Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn Khảo sát Trung ương:
Làm việc với Tây Ninh về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Thứ năm: 10:29 ngày 09/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Qua 5 năm thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 28.329 người...

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 8.11, Đoàn Khảo sát Trung ương do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Hùng Thái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp, trong đó loại hình công lập là 18 cơ sở, loại hình tư thục 5 cơ sở. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao nhiệm vụ đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp từ trình độ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng.

Từ tỉnh đến huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đội ngũ giáo viên dạy nghề bao gồm giáo viên thuộc các cơ sở dạy nghề công lập, các cơ sở dạy nghề tư thục, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nông dân sản xuất giỏi, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chương trình đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp được xây dựng đúng quy định, linh hoạt, đặc biệt coi trọng việc hình thành kỹ năng nghề cho người học với thời gian thực hành chiếm 70 - 80% tổng thời gian đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Qua 5 năm thực hiện Đề án 1956 (giai đoạn 2012 – 2016), toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 28.329 người; trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp được 22.787 người (chiếm 80,44%), đào tạo nghề phi nông nghiệp được 5.542 người (chiếm 19,56%).

Trong 5 năm qua đã đào tạo nghề cho 10.917 thanh niên; tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.148 đoàn viên, thanh niên; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh, các công ty sản xuất trên địa bàn giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh có những mô hình đạt hiệu quả như mô hình dạy nghề nông nghiệp: khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, trồng rau sạch, trồng lúa; mô hình dạy nghề phi nông nghiệp gồm kỹ thuật se nhang, nấu ăn, may công nghiệp. Phần lớn, người tham gia học có việc làm đúng ngành nghề đã học, có thu nhập ổn định...

Tư vấn việc làm cho sinh viên Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh- Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, Tây Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó tập trung chỉ đạo, đi vào chiều sâu, chất lượng công tác đào tạo nghề, làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, quan tâm hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo nghề...

Thay mặt đoàn khảo sát, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Tây Ninh đã đạt được; yêu cầu địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư, Đề án 1956, 1971 của Thủ tướng Chính phủ để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào thực chất, có hiệu quả, chất lượng, không chạy theo hình thức...

* Trước đó, đoàn đã có chuyến khảo sát và làm việc với lãnh đạo huyện Gò Dầu.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, huyện Gò Dầu đã mở được 96 lớp dạy nghề ngắn hạn với 71 lớp nông nghiệp và 25 lớp phi nông nghiệp, có hơn 2.600 học viên tham gia, trong đó số học viên tốt nghiệp gần 2.500 người.

Các ngành ghề được đào tạo chủ yếu là trồng nấm, trồng rau sạch, kỹ thuật trồng lúa, khai thác mủ cao su, nuôi gia cầm, may công nghiệp, điện dân dụng, lái xe ô tô… Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt gần 1.900 người, chiếm khoảng 76%.

Kinh phí để thực hiện việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện từ năm 2012-2017 gần 2,9 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho học viên sau học nghề 4,2 tỷ đồng, với gần 400 hộ vay. Sau học nghề, các học viên cùng nhau thành lập được nhiều HTX, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, như HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống và một số tổ hợp tác may công nghiệp.

Dịp này, đoàn khảo sát trung ương đã đến tham quan thực tế 1 tổ hợp may công nghiệp làm ăn hiệu quả trên địa bàn xã Hiệp Thạnh. Tổ hợp tác này đã tạo việc làm cho gần 20 lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Tố Tuấn - Trọng Cầu

Tin cùng chuyên mục