Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lãnh binh Két là ai ?
Thứ tư: 00:32 ngày 24/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhân vật này từng nổi danh trong những ngày đầu chống Pháp tại Tây Ninh, nhưng những câu chuyện về ông khá mờ nhạt. Cả trăm năm qua, ngay cả tên họ ông cũng chưa được xác định đầy đủ. Thậm chí, cái chức vụ “lãnh binh” gắn với tên ông cũng có thể là do người dân tôn sùng mà tự tôn phong.

Tượng thờ Lãnh binh Két tại đình Cầu Khởi.

Những tư liệu chép về lãnh binh Két ở Tây Ninh đầu tiên là trong sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh (1973), được NXB Thanh Niên tái bản năm 2001. Sau đó là các cuốn sách lịch sử, như: Lược sử Tây Ninh (1986), Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1997), Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Trảng Bàng (2005)…

Các tư liệu ghi chép về ông không khác nhau nhiều. Về cơ bản giống như tài liệu dã sử mà Huỳnh Minh đã chép. Đấy là: “Ông Két là một trong những vị lãnh binh ở miền Nam, đã anh dũng lập chiến công chống Pháp dưới triều vua Tự Đức, tại Long Giang Gò Dầu, nay là quận Hiếu Thiện (Bến Cầu- NV).

Ông và nhiều đồng chí nghĩa quân thường đem quân đến đột kích những đồn lẻ của quân Pháp ở miệt Trảng Bàng, Gò Dầu, Tây Ninh vào những đêm trời tối, dùng hoả công phá đồn rồi rút lui trong bóng tối, làm cho Pháp thất điên bát đảo với đội quân của ông…”.

Điều tiếc nuối của Huỳnh Minh, và có thể là của cả những người dân kể chuyện về ông là: “Rất tiếc, thời ấy các nhà sử học của ta bỏ quên không ghi chép tên ông vào lịch sử, thành ra không biết ông là người xuất xứ ở đâu? Và chết năm nào?”.

Điều mong muốn của Huỳnh Minh đã được thoả nguyện phần nào, khi các cuốn sử Tây Ninh sau năm 1975 đều có viết về Lãnh binh Két. Như cuốn Lược sử Tây Ninh, với các cán bộ sưu tầm và xác minh tư liệu như Trương Minh Hiếu, Đoàn Văn Đời, Lương Hoài Vũ, Nguyễn Văn Sáng, Mai Văn Hải… xác minh thêm vài tư liệu liên quan. Như các căn cứ của lãnh binh là: “dựa vào thế rừng rậm đầm lầy của các xã ở huyện Bến Cầu: Long Giang, Long Khánh làm nơi trú ẩn của nghĩa quân…”.

Và cả chi tiết: “tục danh của Lãnh binh là Thần Đầu Đỏ” do ông luôn chít khăn đỏ khi đánh giặc”. Chi tiết quan trọng khác nữa là: “Quân Pháp truy lùng dữ nhưng không lần nào diệt được ông Lãnh và phá được chiến khu của ông”.

Tuy vậy, giữa các cuốn sử tỉnh hoặc địa phương ở Tây Ninh cũng còn một vài chi tiết khác biệt nhỏ khi viết về Lãnh binh Két. Như sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2005)” (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2010) cho rằng lực lượng của lãnh binh là thuộc “quân ngũ của ông Khâm Tấn Tường- vị tham tán quân vụ ở phủ Tây Ninh đã bất tuân lệnh bãi binh của triều Tự Đức, lui quân về lập phủ An Cơ chống Pháp (trang 26-27). Còn theo sách “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Trảng Bàng (2005)” thì lại có sự phối hợp giữa 2 lực lượng của Lãnh binh ông Tòng và ông Két.

Như ở trận Đồng Cỏ Đỏ: “Nhiều trận nghĩa quân do ông Tòng và ông Két phối hợp bất ngờ đốt cháy đồn giặc ở Trâm Vàng, Bình Nguyên, ngã ba Bàu Gõ… trong đó có một trận phục kích diệt rất nhiều tên Pháp, máu giặc chảy đỏ cả cánh đồng, từ đó về sau đồng trảng ấy được nhân dân đặt tên là Trảng Cỏ Đỏ…” (có nhầm lẫn gì không, khi mà các tư liệu trước đó như Tây Ninh xưa, sự tích xã Gia Lộc… đều ghi nhận cuộc chiến tại Đồng Cỏ Đỏ là trận đánh với thổ phỉ Khmer để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?).

Trong các tài liệu đã trích kể trên, dù có ít nhiều khác biệt nhưng có một điều chung: không có tư liệu nào nhắc đến việc Lãnh binh Két lấy thành bảo Long Giang làm căn cứ. Là bởi ông đã biết: “dựa vào thế rừng rậm, đầm lầy” mà đánh giặc. Điều thứ hai là biết dựa vào dân. Ở vùng Long Giang, Long Khánh ngày nay vẫn còn 2 địa danh liên quan đến cuộc kháng chiến của ông là doi Ông Thống và doi Bà Trắng.

Chuyện dân gian truyền tụng là căn cứ của ông (thống lĩnh) ở doi Ông Thống. Còn doi Bà Trắng là do có một bà người Chăm tình nguyện lập một đội dân công, hậu cần chuyên tiếp tế gạo, muối cho nghĩa quân được no lòng mà đánh giặc. Không hề có một câu chuyện nào liên quan đến ngôi thành bảo.

Chỉ có sách Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1945-1975) in năm 1997 là có thêm một đoạn này: “Thành Long Giang được xây dựng khá kiên cố. Khi Pháp tập trung lực lượng bao vây tấn công, ông cùng nghĩa quân trong thành dứt dây, lăn gỗ, chống giặc rất quyết liệt. Lãnh binh Két đã cố thủ thành trì đến hơi thở cuối cùng…”.

Xin thêm lời bình luận, rằng một vị chỉ huy quen cách đánh du kích “xuất quỷ nhập thần” như Lãnh binh Két thì không thể có chuyện tụ vào một ngôi thành đất nhỏ bé, để hứng chịu sự bao vây tấn công với cả súng thần công (đại bác) của quân xâm lược Pháp! Nhiều năm trước, chúng tôi từng được nghe các bậc cao tuổi ở xã Cầu Khởi kể rằng trong một trận chiến ở đâu đó, Lãnh binh Két bị thương nặng như vẫn không rời lưng ngựa. Chỉ khi chạy đến đất ấp Khởi Hà, xã Cầu Khởi ngày nay ông mới chịu gục xuống hy sinh.

Cũng do truyền tụng này mà nơi ấy, ngày nay có một ngôi đình thờ ông làm vị thành hoàng. Cũng tại đây, lần đầu tiên có bản tiểu sử đầy đủ về ông. Theo đó: “Lãnh binh Két sinh năm Quý Tỵ 1833, dưới triều vua Minh Mạng. Ông được mẹ là Lê Thị Mi sinh ra tại Thanh Hoá với cái tên cúng cơm là Hạo (cha ông không rõ)…

Lên 5 tuổi, ông theo mẹ vào sống tại thôn Chí Long, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế (là quê của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương). Tại đây mẹ ông tục huyền với trưởng thôn Lê Đình Dự, do đó ông lấy họ theo cha dượng là Lê Đình… Vì ông rất thông minh, nhớ dai và tính tình rất nhạy bén, hơn nữa ông nói chuyện líu lo (như chim két- TV) nên được cha dượng đặt tên là Két. Từ đấy, ông mang họ tên là Lê Đình Két. Năm lên 17 tuổi (1850), thấy ông lanh lợi, thông minh, chịu khó nên Tổng đốc Nguyễn Tri Phương thu nhận ông vào làm lính dưới trướng của mình…

Từ đây, cuộc đời binh nghiệp đã theo ông. Khi thì trấn giữ đồn Thuận An, lúc lại điều vào trấn nhậm vùng Đồng Nai, Bến Nghé. Khi quân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn từ năm 1859, buộc triều đình ký hoà ước Nhâm Tuất 1862, một số võ tướng miền Nam không tuân lệnh bãi binh, tự tách ra lập các đội nghĩa quân chống Pháp.

Theo tài liệu trên, thì Lãnh binh Két hoạt động trên vùng hướng Tây và Tây Bắc thành Gia Định, thoạt đầu ở vùng Bà Hom, Tân Bình, Bà Điểm, sau đó rút về vùng Bến Dược, Củ Chi. Sau khi địch đã chiếm được 3 tỉnh miền Tây năm 1867, chúng tập trung quân đánh phá các cứ điểm của nghĩa quân, thì Lãnh binh rút về vùng Cầu Ván, Cầu Khởi, Cầu Xe, Suối Ông Hùng thuộc địa hạt Tây Ninh. Sau nữa, ông mới rút về vùng “Tam thôn” là Long Thuận, Long Giang, Long Khánh. Đến năm 1874, tháng 10 mới xảy ra cuộc tấn công của quân Pháp vào thành bảo. Tại đây ông đã anh dũng hy sinh…”.

Bản tiểu sử kể tóm tắt trên đây là kết quả của những nỗ lực của các vị trong 2 ban quý tế đình Long Giang và Cầu Khởi, với cả sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu Huế- Nguyễn Khắc Xuân. Theo chúng tôi, phần đầu của cuộc đời Lãnh binh Két có thể đáng tin, nhưng phần chiến đấu trên đất Tây Ninh ở đoạn cuối đời của ông cần có những nghiên cứu tiếp theo để làm rõ. Bởi có nhiều chi tiết không đúng với lịch sử.

Như có đoạn kể ông liên kết với Lãnh binh Tòng vào năm 1867. Thì lúc này Lãnh binh Tòng đã bị giặc bắt và đày đi đảo Guyane từ 1862. Hoặc chuyển về trận đánh thành bảo vào năm 1874. Theo các tác giả sách “Tây Ninh Đất và Người”, hoặc Dương Công Đức trong “Trảng Bàng phương chí”, thì sau cuộc chiến của Trương Quyền đã không còn một lực lượng nào đáng kể để quân Pháp phải truy lùng, tiêu diệt nữa. Mà khởi nghĩa của Trương Quyền và Pu-kom-pô đã kết thúc vào năm 1867 (theo GS. Trần Văn Giàu trong tác phẩm “Chống xâm lăng”).

Vậy thì sao còn có thể có trận đánh thành, trong đó lãnh binh Két anh dũng hy sinh vào năm 1874? Mà nếu có một trận đánh lớn như vậy, với “suốt 5 ngày đêm tấn công… tiếng súng vang trời, tiếng quân 2 bên la hét dậy đất, bên ngoài địch quân lớp này ngã xuống lớp khác viện đến tiến lên…” thì không thể không để lại một tiếng vang nào trong lịch sử (cả lịch sử của người Việt và người Pháp). Do vậy, những ngày cuối của Lãnh binh Két vẫn còn... lơ mơ như trong đám sương mù.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục