Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lắng nghe, để biết dân cần gì
Thứ hai: 00:19 ngày 01/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại các cuộc họp dân, UBND xã cùng các ngành liên quan phân tích cụ thể tầm quan trọng của dự án; kiên nhẫn lắng nghe và giải thích thấu đáo những ý kiến thắc mắc của các hộ dân. Nhờ đó, tất cả các hộ dân đã đồng thuận, tự nguyện tháo dỡ vật dụng, cây trồng trên lưu không kênh…

Các dự án nâng cấp hệ thống kênh tiêu không những giải quyết được tình trạng ngập úng vào mùa mưa, mà còn giúp cho người dân trong khu vực dự án tăng thêm quỹ đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, hiệu quả và làm gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết “Khi chính quyền và người dân đồng lòng”, phản ánh việc người dân huyện Dương Minh Châu tự nguyện giải toả mặt bằng, hiến đất để nâng cấp các tuyến đường kênh trong Dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các xã Phước Minh, Phước Ninh, Lộc Ninh… Tổng diện tích đất người dân hiến để hoàn thành các tuyến đường kênh của dự án là 22.300m2.

Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Ninh, trong quá trình triển khai nạo vét kênh tiêu và nâng cấp đường bờ kênh trong dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền địa phương xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển nông nghiệp, người dân sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích từ dự án.

Ðiều khó khăn là, đây là dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm, không có kinh phí hỗ trợ đền bù, trách nhiệm của địa phương là phải nỗ lực tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Tại các cuộc họp dân, UBND xã cùng các ngành liên quan phân tích cụ thể tầm quan trọng của dự án; kiên nhẫn lắng nghe và giải thích thấu đáo những ý kiến thắc mắc của các hộ dân. Nhờ đó, tất cả các hộ dân đã đồng thuận, tự nguyện tháo dỡ vật dụng, cây trồng trên lưu không kênh… để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Lãnh đạo UBND xã Lộc Ninh cho biết thêm, sau khi các hộ dân bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công đã triển khai dự án đúng với những gì mà chính quyền địa phương nói khi vận động người dân. Người dân càng phấn khởi hơn khi dự án hoàn thành, nhanh chóng cho thấy những lợi ích như đường kênh thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá, nông sản, không còn phải nơm nớp lo sợ cảnh ngập úng. Mặt khác, kênh tiêu còn được thiết kế phục vụ cho việc trữ nước vào mùa khô, người dân có thể sử dụng để tưới.

Tại xã Phước Ninh, việc triển khai dự án cũng nhận được sự đồng tình cao của người dân. Theo lãnh đạo xã, ngay khi có chủ trương, UBND xã đã tổ chức họp dân để thông báo về việc triển khai dự án và những lợi ích mà người dân sẽ được thụ hưởng để phát triển kinh tế.

Khi lấy ý kiến về việc giải phóng mặt bằng phạm vi lưu thông bờ kênh, phần lớn các hộ dân đều đồng tình, không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Duy chỉ có 1 hộ dân chưa đồng tình với việc di dời trụ điện nằm trên lưu không kênh.

Trước tình huống trên, UBND xã phối hợp với các đoàn thể xã, ấp đến phân tích, vận động. Sự kiên trì ấy đã thuyết phục được hộ dân trên tự di dời trụ điện để bàn giao mặt bằng. Ðến nay, dự án được triển khai trên địa bàn xã cơ bản hoàn thành, góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng nông thôn, thuỷ lợi của địa phương. Nhiều hộ dân bắt đầu có ý định chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi không còn lo sợ cảnh nước ngập như trước.

Dọc theo các tuyến kênh tiêu vừa được nâng cấp, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị như nhãn, sầu riêng...

Khác với các xã Phước Ninh và Lộc Ninh, dự án nạo vét kênh tiêu và nâng cấp hệ thống đường kênh tại xã Phước Minh gặp nhiều khó khăn do trên đất lưu không kênh có khá nhiều công trình của người dân. Ngoài việc tổ chức họp các hộ dân liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, UBND xã cử hẳn một Phó Chủ tịch xã cùng cán bộ chuyên môn phối hợp các ấp và cán bộ thuỷ nông đến từng hộ dân có đất cặp hai tuyến kênh vận động họ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án.

Trên địa bàn, nơi dự án đi qua có 97 hộ dân, với tổng diện tích phải giải toả là 150 ha. Trong đó, trên tuyến kênh ấp A4 - Phước Lộc A có 17 trường hợp trồng cây và hoa màu trên bờ kênh; tuyến kênh T02 có 18 hộ nuôi cá và trồng cây lâu năm, xây hàng rào trên bờ kênh. Chính quyền địa phương kiên trì giải thích, vận động nhân dân thu hoạch hoa màu, cá và tháo dỡ trụ rào. 100% hộ dân đồng tình thực hiện, tạo điều kiện cho đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo UBND xã Phước Minh cho rằng, yếu tố quyết định nhất là sự đồng thuận khi thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ðường kênh được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Không dừng lại đó, người dân địa phương còn tích cực hưởng ứng việc bổ sung hệ thống lưới điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên các tuyến kênh tiêu có hệ thống giao thông thuộc dự án Phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng kênh T02, kênh ấp A4.

THẾ NHÂN

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu chủ yếu như: bình quân giá trị sản xuất (GTSX)/ha đất nông nghiệp 130 triệu đồng, trong đó GTSX/ha đất trồng trọt 115 triệu đồng/ha; phấn đấu 9/9 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,4%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt 72%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bằng 1,8 lần so với năm 2020...

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh