Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng xưa Thanh Phước
Thứ tư: 18:21 ngày 10/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong cuốn “Truyền thống cách mạng… xã Thanh Phước” 1945 - 1975. (Ban Thường vụ Huyện uỷ Gò Dầu xuất bản năm 2010), những ý tưởng về nguồn gốc thôn làng xưa được lặp lại cũng gần giống vậy.

Làng Thanh Phước xưa, nay là thị trấn Gò Dầu.

Xem lại cuốn “Ba mươi năm chiến đấu làm nên sự nghiệp anh hùng” viết về xã Phước Thạnh (Huyện uỷ Gò Dầu và Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 1985), thấy có nêu vào khoảng năm 1685: “người dân ghét chế độ bất công của triều đình nhà Nguyễn và sau đó chán ghét cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn nên từ các tỉnh Trung bộ băng rừng vượt núi kéo về phía Nam, đến Cần Giờ rồi từ đó tủa đi các nơi. Trong đó những người tủa đi, có nhiều người lần mò vào đất Tây Ninh rồi đặt chân đến xã Phước Thạnh…”. Thế rồi: “đến năm 1850 xã Phước Thạnh mới được hình thành, nằm trong huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh”.

Trong cuốn “Truyền thống cách mạng… xã Thanh Phước” 1945 - 1975. (Ban Thường vụ Huyện uỷ Gò Dầu xuất bản năm 2010), những ý tưởng về nguồn gốc thôn làng xưa được lặp lại cũng gần giống vậy. Nguyên văn: “giữa thế kỷ XVII, vùng đất miền Trung bị thất mùa nặng nề, cộng với sự chán ghét triều đình nhà Nguyễn hà hiếp nhân dân, nên một bộ phận dân cư từ các vùng đất Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận… đã băng rừng, vượt núi, vượt sông kéo về phương Nam… Sau đó, một số người đi dần lên Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, thị xã Tây Ninh tìm vùng đất mới sinh sống. Trên bước đường lập nghiệp, một số người đã dừng chân định cư trên vùng đất thuộc xã Thanh Phước ngày nay…”

Ở cả hai đoạn trích của hai sách kể trên, đều có chung một lầm lẫn, thoạt nhìn có thể coi là nhỏ nhưng thật ra lại không nhỏ chút nào. Ðấy là câu: “người dân chán ghét chế độ bất công của triều đình nhà Nguyễn”“sự chán ghét triều đình nhà Nguyễn hà hiếp nhân dân”. Thế kỷ XVII, làm gì đã có “triều đình nhà Nguyễn” cho dân chán ghét? Ðọc lại lịch sử Việt Nam mà xem! Triều đình nhà Nguyễn- như một vương triều phong kiến hoàn chỉnh chỉ có từ năm 1802 sau khi Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn- triều đại đã trị vì trước đó để lên nắm quyền cai trị đất nước.

Ở đây cần có sự phân định rạch ròi, giữa thời các chúa Nguyễn (9 đời chúa, từ 1558 đến 1777) và triều đình nhà Nguyễn (13 đời vua, từ 1802 đến 1945). Gọi cho đúng tên thì các đời chúa Nguyễn là một thế lực phong kiến cát cứ ở Ðàng Trong; cũng giống như thế lực phong kiến họ Trịnh ở Ðàng Ngoài.

Chính hai thế lực này đã gây nên cuộc nội chiến thường được gọi là Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài suốt 148 năm trong lịch sử (1627- 1775). Triều đình phong kiến chính thống lúc đó trên danh nghĩa là nhà Lê trung hưng, mà cả hai thế lực cát cứ ấy đều sử dụng làm danh nghĩa để “phò Lê”.

Cũng cần nói thêm cho rõ rằng, cuộc nội chiến này chỉ chấm dứt nhờ sự xuất hiện của nhà Tây Sơn, với tài năng siêu việt của người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ, biết huy động sức mạnh toàn dân để lần lượt đánh dẹp cả hai thế lực phong kiến cát cứ để giang sơn Ðại Việt lại trở về một mối.

Một điểm sai nữa ở cuốn sách viết về Phước Thạnh chính là chi tiết: “năm 1850 xã Phước Thạnh được hình thành”. Sự thật là thôn làng đã có từ lâu hơn, nhưng cái tên Phước Thạnh thì xuất hiện muộn hơn vào năm 1877. Năm vừa qua (2016), nhân kỷ niệm sự kiện “180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển”, nhiều vấn đề lịch sử đã được tìm ra. Trong đó, nhiều tên làng, tên đất đã được xác minh soi tỏ.

Mà rõ nhất là ở cuốn “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của tác giả Nguyễn Ðình Tư (Nxb Chính Trị Quốc Gia 2008); mục từ Phước Thạnh, trang 883 có ghi: “Làng thuộc tổng Mỹ Ninh, hạt tham biện Tây Ninh từ 31.10.1877 do tách từ làng Thanh Phước…”. Vậy muốn truy cứu đến ngọn nguồn Phước Thạnh, cứ lần tìm những trang cổ tích về làng Thanh Phước mà ra!

Ðình Thanh Phước vẫn uy nghi dưới bóng những cây dầu trên đỉnh gò cao nhất miền xưa từng gọi tên là Gò Dầu Hạ. Ðình được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2004 và đây có thể là ngôi đình lớn nhất tỉnh Tây Ninh.

Sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xuất bản 2014) có nêu rằng: “Khuôn viên rộng tới 10.000m2, diện tích xây dựng là 820m2”. Rõ ràng, nếu so sánh với tất cả các ngôi đình khác của tỉnh, kể cả các ngôi được công nhận là di tích cấp quốc gia thì đình Thanh Phước chiếm ngôi vô địch.

Sông Vàm Cỏ Ðông như một con rồng cuộn, đến khu vực thị trấn Gò Dầu lại như một đoạn bụng rồng cong lõm vào trong, đoạn trên là Phước Trạch, đoạn dưới là An Thạnh. Ðình trên đỉnh gò cao nhất, mặt quay về hướng dòng sông chảy miên man phía trước. Thế đất ấy, theo các cụ ta xưa là có thế phong thuỷ đẹp nhất với đình làng. Với quy mô và kích cỡ ấy, cũng đã có thể hình dung những tiềm lực cũng như sự lâu đời của ngôi làng xưa Thanh Phước.

Quả nhiên, trong sách “Gia Ðịnh Thành thông chí” của Trịnh Hoài Ðức- viết vào khoảng trước năm 1820, khi ông còn là Hiệp tổng trấn thành Gia Ðịnh, có đoạn viết về trấn Phiên An: “Năm Mậu Thìn Gia Long thứ 7, ngày 12 tháng giêng, đổi làm trấn Phiên An (tên cũ là dinh Phiên Trấn- TV), lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện, cứ theo thế đất rộng hay hẹp, dân nhiều hay ít hãy thấy liền nhau là bỏ vào, lại thêm tên tổng, đều lập giới hạn…” (sách đã dẫn, trang 85- Thư viện Tây Ninh).

Trong mục Tổng Bình Cách (mới lập ra) có các tên thôn làng Tây Ninh là Bình Tĩnh (Bình Tịnh), Thanh Phúc (Thanh Phước) và Phước Thạnh. Bình Tịnh thì nhiều người đã biết, sau này đổi tên thành An Tịnh. Còn Thanh Phúc, liệu có phải chính là Thanh Phước? Thì cũng chính là nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư- một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về miền đất Nam Bộ cho ta lời giải đáp.

Cuốn “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”, trang 146 có mục từ Bình Cách. Ðấy là: “Tổng thuộc huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An triều Gia Long với 33 xã, thôn, phường (11 thôn thuộc đạo Thuận Thành). Còn lại thuộc đạo Quang Hoá, trong đó: Cẩm Giang Tây, Long Tuyền, Thạnh Ðức, Bình Tịnh, Thái Bình Thượng, Thanh Phước…”.

Như vậy là đã rõ! Không chỉ có Bình Tịnh (sau là An Tịnh), mà ngay cả Thanh Phước và Thạnh Ðức của huyện Gò Dầu ngày nay cũng là những làng rất cổ, có ngay từ những năm đầu thế kỷ XIX trước khi phủ Tây Ninh được khai sinh. Cẩm Giang đã không được nhắc đến, có lẽ do đây là đạo sở trực thuộc phủ chứ không thuộc huyện.

Ðọc cuốn “Truyền thống xã Thanh Phước”, ta sẽ còn biết thêm rằng: “xã Thanh Phước bao gồm luôn cả thị trấn Gò Dầu và hai ấp Cây Trắc, Suối Cao của xã Phước Ðông ngày nay…

Năm 1963, ta tách các ấp Rạch Sơn, Thanh Hà, Thanh Bình khỏi xã Thanh Phước để lập thành thị trấn Gò Dầu. Cắt ấp Suối Cao của xã Thanh Phước và một phần xã Phước Thạnh lập thêm xã Sina, sau đổi tên thành xã Suối Bà Tươi (xã Phước Ðông ngày nay)”. Ðây cũng là câu trả lời cho nghi vấn trong bài Phước Hội thôn… in trên báo Tây Ninh ngày 29.3.2017.

Rằng liệu Phước Ðông có thuộc về thôn Phước Hội? Nay đã rõ ràng Phước Ðông cũng là đất của làng xưa Thanh Phước. Làng Thanh Phước xưa là như thế đấy! Cả một vùng đất nước mênh mông trên lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông, ôm trùm lên cả một phần quốc lộ 22B bên phía Tây và một phần tỉnh lộ 782 ở phía Ðông. Ðể các khu công nghiệp Trâm Vàng, Phước Ðông mọc lên hừng hực sức sống của thời đại mới. Ðể cho thị trấn địa đầu của Tây Ninh tiếp nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài này cũng hừng hực sinh sôi nảy nở, sắp sửa trở thành đô thị loại IV nay mai. Và trên đỉnh gò cao của thị trấn, đình Thanh Phước vẫn bình thản, trầm ngâm soi bóng nước sông Vàm.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục