Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng quê Phước Chỉ (tiếp theo và hết)
Thứ tư: 08:58 ngày 25/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một miền đất giàu truyền thống lao động cần cù sáng tạo và đấu tranh cách mạng. Một cây cầu bê tông hiện đại vừa mới bắc qua sông, nối Phước Chỉ gần lại với trung tâm đô thị Trảng Bàng. Liệu có phải là vận hội cho Phước Chỉ vươn mình trỗi dậy hơn xưa?

Cầu An Phước kết nối 2 xã cánh Tây với trung tâm Thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Tấn Hưng

Khi nghe những địa danh thuộc Phước Chỉ như: Trùm Beo, Châu Ó, Đìa Mai; hoặc Đường Long, Giồng Mồ Côi, Giồng Muối… hẳn ai cũng nghĩ rằng Phước Chỉ là một vùng hoang vu thuộc vùng sâu xa, biên giới. Còn ai đã từng đến Phước Chỉ, cũng biết đây là miền quê ít đường sá mà nhiều kênh rạch. Vậy nên có nhiều xóm ấp dân cư bên đường vẫn cứ phải bắc cầu qua trên con kênh chạy dọc trước nhà. Ta sẽ càng cảm thấy xa xôi hơn khi nghe một câu ca dao về Phước Chỉ. Là: “Trùm Beo đi dễ khó về/ Trai đi có vợ, gái về ôm con”.

Ấy thế mà không như người ta nghĩ, Phước Chỉ lại là một trong những thôn đầu tiên có từ khi lập phủ Tây Ninh. Tuy sách “Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ” xác định là Phước Chỉ có từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhưng nghiên cứu của Dương Công Đức trong sách “Trảng Bàng phương chí” lại cho thấy: “Theo địa bạ Gia Định lập trước năm 1836 thì vùng đất Phước Chỉ ngày nay trong thôn Bình Tịnh, tổng Bình Cách Trung, huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, khi thành lập phủ Tây Ninh vào năm 1836 thì thôn Phước Chỉ cũng được tách ra từ thôn Bình Tịnh trước đó và trở thành thôn thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh.

Đến đời vua Thiệu Trị mới chuyển sang tổng Hàm Ninh Hạ, huyện Quang Hoá…”. Cái tên Quang Hoá còn tồn tại tới năm 1866 dưới ách cai trị của người Pháp, đến năm 1867 mới đổi tên thành Trảng Bàng. Cũng chính Dương Công Đức đã “phát hiện” ra rằng: “Đầu thế kỷ 20, Phước Chỉ đã từng là một trung tâm dân cư của huyện Trảng Bàng và tỉnh Tây Ninh.

Năm 1939, cả tỉnh Tây Ninh chỉ có 7 ngôi chợ lớn, trong đó có chợ Rạch Tràm, thuộc làng Phước Chỉ (6 ngôi còn lại là chợ Tây Ninh, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Trà Cao, Suối Sâu và chợ Long Thành). Từ những năm 1930, Phước Chỉ đã xuất hiện phong trào cộng sản, trước cả vùng Gia Lộc, Lộc Hưng…”.

Như vậy, đến đầu thế kỷ 20, Phước Chỉ đã trở thành một vùng quê trù phú ở Tây Ninh. Có được điều này là do đặc trưng địa lý của khu vực này. Trong khi giao thông chủ yếu vẫn là đường thuỷ, phía Đông Phước Chỉ là miên man sông nước Vàm Cỏ Đông; còn ở phía Nam lại thênh thang một dòng Rạch Tràm- địa giới tự nhiên giữa Tây Ninh với tỉnh Long An.

Đấy là còn chưa kể đến những kênh rạch từ sông Vàm Cỏ Đông ăn sâu vào Phước Chỉ, như rạch Trà Cao, Bờ Đắp hay rạch Đường Xuồng… Những con rạch len lỏi giữa đồng lúa vàng ươm vào mùa thu hoạch bao giờ cũng làm lòng người mê đắm vì cảnh sắc hay vì nồng nàn hương lúa.

Những bến sông tĩnh lặng đắm mình dưới sắc xanh cà na hay những bụi gừa cổ quái ven sông. Hoặc cả những dãy nhà tuy còn đơn sơ nhưng luôn nở rộ sắc mai vàng vào độ tết… Tất cả đã làm nên một Phước Chỉ đẹp hồn hậu, tự nhiên với những nét riêng có hơn bất cứ một làng quê nào khác.

Nhưng không chỉ có thuận tiện đường sông, có lẽ tư bản Pháp, Hoa kiều đã nhận biết được vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng của vùng Phước Chỉ - Rạch Tràm nên còn đầu tư nhiều tuyến đường bộ qua Phước Chỉ. Sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ” của Nguyễn Đình Tư (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017) cho biết: “Ngày 8.3.1919 Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định xếp loại đường làng (hương lộ) tại các tỉnh, trong đó tỉnh Tây Ninh có chiều dài 141,561 km…”.

Có nhiều con đường ở Phước Chỉ, như: “Đường số 21 từ Lộc Giang đến chợ Rạch Tràm, dài 3,200 km, đường số 25 từ Lái Mai đến chợ Trà Cau, dài 3,000 km; đường số 26 từ chợ Trà Cau đến cột trụ số 30, dài 3,200 km…”.

Đến ngày 27.12.1929, lại có nghị định của Thống đốc Nam kỳ phân loại đường làng và đường nông thôn tại Tây Ninh, trong đó có: “đường số 8 từ chợ Rạch Tràm, Phước Chỉ đến biên giới Cam Bốt, Rốc Môn, dài 6,700 km” và “đường số 9 kể từ cây số 3, 200 km Lái Mai trên đường số 8 tới biên giới Căm Bôt, cột mốc số 30, qua Trà Cau, dài 6,200 km…” …

Xin lưu ý rằng, những hương lộ hay đường làng ngày ấy, đến nay đều được phát triển lên thành tỉnh lộ khang trang, hiện đại. Như đường số 8 thẳng tới Campuchia nay là bê tông nhựa thênh thang, chắc là lớn gấp nhiều lần các con đường cũ. Rồi đường số 26 từ Trà Cao xuyên qua trung tâm xã nay đã là một con đường đô thị có cả dãy trụ đèn cao áp bên đường.

Xin trở lại với những hồi ức của ông Tám Nghĩa, hậu duệ của vị quan võ triều Minh Mạng là Lê Công Đăng Sĩ- người có ngôi mộ ở phường 1, TP. Tây Ninh đã kể trong bài trước.

Ông Tám cho biết chợ Rạch Tràm rất lớn, cũng xây một kiểu với các chợ Trảng Bàng, Gò Dầu. Quanh chợ là vô số các kho lẫm lúa của người Hoa thu gom mua của người Việt từ Long An, Tây Ninh đem bán.

Tháng 11.1945, quan lính của “Đệ tam sư đoàn” chiếm đóng vùng này, bị Pháp đánh, đánh không lại nên rút chạy. Nhân đó Pháp đốt cháy chợ Rạch Tràm, các kho lẫm lúa cháy tới mấy ngày liền mới hết.

Phước Chỉ không chỉ là vùng đất từng thịnh vượng phát triển vào đầu thế kỷ XX, mà còn là vùng đất được gieo những hạt giống đỏ của phong trào cách mạng. Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005)” cho biết, ngay từ những năm 1936-1939: “Đảng ta phát động cuộc vận động “Mặt trận Dân chủ Đông Dương”.

Từ đây… phong trào cách mạng ở Tây Ninh được nhen nhóm trở lại dưới dạng đấu tranh công khai, hợp pháp. Nổi bật là nhóm thanh niên tại Phước Chỉ (Trảng Bàng) gồm các anh Lê Văn Vẳng, Dương Quang Thạnh và Bùi Văn Ngỡi dưới sự chỉ đạo của Tổng uỷ Cầu An Thượng (thuộc quận uỷ Đức Hoà, Long An ngày nay), đã đứng ra thành lập Hội Ái hữu, giúp nhau…

Hội phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thanh niên vào làm việc nghĩa và được quần chúng đồng tình ủng hộ…”. Đến năm 1938, các tổ chức hữu còn lập công khai một Uỷ ban hành động tại chợ Rạch Tràm. Tiếng vang xa đến độ tỉnh trưởng Tây Ninh lúc ấy là Renoux phải trực tiếp tới chợ Rạch Tràm vào tháng 8.1938, tổ chức một cuộc “diễn thuyết” trước quần chúng.

Nhân đó, các anh Vẳng, Ngỡi, Thanh chuyển thành cuộc đấu tranh đòi giảm thuế. Sau cuộc đấu tranh thắng lợi này, cơ sở Đảng đầu tiên ở Phước Chỉ được thành lập với 3 đảng viên mới do Tổng uỷ Cầu An Thượng kết nạp. Tới tháng 10.1940, chi bộ Đảng tại Rạch Tràm được thành lập.

Chính tại đây, Chi bộ Rạch Tràm đã chuẩn bị tích cực để tham gia khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23.11.1940. Ngày 22, lệnh tạm ngưng đến kịp thời, nên dù thực dân Pháp thẳng tay đàn áp nhưng lực lượng cách mạng đã kịp thời phân tán nên không tổn thất.

Sau sự kiện tháng 11.1945, Pháp đốt cháy chợ Rạch Tràm thì tiếp theo là hai cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam chống Pháp và Mỹ. Nhất là, theo Dương Công Đức trong Trảng Bàng phương chí thì: “Từ sau năm 1960, khi phong trào kháng chiến phát triển mạnh ở Phước Chỉ và Trung ương cục miền Nam xác định Phước Chỉ là điểm đầu tập kết quan trọng của Quân giải phóng từ vùng Mỏ Vẹt (Ba Thu, Campuchia)…

Phước Chỉ dần dần thuộc quyền kiểm soát của Quân giải phóng miền Nam, và chính quyền Quốc gia tự do oanh tạc vùng đất Phước Chỉ, biến Phước Chỉ thành vùng trắng trên bản đồ quân sự miền Nam. Từ năm 1963 đến 1975, hầu hết dân chúng xã Phước Chỉ bỏ đi nơi khác sinh sống, chỉ còn lại cơ sở cách mạng, quân giải phóng bám trụ, và một số căn cứ quân sự của quân đội VNCH…”.

Một miền quê cổ, kế thừa thôn Bình Tịnh có từ thời vua Gia Long đầu thế kỷ XIX. Một làng duy nhất ở Tây Ninh từng có 3 ngôi đình làng (Phước Chỉ, Phước Hoà và Phước Mỹ). Một miền quê từng là đầu mối giao thương phát triển thịnh vượng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông hiền hoà thơ mộng.

Một miền đất giàu truyền thống lao động cần cù sáng tạo và đấu tranh cách mạng. Một cây cầu bê tông hiện đại vừa mới bắc qua sông, nối Phước Chỉ gần lại với trung tâm đô thị Trảng Bàng. Liệu có phải là vận hội cho Phước Chỉ vươn mình trỗi dậy hơn xưa?

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục