyền của cấp cơ sở thì mới chuyển lên cấp trên để giải quyết.
Theo kinh nghiệm của ông Hiệp, ngoài việc tổ chức hoà giải khi có đơn thư tranh chấp, tổ hoà giải cần tranh thủ “hoà giải nóng” (đang trong lúc xảy ra tranh chấp) để hạn chế phát sinh tranh chấp gay gắt, khó giải quyết về sau.
Những năm qua, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng, năng lực cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở; tiếp tục kiện toàn đội ngũ tập huấn viên ở 2 cấp tỉnh, huyện.
Sở Tư pháp và UBND cấp huyện tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ hoà giải cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên, hoà giải viên ở cơ sở. Sở Tư pháp cử 5 lượt tập huấn viên cấp tỉnh tham dự hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức và biên soạn bài giảng điện tử nghiệp vụ công tác hoà giải cơ sở, phát hành bài giảng cho đội ngũ tập huấn viên và hoà giải viên trên toàn tỉnh. Hội đồng PHPBGDPL tỉnh còn tổ chức hội thi hoà giải viên giỏi lần thứ IV; cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về hoà giải ở cơ sở dành cho tập thể tổ hoà giải.
Ngoài ra, Hội đồng PHPBGDPL cũng thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hoà giải ở cơ sở, đội ngũ hoà giải viên theo quy định của Luật Hoà giải ở cơ sở và Nghị quyết liên tịch số 01 ngày 18.11.2014 của Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQVN. Hội đồng PHPBGDPL tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức để thực hiện có hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở.
Trong đó, chú trọng các biện pháp xử lý chuyển hướng vụ, việc tranh chấp về hoà giải được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; kịp thời khen thưởng đối với tổ hoà giải, hoà giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Thực tế, nếu làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở sẽ mang lại hiệu quả to lớn trong việc giải quyết các vụ, việc tranh chấp ngay từ đầu, góp phần “giảm tải” áp lực công việc cho các cơ quan cấp trên và các lợi ích khác như trên đã đề cập. Tuy nhiên, theo ý kiến của một tổ trưởng tổ hoà giải ở cơ sở thì hiện nay mức chi thù lao cho vụ, việc hoà giải thành hoặc không thành chưa cao.
Trong khi tổ hoà giải ở cơ sở thường có từ 5 đến 7 người, để làm tốt công tác hoà giải thì các hoà giải viên phải mất nhiều thời gian, công sức và những áp lực khác nhau... Tổ trưởng tổ hoà giải này kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành quy định nâng mức chi thù lao lên để hỗ trợ và động viên đối với người thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở.
Khoản 1, Điều 2 Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 28.8.2015 của UBND tỉnh (về việc quy định mức chi thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh) có quy định:
Điều 2. Nội dung chi, mức chi và nguồn kinh phí thực hiện
1. Nội dung chi và mức chi
a) Chi thù lao cho hoà giải viên (đối với các hoà giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hoà giải):
Căn cứ vào hồ sơ cụ thể có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc hoà giải thành hoặc không thành của tổ hoà giải ở cơ sở, mức chi cụ thể như sau:
- Đối với vụ, việc hoà giải thành: 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hoà giải;
- Đối với vụ, việc hoà giải không thành: 150.000 đồng/vụ, việc/tổ hoà giải;
b) Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hoà giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hoà giải): 100.000 đồng/tổ hoà giải/tháng;
c) Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hoà giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hoà giải viên: 70.000 đồng/người/buổi;
d) Chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hoà giải viên: 10.000 đồng/người/buổi.
Quốc Sơn